Thứ Năm, 31/12/2015 | 16:44

Theo Thạc sĩ Ngũ Duy Nghĩa – Phó trưởng khoa dịch tễ, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, các bệnh thường bùng phát vào mùa đông – xuân là sốt phát ban, sởi, cúm, bệnh do virus adeno và tiêu chảy do virus rota…

Do vậy, người dân cần chú ý giữ ấm để tránh bị nhiễm lạnh, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Đồng thời, mỗi người cần áp dụng các biện pháp phòng tránh như có chế độ ăn uống hợp lý; giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt; chú ý ăn uống hợp vệ sinh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; hạn chế tối đa tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm. Đối với trẻ em cần đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

– Thưa các bác, cứ vào giai đoạn chuyển mùa là cháu lại bị cúm khoảng 1 – 2 tuần. Chỉ là ốm vặt nên cháu cũng không đi khám gì mà chỉ tự mua thuốc và uống. Vậy các bác có lời khuyên nào dành cho cháu không ạ?  (Bùi Thị Thùy Linh, 24 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:

Chào bạn,

Thời điểm chuyển mùa thường có thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt vào mùa thu – đông, nhiệt độ giảm và chênh lệch giữa ngày và đêm, kèm theo độ ẩm cũng thay đổi làm cho cơ thể khó thích nghi. Vì vậy, rất dễ mắc một số bệnh đặc biệt là cúm. Trường hợp của bạn có thể cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Khi bạn có biểu hiện của cúm như sốt, chảy mũi, ho …bạn nên đi khám để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác và cho thuốc điều trị hiệu quả.

Bên cạnh đó, để phòng bệnh bạn cần giữ ấm khi thay đổi thời tiết, ăn uống đầy đủ, đặc biệt là các chất giàu dinh dưỡng, vitamin làm tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh.

5 bệnh trẻ dễ mắc trong mùa đông - xuân
Thạc sĩ Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

– Các bác sĩ chỉ dẫn giúp, mỗi khi đông về, những bệnh truyền nhiễm nào là phổ biến, làm sao để tránh các bệnh này? (Vũ Văn Hướng, Thái Bình)

– Thạc sĩ Ngũ Duy Nghĩa – Phó trưởng khoa dịch tễ, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương:

Chào độc giả báo VnExpress.net! Hiện tại là thời điểm thời tiết vào giữa đông, nhiệt độ tương đối thấp, thuận lợi cho tác nhân gây bệnh đường hô hấp phát triển, đặc biệt là virus. Mặt khác, sức đề kháng của con người, nhất là các “hàng rào bảo vệ tự nhiên” ở niêm mạc đường hô hấp rất dễ bị tổn thương. Hơn nữa, do trời lạnh, mọi người thường tập trung trong phòng kín, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lây bệnh. Với các điều kiện này, các bệnh thường bị vào mùa đông – xuân là sốt phát ban, bệnh sởi, bệnh cúm, bệnh do virus adeno… và bệnh tiêu chảy do virus rota.

Trong giai đoạn chuyển mùa, để phòng chống các dịch bệnh nói trên, mọi người cần chú ý giữ ấm để tránh bị nhiễm lạnh, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ; cần có chế độ ăn uống hợp lý; giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt. Trong đó, chú ý ăn uống hợp vệ sinh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Hạn chế tối đa tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm. Đối với trẻ em cần đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

– Cho tôi hỏi có phải các bệnh truyền nhiễm hiện nay rất khó chữa không, ví dụ như bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết… Những loại bệnh này hiện đã có vắc xin phòng bệnh chưa và liệu số ca tử vong có tăng so với trước? (Lê Tuấn Mạnh, 30 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Cách bệnh truyền nhiễm từ trước đến nay vẫn là những bệnh nguy hiểm. Các bệnh truyền nhiễm thông thường, trong thời gian qua có rất nhiều tiên bộ trong việc điều trị nên tỷ lệ tử vong giảm rất nhiều. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng kháng thuốc càng ngày càng gia tăng ở một số mầm bệnh, đặc biệt là các vi khuẩn đa kháng kháng sinh, làm khó khăn thêm quá trình điều trị. Nhóm thứ hai là các bệnh mới nổi và tái nổi. Một số chưa có vác xin phòng bệnh như  tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết… nhưng vẫn có thể điều trị theo các phác đồ đã ban hành. Trong lịch sử từng có rất nhiều vụ đại dịch gây chết nhiều triệu người nhưng đến nay khá nhiều dịch bệnh đã được kiểm soát hoặc có tiến bộ trong điều trị làm hạ thấp tỷ lệ tử vong rất nhiều. Chưa có bằng chứng gì về số ca tử vong các bệnh truyền nhiễm hiện nay tăng hơn so với trước.

