Có gì sai với những cảnh chết chìm trong dung nham, bị bịt mặt cho chết ngạt, chết vì bị cá mập ăn… thường thấy trong phim ảnh?
Sai lầm 1: Cảnh chết chìm trong dung nham
Nếu bạn đã xem bộ phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn: Sự trở về của nhà vua (2003)”, chắc hẳn bạn sẽ nhớ cảnh cái chết của nhân vật Gollum khi anh chìm dần vào trong dung nham.
Sự thật: Bạn không thể chết chìm trong dung nham. Chìm vào trong dung nham là việc không thể xảy ra được đối với con người (hoặc bất kỳ một loài động vật nào khác).
Vì dung nham nóng chảy là chất lỏng nên mọi người thường có xu hướng nghĩ rằng chắc nó cũng giống như nước. Nhưng nếu so sánh một vài đặc tính vật lý giữa chúng, chúng ta sẽ thấy dung nham và nước khác nhau rất xa.
Nước có khối lượng riêng 1000 Kg/m3 và độ nhớt 0,00089 Pa.s
Dung nham có khối lượng riêng 3100 Kg/m3 và độ nhớt 100 -1000 Pa.s
Nếu bạn ném một vật vào một chất lỏng có độ nhớt thấp (ví dụ nước) thì nó sẽ chìm nhanh hơn so với khi ném vật đó vào một chất lỏng có độ nhớt cao (ví dụ siro ngô).
Như chúng ta đã thấy, dung nham có khối lượng riêng lớn gấp 3,1 lần nước và có độ nhớt lớn gấp 110 000 đến 1 100 000 lần nước.
Khối lượng riêng của con người là khoảng 1010 Kg/m3, tức là chỉ nặng hơn nước một chút xíu mà thôi.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn rơi vào dung nham? Tất nhiên bạn sẽ không chìm. Nhưng nhiệt độ của dung nham cao đến nỗi nó sẽ đốt cháy bạn ngay lập tức. Bạn sẽ bị đốt cháy nhanh đến mức không có đủ thời gian để kịp giơ ngón giữa ra.
Sai lầm 2: Cảnh giết người bằng cách làm họ nghẹt thở với một cái gối
Các cảnh giết người bằng một cái gối trong phim thường như thế này:
Tên giết người lẻn vào khi nạn nhân đang nằm ngủ. Hắn chụp lấy một cái gối đè chặt lên mặt nạn nhân. Nạn nhân ú ớ giãy giụa từ vài chục giây tới nửa phút rồi im bặt. Tên giết người thả gối ra. Nạn nhân đã chết. Chết chắc luôn!
Trong thực tế, mọi chuyện khổ sở và mệt mỏi hơn nhiều, cho cả nạn nhân lẫn tên giết người. Những gì bạn nhìn thấy trên phim chỉ là giai đoạn mào đầu, công việc thực sự còn rất nhiều. Sau khi tên giết người đè gối lên mặt nạn nhân một khoảng thời gian, nạn nhân sẽ ngất đi. Nhưng nếu tên giết người thả gối ra, nạn nhân sẽ tự động thở lại như một phản xạ tự nhiên của cơ thể.
Thời gian đủ để giết chết một người bằng cách này thường khá dài. Đầu tiên, cần 15 giây để cơ thể dùng hết oxy trong máu, sau đó đồng hồ bắt đầu tính giờ. Một phút sau đó, một số tế bào não của bạn bị phá hủy. Thêm 3 phút, não bạn sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Nhưng ít nhất phải cần 10 đến 15 phút sau để giết chết nạn nhân. Đó là chưa kể một số trường hợp hiếm hoi có thể sống tới 40 đến 60 phút mà không cần thở.
Như vậy, nếu bạn là một tên giết người theo cách này, lời khuyên cho bạn là hãy mang theo một cái bánh sandwich và một cuốn sách để đọc trong lúc chờ nạn nhân chết.
Sai lầm 3: Cá mập thích săn đuổi và ăn thịt con người
Sự thật là: Cá mập không thích ăn thịt người.
Mặt dù có bề ngoài trông như một cỗ máy hủy diệt thực thụ, cá mập thực ra rất nhút nhát và không muốn tiếp cận con người. Cá mập gần như không bao giờ chủ động bơi theo con người. Trong thực tế, nguyên nhân chủ yếu khiến cho cá mập tấn công con người là “con người kích động cá mập”.
Có thể bạn sẽ thắc mắc: “Nếu đó là sự thật, vậy tại sao có tới hàng chục cuộc tấn công vô cớ của cá mập trên toàn thế giới mỗi năm?” Vâng, trong số các cuộc tấn công đó, rất hiếm trường hợp là tử vong. Ví dụ trong số 98 cuộc tấn công của cá mập năm 2015, chỉ có 6 trường hợp tử vong. Và các trường hợp tử vong cũng chỉ do một vết cắn duy nhất, không phải kiểu tấn công mạnh mẽ với nước biển sôi trào và máu chảy lênh láng như trong các bộ phim.
À, mà bạn có biết rằng, mỗi năm số người bị giết bởi máy bán hàng tự động nhiều hơn số người bị giết bởi cá mập?
