Hai bệnh nhân ghép thận đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy năm 1992, hiện một người định cư nước ngoài, người khỏe mạnh ở tuổi 59.
Phó giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sau 24 năm kể từ hai ca đầu tiên, ghép thận đã trở thành phẫu thuật thường quy của khoa Ngoại tiết niệu. Hiện trung bình mỗi tuần bệnh viện thực hiện 4 ca ghép thận từ người cho sống.
Ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Ngày 23/4/2008, ca ghép thận từ người cho chết não đầu tiên là trường hợp con trai bị tai nạn giao thông tặng mẹ ruột quả thận, được thực hiện tại bệnh viện. Năm 2010, 4 ca ghép thận từ 2 người cho chết não không có quan hệ huyết thống đầu tiên trên cả nước cũng được thực hiện tại đây. Đến nay số lượng người nhận tạng từ người cho chết não trong cả nước đã vượt 100. Tháng 6/2015 bệnh viện đã ghép thận thành công cho 2 người nhận từ người cho tim ngừng đập, mở ra một nguồn tạng hiến mới để tăng số lượng tạng hiến tại Việt Nam. Sự ra đời của đơn vị điều phối ghép tạng đã góp phần tăng nguồn hiến từ người cho chết não, thực hiện các ca ghép tạng xuyên Việt thời gian qua.
Phát biểu tại Lễ vinh danh người hiến tạng và mừng ca thứ 500 ghép thận ngày 25/8, phó giáo sư Sơn nhấn mạnh 500 ca ghép thận trong vòng 25 năm, 1/4 của thế kỷ không phải là con số lớn so với thế giới. Tuy nhiên đây là niềm tự hào, là kết quả của sự cố gắng không ngừng của tập thể nhân viên bệnh viện, các nhà khoa học trong chuyên ngành ghép thận nói riêng và ghép mô tạng nói chung.
Tiến sĩ Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết nhiều bệnh nhân sau khi ghép thận đã lập gia đình, sinh con khỏe mạnh. Người cho thận đầu tiên là trường hợp bố cho con gái cũng đang sống khỏe mạnh ở tuổi 83. Tỷ lệ sống sau 10 năm của bệnh nhân đạt trên 95%.
Sự thành công của chương trình ghép thận là tiền đề để bệnh viện triển khai các hoạt động ghép tạng và mô khác như ghép gan, ghép giác mạc, ghép tủy xương, chuẩn bị các đề tài ghép tim và ghép phổi. Trong tương lai, kỹ thuật ghép đa tạng, ghép thận cho bệnh nhân không tương hợp nhóm máu sẽ được nghiên cứu triển khai.
Giáo sư Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế và phó giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tặng hoa, bằng khen tri ân người hiến tạng. Ảnh: Lê Phương. |
Giáo sư Nguyễn Trường Sinh, Phó Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam bày tỏ lòng tri ân đối với những người đã hiến tạng. Chính những người cho sống đã chia sẻ một phần thân thể quý giá để đem lại sự sống cho người thân cũng như người nhận không cùng huyết thống. Với những người cho chết não hay ngừng tuần hoàn, tấm lòng dũng cảm hiến tạng của họ đã giúp hồi sinh nhiều cuộc đời khác. Một người chết có thể cứu sống nhiều người khác với thận, gan, tim, phổi, tụy tạng của mình.
Số lượng người được hiến tạng cho đến nay chỉ hơn 1.500, nhưng người cần hiến tạng đã vượt qua con số 16.000. Khó khăn nhất trong ghép tạng hiện nay đối với các y bác sĩ Việt không phải vấn đề kỹ thuật mà là sự khan hiếm nguồn hiến mô, tạng. Quá trình thuyết phục cộng đồng đăng ký và đồng ý hiến tạng vẫn còn muôn vàn thách thức, cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội.
Video NSUT Minh Vương hát tại lễ vinh danh ngày 25/8
(Minh Vương được một thanh niên hiến thận ghép tại Bệnh viện Chợ Rẫy 4 năm trước, hiện hồi phục sức khỏe và có thể ngân vang giọng hát ở tuổi 66)
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.