– Con tôi bị cơ địa dị ứng, đặc biệt là viêm mũi dị ứng. Vào mùa xuân thường xuyên bị hắt hơi, sổ mũi, rất khó chịu. Xin hỏi nguyên nhân gây bệnh và có cách nào làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh? (Nguyễn Mạnh Cường, 26 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Viêm mũi dị ứng là một bệnh do cơ địa. Có rất nhiều yếu tố làm khởi phát bệnh vào mùa xuân như thời tiết lạnh, ẩm, phấn hoa, bụi mốc… Để giảm bớt các triệu chứng, bạn cần tránh cho con tiếp xúc với các yếu tố làm khởi phát bệnh như trên, hạn chế nuôi súc vật rụng lông nhiều như chó mèo, hạn chế để trẻ hít phải khói bụi. Có một số thuốc cả Đông y và Tây y đều có thể giúp cải thiện tình trạng cơ địa dị ứng. Bạn nên đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế để được thầy thuốc chỉ định điều trị và tư vấn cụ thể.

– Tôi thấy ở khu vực tôi ở tình trạng ăn tiết canh ngan, vịt rồi lợn vẫn còn diễn ra rất phổ biến khi nói với họ là như vậy thì rất nguy hiểm mọi người có bảo với tôi rằng các con vật đều là do nhà nuôi và chế biến nên rất an toàn các bác có thể cho tôi câu trả lời là liệu như vậy có an toàn không nếu không an toàn, nguy hiểm thì nên giải thích thế nào để họ hiểu được. (Trần Anh Việt, 24 tuổi, Nam Định)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Tiết canh là món thức ăn không an toàn. Các con vật nuôi vẫn có thể mang các mầm bệnh ví dụ trong đàn lợn khỏe vẫn có những con lợn mang liên cầu lợn hay gà vịt nuôi vẫn có thể nhiễm cúm gia cầm. Khi ăn tiết canh ngan, vịt, lợn chúng ta tăng nguy cơ ăn những mầm bệnh chưa bị nấu chín và nhiễm bệnh.

5 bệnh trẻ dễ mắc trong mùa đông - xuân
Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

– Chào bác sĩ, hiện tại bé nhà tôi được 2 tuổi rưỡi, xin hỏi bác sỹ những bệnh nào thường hay gặp khi trời chuyển sang mùa đông – xuân? Cách dự phòng, phòng tránh?
(Đoàn Thị Hương Thủy, 35 tuổi, Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:

Khi chuyển sang mùa đông – xuân, thời tiết thường thay đổi đột ngột, nhiệt độ giảm thấp, độ ẩm thay đổi tạo điều kiện cho một số tác nhân gây bệnh dễ phát triển và lây lan. Ngoài ra, khi chuyển mùa cơ thể cũng khó thích nghi đặc biệt là các cháu bé. Vì vậy dễ mắc một số bệnh như: cúm, sởi, viêm phế quản, thủy đậu…

Để phòng tránh các bệnh thường gặp trong mùa đông – xuân và khi thay đổi thời tiết bạn cần giữ ấm cho trẻ, cho trẻ mặc ấm khi đi ra ngoài, cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và hoa quả để tăng sức đề kháng. Thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, giữ đôi bàn tay sạch và vệ sinh sạch sẽ đồ chơi của trẻ.

Bạn cần hạn chế hoặc không cho trẻ tiếp xúc với những cháu có biểu hiện ốm để tránh việc lây nhiễm từ các trẻ ốm đó sang con bạn. Để chủ động phòng bệnh cho cháu, bạn cần lưu ý tiêm phòng văc xin đầy đủ và đúng thời gian theo lịch tiêm chủng giúp con bạn có đủ sức đề kháng chống lại các dịch bệnh.