Cá mập sử dụng hàm răng của chúng như cách con người sử dụng đôi tay của chúng ta. Khi cá mập cắn một thứ gì đó, nó thường mang ý nghĩa dò xét và kiểm tra hơn là tấn công. Đó là lý do vì sao đôi khi cá mập cắn vào thuyền, phao, dây cáp quang hoặc bất cứ thứ gì mà chúng thấy thú vị. Và khi cá mập lỡ cắn nhầm con người, chúng sẽ cảm thấy chúng ta thật ghê tởm, và bỏ chạy thật nhanh.
Sai lầm 4: Bạn có thể dễ dàng lượm lựu đạn và ném trả lại kẻ thù
Lựu đạn cầm tay là loại lựu đạn phân mảnh. Mục đích chính của nó không phải để giết chết mục tiêu mà là để làm bị thương kẻ thù càng nhiều càng tốt. Khi lựu đạn nổ, các mảnh đạn sẽ văng ra xung quanh và gây nên sát thương.
Trong các bộ phim, chúng ta thường thấy có cảnh một anh lính lượm trái lựu đạn bị ném về phía mình và ngay lập tức ném ngược trở lại về phía kẻ thù. Tuy nhiên trong thực tế, khả năng để chuyện này xảy ra là… cực thấp!!
Cầu chì của lựu đạn cho bạn 3 đến 5 giây. Ít nhất 2 giây trong số đó đã bị tiêu tốn trong quá trình lựu đạn bay từ tay của kẻ thù đến chỗ của bạn. Trong thời gian ít ỏi còn lại, bạn cần phải phát hiện ra lựu đạn, làm ra phản xạ, chạy tới, lượm lên, xoay người và ném ngược trở lại kẻ thù. Hầu như không bao giờ có đủ thời gian cho bạn làm tất cả những việc đó.
Dan Rosenthal, một cựu chiến binh Mỹ, đã nói: “Trừ khi bạn là Captain America, nếu không đừng bao giờ cố gắng để ném lựu đạn trở lại.”
Khoảng cách sát thương của lựu đạn rất xa, bạn sẽ không có đủ thời gian để chạy thoát. Cách tốt nhất để tránh sát thương khi bị ném lựu đạn là nhanh chóng tìm một chỗ có che chắn để ẩn núp (nếu có). Nếu không có chỗ để ẩn úp, hãy nằm rạp người xuống càng thấp càng tốt vì mảnh đạn có xu hướng văng ở phía trên.
Đừng nằm ngang vì diện tích tiếp xúc khi nằm ngang lớn nhất và khả năng bị trúng mảnh đạn sẽ cao nhất. Nằm hướng chân về phía lựu đạn cũng là một lựa chọn tệ hại, đó sẽ là lựa chọn tuyệt vời nếu bạn muốn động mạch đùi của bạn bị cắt đứt. Hãy xoay đầu về phía lựu đạn, mũ bảo hiểm của bạn được thiết kế để chống lại mảnh lựu đạn.
Lưu ý: mặc dù mũ bảo hiểm của bạn được thiết kế để chống lại mảnh lựu đạn, nó không thể chống lại vụ nổ trực tiếp của lựu đạn. Do đó đừng dại dột dùng mũ hoặc bất cứ vật gì (ví dụ tủ lạnh, nếu bạn kiếm được tủ lạnh) ụp lên lựu đạn, làm như vậy, bạn chỉ cung cấp thêm mảnh vỡ để tăng sát thương cho lựu đạn mà thôi.
Sai lầm 5: Cảnh chết do bị lún cát
Mặc dù nhiều bộ phim kinh dị miêu tả nạn nhân bị chết do cát lún, sự thật là: Bạn hầu như không thể chết đuối trong cát lún.
Cát lún chỉ đơn giản là cát bình thường quá bão hòa với nước, do đó ma sát giữa các hạt cát giảm. Cát lún thường xuất hiện ở vùng châu thổ của những con sông hùng vĩ hoặc hình thành khi một trận động đất giải phóng nước từ các hồ nước ngầm. Cát lún có thể gây ra sự sụp đổ của các cây cầu và các tòa nhà.
“Xác suất mà một người sẽ hoàn toàn bị hút vào trong cát, mặt khác, là con số không. Phiên bản Hollywood chỉ là không chính xác“, Thomas Zimmie, một chuyên gia về cơ học đất tại Viện Bách khoa Rensselaer ở Troy, New York cho biết.
Nhà khoa học Daniel Bonn từ Đại học Amsterdam cùng các đồng nghiệp của ông đã tiến hành nghiên cứu trên cát lún bằng các hạt nhôm có mật độ tương tự con người. Các hạt trong thí nghiệm đã không bao giờ chìm quá một nửa trong cát. Mặc dù mỗi hạt chỉ có đường kính 4 mm, Bonn nói rằng các phát hiện vẫn có thể được áp dụng cho con người, vì chúng có cùng một mật độ.
Video: Dị nhân’ làm chệch kim la bàn, bẻ cong iPhone bằng ý nghĩ
Theo Ohaytv
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.