Đây là bức ảnh Người đàn ông đang ăn cơm do nhiếp ảnh gia Berthold Laufer chụp ở Trung Quốc vào khoảng năm 1901 – 1904. Hiện bức ảnh đang được trưng bày tại Bảo tàng Thư viện Lịch sử tự nhiên Mỹ. Trong ảnh là một người đàn ông đang bưng bát cơm đầy và nở một nụ cười thật tươi. Thật ra, đây là một bức ảnh rất đặc biệt…
Điều đặc biệt ở bức ảnh nằm ở chỗ người thời xưa khi chụp ảnh không bao giờ cười, nhưng người đàn ông này lại đang cười và lại cười rất tươi.
Trong hầu hết các bức ảnh được chụp từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, thường thấy người trong ảnh không ai cười. Thậm chí cả khi chụp ảnh đám cưới cũng… không ai cười. Chẳng hạn bức ảnh chụp tập thể trong một đám cưới vào năm 1900 này:
Một trong những lý do giải thích tại sao người xưa chụp ảnh không cười là bởi vì công nghệ chụp ảnh thời đó rất khó khăn trong việc bắt được nụ cười. Thời đó, để chụp được một bức ảnh, thời gian phơi sáng cần phải dài và chủ thể của bức ảnh cần phải đứng yên bất động trong khoảng thời gian phơi sáng để hình chụp không bị mờ, bóng ma. Bởi vậy, khi chụp ảnh, họ phải giữ mình đứng yên, không nhúc nhích càng lâu càng tốt, và tất nhiên là sẽ thật khó để duy trì một nụ cười trên môi trong một khoảng thời gian dài như vậy.
Nhưng đó chỉ là một trong một số giả thuyết được đưa ra để giải thích tại sao người xưa chụp ảnh không cười. Ngoài ra còn có một số cách giải thích khác nữa như vào lúc sơ khai, ngành nhiếp ảnh bị ảnh hưởng bởi các bức vẽ chân dung truyền thống. Một bức ảnh chân dung là một biểu cảm đóng băng của một người, không phải là khoảnh khắc tại một thời điểm, và điều đó có nghĩa là người ta không cười…
Giờ thì bạn đã nhận ra điều “bất thường” trong bức ảnh Người đàn ông đang ăn cơm ở trên rồi đúng không? Đối với người thời đó mà nói, bức ảnh này quá “lạ lùng” và chưa từng thấy bao giờ. Với khoảng thời gian phơi sáng lâu như vậy, để có thể chụp được nụ cười tươi như thế, chắc chắn người đàn ông trong ảnh đã phải cố gắng rất nhiều!
Em bé này tương lai sẽ trở thành 1 vận động viên tài năng đây.
Liên Hoa
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.