– Tôi thấy mọi người nói khi mẹ đang cho con bú mà bị sốt xuất huyết hoặc sốt phát ban khi cho con bú sẽ bị lây ngay qua cho con như vậy có đúng không thưa các bác. (Trần Quốc Anh, 34 tuổi, Cần Thơ)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Sốt xuất huyết không lây qua tiếp xúc trực tiếp như cho bú, bế ẵm, hôn hít… Bệnh này chỉ lây truyền qua muỗi đốt nên khi bị sốt xuất huyết vẫn có thể cho con bú bình thường nhưng cần lưu ý tránh để muỗi đốt có thể truyền bệnh từ người bệnh sang người lành.

Sốt phát ban có thể do nhiều căn nguyên gây ra. Căn nguyên hay gặp nhất là các virus đường ruột. Bệnh này lây truyền qua đường tiêu hóa do ô nhiễm phân hoặc qua chân tay bị vấy bẩn làm ô nhiễm thức ăn, nước uống nên khi người mẹ bị sốt phát ban cần lưu ý việc đảm bảo vệ sinh, rửa tay thường xuyên bằng nước với xà phòng để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho trẻ.

– Con tôi năm nay 3 tuổi. Năm ngoái cháu đã bị mắc bệnh chân tay miệng rồi, vậy bệnh này có dễ bị mắc lại không? Nguồn gốc gây bệnh từ đâu? Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ thì còn cần phải làm những gì để phòng bệnh? (Nguyễn Thị Loan, Quận 1, TP HCM)

– Thạc sĩ Ngũ Duy Nghĩa:

Chào chị! Bệnh tay chân miệng là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh này tương đối lành tính, đa số có thể tự khỏi, chỉ một tỷ lệ nhỏ mắc bệnh có biến chứng thần kinh nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh tay chân miệng do một nhóm virus đường ruột gây nên, do vậy, trẻ em có thể tái mắc bệnh nhiều lần với các virus đường ruột khác nhau. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, đặc biệt là thông qua bàn tay bị nhiễm virus gây bệnh.

Để phòng bệnh, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân giữ vai trò rất quan trọng. Trong đó, cha mẹ cần phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho trẻ; lau rửa vệ sinh đồ chơi, vật dụng ăn uống của trẻ… Còn đối với cha mẹ hay những người trực tiếp trông trẻ cũng cần phải đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay xà phòng sau khi đi vệ sinh hoặc trước khi nấu thức ăn cho trẻ, chăm sóc trẻ… Ngoài ra, chế độ ăn uống hợp lý, nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ cũng rất cần thiết. Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng như sốt, mọc các ban, mụn nước ở trên da, bàn tay, bàn chân, trong niêm mạc miệng… cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng thần kinh đáng tiếc.

– Con em bị lên hạch sau khi tiềm mũi Lao và vào viện Nhi trích áp se do ngày nào cũng phải vào viện Nhi thay băng cháu trộm vía vẫn khỏe hoạt động binh thường nhưng đi vào viện Nhi nhiều như vậy có sợ bị lây bệnh chéo các bệnh truyền nhiêm không? (Lê Thị Mận, 29 tuổi, Hà Nam)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Một số bệnh truyền nhiễm lây truyền qua không khí như cúm, sởi… có thể lây lan rộng trong những môi trường đông đúc như bệnh viện, trường học, phương tiện giao thông công cộng… Khi cho con vào những nơi có nguy cơ lây lan cao như trên bạn nên chú ý sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân như khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần với những người nghi bệnh, rửa tay với xà phòng sau khi tiếp xúc với các bề mặt có thể nhiễm bệnh như lan can, tay nắm cửa… để tránh nguy cơ lây nhiễm các bệnh trên.

– Tôi được biết khi thời tiết chuyển sang mùa xuân cũng là cơ hội cho nhiều bệnh truyền nhiễm phát triển trong đó có hội chứng viêm màng não, nhất là ở trẻ nhỏ. Xin hỏi những dấu hiệu bệnh viêm nàng não ở trẻ em và cách điều trị như thế nào? (Phạm Xuân Thắng, 30 tuổi)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Bệnh viêm màng não có thể do vi khuẩn, virus, lao, nấm… Thường người bệnh viêm màng não sẽ có các biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn, những trường hợp nặng có thể li bì, lơ mơ hoặc hôn mê. Bệnh viêm màng não là bệnh nguy hiểm, có nguy cơ diễn biến nặng hoặc tử vong nên cần phải điều trị ở bệnh viện. Một số căn nguyên gây viêm màng não như phế cầu, HI đã có vác xin phòng bệnh. Bạn nên lưu ý việc tiêm phòng ở trẻ để tránh nguy cơ viêm màng não do các căn nguyên trên.

5 bệnh trẻ dễ mắc trong mùa đông - xuân
Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

– Nguyên nhân chính nào khiến nhiều người dễ mắc bệnh vào mùa đông xuân đến vậy, đặc biệt là các bệnh hô hấp và truyền nhiễm, đặc biệt là đối tượng trẻ em. (Lưu việt Tùng, 27 tuổi, Cầu Giấy – Hà Nội)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Trong mùa đông xuân thường thời tiết lạnh, ẩm. Không khí lạnh dễ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp làm giảm sức đề kháng tại chỗ giúp một số mầm bệnh dễ xâm nhập. Trong môi trường lạnh và ẩm các mầm bệnh lây truyền qua đường không khí thường tồn tại lâu hơn. Do đó, trong mùa đông xuân nhiều người dễ mắc bệnh hô hấp và truyền nhiễm hơn.

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Trong mùa đông xuân thường thời tiết lạnh, ẩm. Không khí lạnh dễ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp làm giảm sức đề kháng tại chỗ giúp một số mầm bệnh dễ xâm nhập. Trong môi trường lạnh và ẩm các mầm bệnh lây truyền qua đường không khí thường tồn tại lâu hơn. Do đó, trong mùa đông xuân nhiều người dễ mắc bệnh hô hấp và truyền nhiễm hơn.

– Các chuyên gia cho tôi hỏi về cách phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ. Loại này có phải là một loại bệnh truyền nhiễm dễ mắc phải và nguy cơ lây giữa các bé cao không ạ?

  (Quang Huy, 25 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:

Chào bạn,

Bệnh tay chân miệng là  bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus gây ra. Bệnh thường hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh dễ lây lan qua đường tiêu hóa, hoặc tiếp xúc với những giọt nước bọt, dịch tiết mũi họng hoặc các bọng nước vỡ của trẻ bị bệnh. Bệnh thường có biểu hiện như sốt, đau họng, nổi phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.

Hiện, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có văc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để hạn chế lây lan.

Để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, chúng tôi khuyến cáo bạn cần:

– Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ, rửa tay cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Giữ gìn sạch sẽ đồ chơi, thường xuyên rửa đồ chơi bằng xà phòng, lau sạch những đồ dùng, dụng cụ học tập của trẻ.

– Giữ gìn vệ sinh ăn uống, thức ăn của trẻ, đảm bảo đủ dinh dưỡng, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải rửa sạch sẽ và tráng nước sôi trước khi sử dụng. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay hoặc ngậm đồ chơi. Không nên cho trẻ dùng chung khăn, vật dụng ăn uống như cốc, bát, thìa với những trẻ khác.

– Cần thu gom và xử lý chất thải của trẻ đúng cách, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

– Theo dõi  và phát hiện sớm những trẻ có biểu hiện của bệnh để có thể cách ly, điều trị kịp thời tránh lây lan sang cho trẻ khác.

Chúc bạn làm tốt những khuyến cáo trên để con bạn luôn được khỏe mạnh.

– Cháu nhà tôi năm nay được 4 tuổi, do mùa đông xuân năm nay, thời tiết nóng lạnh thất thường, nên cháu hay bị ho, sổ mũi, có đờm ở cổ họng. Tôi đã cho cháu sử dụng các phương pháp dân gian như uống chanh đào ngâm mật ong, rửa mũi bằng nước muối sinh lý…Tuy nhiên, 2 ngày hôm nay, tôi thấy xung quanh cổ và sau gáy của cháu nổi các hạch nhỏ, sờ vào không đau. Các chuyên gia cho tôi hỏi, các hạch này có nguy hiểm với trẻ nhỏ không, có cần thiết phải đưa cháu vào viện không vì tôi có nghe nói sau khi khỏi ốm, các hạch đó sẽ tự mất, có đúng không? (Phan văn Sỏi)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Ở người bình thường khu vực cổ, dưới hàm, sau gáy vẫn có những hạch lympho. Khi có những viêm nhiễm vùng hầu họng, các hạch này phản ứng to lên và khi tình trạng viêm nhiễm đỡ đi thì các hạch này lại nhỏ lại. Đây là diễn biến bình thường và không có gì nguy hiểm. Chỉ trong trường hợp các hạch này không nhỏ lại hoặc có xu hướng to dần lên thì cần phải đưa trẻ đến bệnh viện khám để phát hiện các bệnh lý khác nếu có.

– Tôi nghe nói có thuốc tiêm ngừa bệnh cúm, xin cho hỏi thuốc này dùng cho độ tuổi nào, có thể ngừa được bệnh trong bao lâu, có tốn nhiều tiền không? (Phạm Văn Điệp, Phương Trung, Hà Tây)

– Thạc sĩ Ngũ Duy Nghĩa:

Văcxin phòng bệnh cúm hiện có thể dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Hiện nay trên thế giới có hai loại văcxin cúm dùng vào hai thời điểm trong năm. Vắc xin dùng cho mùa cúm Bắc bán cầu (từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm) và mùa cúm Nam bán cầu (từ tháng 5 đến tháng 10). Như vậy, để phòng cúm được triệt để, hằng năm chúng ta phải tiêm đầy đủ hai loại vắc xin này. Do virus cúm biến đổi liên tục nên văcxin cúm đều được sản xuất dựa trên chủng virus được cập nhật hàng năm. Chính vì lý do này nên văcxin cúm chỉ có tác dụng phòng bệnh trong một năm, do đó, đối với năm tiếp theo, chúng ta cần phải tiêm văcxin cập nhật, mới có tác dụng phòng bệnh. Theo tôi biết, các vắc xin cúm có giá khoảng vài trăm nghìn tùy theo từng hãng sản xuất. Anh, chị có thể đến các cơ sở tiêm chủng để biết được giá chính xác.

5 bệnh trẻ dễ mắc trong mùa đông - xuân
Thạc sĩ Ngũ Duy Nghĩa

– Tôi đang cho con bú nhưng lại hay bị cúm, xin hỏi làm thế nào để phòng ngừa và trị cúm hiệu quả? Lúc bị cúm tôi có phải kiêng cho em bé bú không và làm thế nào để em bé không bị lây cúm từ mẹ? (Nguyễn Bích Vân)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Bệnh cúm là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Bản thân việc cho con bú không làm truyền bệnh cho trẻ qua sữa nhưng trẻ vẫn có nguy cơ lây cúm do hít phải mầm bệnh mẹ ho hoặc hắt hơi làm bắn ra hoặc làm vấy bẩn đồ ăn thức uống. Để tránh nguy cơ bị cúm bạn nên tiêm phòng cúm hàng năm. Khi bị cúm cần lưu ý đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay thường xuyên với xà phòng để hạn chế nguy cơ lây lan cho người khác.

– Bé nhà tôi bị nổi mẩn từng đám khắp người được 3 hôm nay, tôi đọc thông tin trên mạng thấy những triệu chứng của con tôi rất giống bệnh rubella, bị nổi mẩn khắp người, nhưng không bị sốt, bị ho nhiều về ban đêm. Tôi có cho con uống thuốc ho nhưng vẫn không đỡ. Xin cho hỏi có phải con tôi bị rubella không? Bệnh này có nguy hiểm lắm không và có biện pháp chữa trị gì không? (Phạm Tấm Kính, Hoàn Kiếm Hà Nội)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Bản thân bệnh rubella rất nguy hiểm với phụ nữ có thai vì dễ làm dị tật thai nhi nhưng tương đối lành tính ở các đối tượng khác. Tuy nhiên cũng có rất nhiều bệnh có biểu hiện nổi ban, mẩn trên da như sởi, sốt phát ban, tay chân miệng, dị ứng… Để xác định con bạn có bị rubella hay bị các bệnh khác, bạn nên đưa con đến bệnh viện khám.

– Các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng thường diễn biến rất nhanh đến tử vong. Triệu chứng thường rất khó phân biệt được với sốt thông thường. Do đó việc phát hiện đúng bệnh là rất khó. Vậy tôi xin hỏi, khi nào và với những triệu chứng nào thì nên cho trẻ đến cơ sở y tế là kịp thời nhất để bảo đảm không ảnh hưởng đến tính mạng? (Trịnh Minh Hằng, Hải Phòng)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Bệnh tay chân miệng thường có các biểu hiện: ban đầu là sốt cao, có thể nôn tiêu chảy, sau đó xuất hiện các ban có phỏng nước ở lòng bàn chân, bàn tay, miệng và một số vùng da khác. Nhiều trẻ có diễn biến nặng ngay từ giai đoạn đầu hoặc có các biến chứng viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp sau đó. Nếu trẻ bị tay chân miệng mà có sốt cao liên tục, run rẩy rùng mình, khó thở, yếu chân tay, co giật hoặc xoắn vặn hay lờ đờ, li bì cần phải đưa đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.

– Làm thế nào để trẻ hết bị viêm mũi dị ứng kéo dài con tôi 5 tháng rồi vẫn bị cháu thỉnh thoảng ho có đờm? (Nguyễn Ngọc Quỳnh, 28 tuổi, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Bệnh viêm mũi dị ứng là bệnh do cơ địa. Người bệnh khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như khói bụi, phấn hoa, hóa chất, lông súc vật… sẽ khởi phát tình trạng viêm mũi do dị ứng. Một số bệnh nhân trên nền viêm mũi dị ứng có thể có bội nhiễm vi khuẩn và trở thành viêm mũi họng, viêm phổi nhiễm trùng. Để tránh tình trạng viêm mũi dị ứng kéo dài bạn nên tránh cho trẻ tiếp xúc với các dị nguyên nói trên, trong trường hợp viêm mũi kéo dài và ho có đờm bạn cần phải đưa trẻ đến  bệnh viện khám để xác định xem trẻ có bị bội nhiễm vi khuẩn không để được chỉ định kháng sinh phù hợp.

– Thưa bác sĩ, con cháu được gần 2 tuổi, cháu cai sữa khi con được 20 tháng. Vào mùa rét này con cháu rất hay bị ho và ra nhiều mồ hôi trộm mặc dù cháu đã cố gắng chăm sóc giữ ấm cũng như lau người khi bé ra mồ hôi. Vậy bác sỹ có lời khuyên nào dành cho cháu không ạ? (Quách Hải Yến, 32 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:

Chào bạn,

Nhiều mẹ quan niệm, cứ mặc quần áo nhiều hoặc ủ kỹ cho con sẽ giữ cho trẻ khỏi lạnh. Tuy nhiên, khi mặc quá nhiều quần áo ấm hoặc ủ ấm quá nhiều sẽ có thể làm cho trẻ nóng, ra nhiều mồ hôi, điều đó càng làm cho trẻ lạnh và dễ bị ốm. Để giữ cho trẻ khỏe mạnh và không bị mắc bệnh trong mùa đông, bạn cần:

– Giữ ấm cho trẻ. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như sữa, hoa quả có nhiều vitamin để tăng sức đề kháng và có đủ năng lượng cho trẻ.

– Thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ, giữ đôi bàn tay trẻ luôn sạch sẽ, không cho trẻ ngậm hoặc mút tay, mút đồ chơi…

– Bạn nên lưu ý tiêm đầy đủ các loại văc xin phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

5 bệnh trẻ dễ mắc trong mùa đông - xuân
Thạc sĩ Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

– Bé trai nhà em 5 tuổi, vừa rồi em có dẫn bé về quê nội chơi rồi lại vào Sài Gòn. Em thấy trên má bé xuất hiện những chấm nhỏ rồi lan trên mí mắt. Em đưa đi khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm trùng da và đưa thuốc bôi, uống. Xin hỏi, bé bị vậy có nguy hiểm không ạ? Cách điều trị ra sao? (Trọng Khang, 28 tuổi, quận 12, TP HCM )

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Bệnh nhiễm trùng da như bạn mô tả có thể do liên cầu hoặc tụ cầu gây ra. Nhìn chung với các triệu chứng bạn mô tả thì tình trạng của bé chưa có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, với căn nguyên liên cầu một số trường hợp có thể diễn biến thành viêm cầu thận hoặc thấp tim là những biến chứng nguy hiểm. Bạn có thể xin tư vấn của bác sĩ điều trị cho con bạn về tình trạng của trẻ.

– Làm thế nào để phòng tốt nhất các bệnh truyền nhiễm cho các bé trong mùa đông xuân? Liệu tiêm phòng có phải là hiệu quả 100% không và nên tiêm những loại nào cho trẻ em hay người lớn? (Hoàng văn Thái, Hà Nội)

– Thạc sĩ Ngũ Duy Nghĩa:

Các bệnh truyền nhiễm hay gặp mùa đông – xuân là các bệnh liên quan đến đường hô hấp và đường tiêu hóa. Các biện pháp phòng bệnh bao gồm chú ý giữ ấm, tránh bị nhiễm lạnh cho trẻ nhỏ; có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý; giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt. Trong đó, ăn uống hợp vệ sinh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm là rất quan trọng.

Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và hiệu quả nhất. Hiệu quả của việc tiêm văcxin liên quan đến nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố đáp ứng sinh miễn dịch của cơ thể trẻ, vì vậy, không có văcxin nào có hiệu lực phòng bệnh 100%. Các văcxin cần thiết trong mùa đông – xuân bao gồm văc xin phòng bệnh cúm, sởi, viêm phổi do phế cầu, tiêu chảy do virus rota, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib, thủy đậu, viêm màng não do não mô cầu.

5 bệnh trẻ dễ mắc trong mùa đông - xuân
Thạc sĩ Ngũ Duy Nghĩa

– Cháu chào bác sỹ ạ!
Cháu xin trình bày như sau: Cháu sinh em bé đến nay được 1 tuổi tròn rồi. Từ sau khi sinh cuối tháng 11 năm 2014 cháu hay bị mẩn ngứa không rõ nguyên nhân tại sao. Thời gian đó cháu không uống bất kỳ loại thuốc nào cả. Ngứa một lúc rồi nó tự tịt đi. Rồi mức độ ngứa nhiều hơn đến tháng 9 năm nay cháu có đi khám tại Trung tâm Miễn dịch lâm sàng tại BV Bạch Mai, bác sỹ có kết luận cháu bị mày đay mãn tính. Cháu muốn hỏi bác sỹ: Cháu bị mày đay như vậy có di truyền sang con của cháu không ạ và bệnh này có lây được không? Nếu lây truyền thì có cách phòng trị khỏi được không?
(Trần Thị Lan, 25 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Bệnh mày đay mãn tính là bệnh do cơ địa gây ra. Bệnh này không lây truyền và có thể có yếu tố gia đình nên con bạn cũng có thể có cơ địa như vậy hoặc không.

– Thưa bác sĩ, em năm nay 30 tuổi nhưng chưa bị sởi, sốt phát ban. Vậy em có cách nào phòng chống các bệnh này trong mùa đông – xuân không? Em có thể tiêm văcxin để phòng bệnh không? (Tuấn, 30 tuổi, Đống Đa – Hà Nội)

– Thạc sĩ Ngũ Duy Nghĩa:

Cách phòng bệnh hiệu quả nhất đối với sởi và sốt phát ban là tiêm phòng. Hiện nay, trên thị trường có loại văc xin kết hợp ba bệnh sởi – quai bị – rubella, bạn có thể tiêm loại văcxin này để phòng bệnh cho mình. Hiệu quả của văc xin đạt mức độ phòng bệnh cao nhất trong vòng 4 năm đầu sau tiêm. Vì vậy, sau đó, bạn nên tiêm nhắc lại một mũi để có hiệu quả phòng bệnh lâu dài.

– Con tôi hay bị ngứa vào mùa đông, đặc biệt là những lúc mặc đồ có tích điện nhiều là chân lông rất là ngứa và có mủ. Xin hỏi nguyên nhân gây bệnh và con tôi bị bệnh gì? (Nguyễn Quang Phi, 25 tuổi, Kon Tum)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Có hai yếu tố khiến con bạn hay bị ngứa vào mùa đông. Thứ nhất là do tình trạng khô da gây ngứa. Thứ hai có thể do viêm da. Bạn nên lưu ý sử dụng những sản phẩm chăm sóc da hoặc sử dụng vaselin để khắc phục tình trạng da khô. Với những vùng da viêm ngứa và có mủ, bạn cần lưu ý đảm bảo vệ sinh, tắm rửa bằng các loại xà phòng sát trùng, tránh mặc đồ có quá nhiều sợi nilon để hạn chế tình trạng viêm da tiếp xúc và do tĩnh điện. Nếu tình trạng viêm da nặng bạn nên đưa trẻ đến khoa da liễu các bệnh viện để khám và điều trị.

– Con tôi được 6 tháng, thỉnh thoảng hay bị nổi mẩn đỏ rải rác khắp người, nhưng bôi thuốc thì lại hết. Vậy có phải cháu bị dị ứng thành phần gì đó không? Đưa cháu đi xét nghiệm ở đâu thì sẽ biết?
Cám ơn bác sĩ
(Hoàng Thị My, 30 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Có rất nhiều các yếu tố có thể dẫn đến tình trạng dị ứng của trẻ như bạn đang mô tả. Bạn có thể đưa con đi khám ở khoa dị ứng miễn dịch lâm sàng tại các bệnh viện để xét nghiệm và đánh giá xem con bạn bị dị ứng với căn nguyên nào để có thể phòng tránh không cho trẻ tiếp xúc với căn nguyên gây dị ứng.

5 bệnh trẻ dễ mắc trong mùa đông - xuân
Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

– Bệnh cúm A(H7N9) đang diễn biến rất phức tạp ở Trung Quốc, tuy chưa vào Việt Nam nhưng nguy cơ là rất lớn. Vậy bệnh này có nguy cơ lan tràn sang trẻ em Việt Nam không thưa bác sĩ. Có cách nào đề phòng không? (Ngọc Trâm, 32 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:

Bệnh cúm gia cầm A (H7N9) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ghi nhận tại Trung Quốc từ năm 2012. Bệnh có diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, thường ghi nhận các trường hợp mắc tăng vào những tháng mùa đông cuối năm hoặc dịp Tết do điều kiện thời tiết thuận lợi và tăng lượng tiêu thụ gia cầm. Các trường hợp mắc bệnh tại Trung Quốc thường có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống.

Thời gian qua Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh không để lây lan vào nước ta. Đến nay, bệnh cúm gia cầm A (H7N9) chưa ghi nhận tại Việt Nam, tuy nhiên có nhiều nguy cơ do khó khăn trong việc kiểm soát buôn bán và vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm gia cầm A (H7N9) ở người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

– Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.

– Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y trên địa bàn.

– Thường xuyên rửa tay với xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, hạn chế tiếp xúc với những trường hợp mắc bệnh.

– Khi có các biểu hiện cúm như sốt, ho,đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.

– Các bác nhà hàng xóm em lâu nay không ăn tiết canh lợn, thèm quá, họ rủ nhau ăn tiết canh ngan, tiết canh dê, tiết canh thỏ. Bác sĩ cho em hỏi, ăn tiết canh các con vật khác thì có bị nhiễm khuẩn liên cầu ngan – dê- thỏ gì đó không? Có bác hàng xóm còn có sáng kiến, là thay vì ăn tiết tươi, làm món tiết hấp tái cho an toàn hơn, biện pháp này liệu có an toàn thực sự? (Giáp Văn Trịnh, Lục Ngạn, Bắc Giang)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Cho đến hiện nay chưa phát hiện liên cầu ngan, dê, thỏ gây bệnh ở người. Tuy nhiên tiết canh là món ăn sống nên có thể gây nhiều bệnh lý khác như tiêu chảy… Nếu con ngan bị mắc cúm gia cầm bạn ăn tiết canh tươi hoặc hâp tái thì có thể nhiễm bệnh cúm A H5N1, còn với món tiết nếu đã hấp chín thì các mầm bệnh sẽ bị tiêu diệt và bạn có thể ăn hoàn toàn an toàn.

– Sao tự nhên buổi sáng ngủ dậy bên phải của tôi bị co thắt liên tục. Mặc dù đã đi khám, bác sĩ có cho thuốc uống mà mãi không khỏi. Xin được tư vấn (Trần Thị Quang Minh, 55 tuổi, 42,36 Đường 643 Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, TP HCMP.4 Q.8)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Tình trạng co giật cục bộ một bên mặt của bạn có thể do viêm dây thần kinh hoặc tai biến, động kinh cục bộ. Bạn nên đi khám tại chuyên khoa thần kinh để được xác định bệnh và tư vấn cụ thể.

– Thời tiết giao mùa hiện nay tôi thấy trẻ rất dễ bị cảm, sổ mũi kéo dài. Tôi nghe mọi người nói là bị như vậy kéo dài dễ gây di chứng là viêm mũi dị ứng đúng không?
Có cách nào phòng ngừa cho các cháu không? Cảm ơn!
(Nguyễn Thị Hòa, 33 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Ngũ Duy Nghĩa:

Bệnh viêm đường hô hấp là một bệnh thường gặp, đặc biệt là do các virus. Bệnh do nhiều tác nhân gây nên nhưng biểu hiện lâm sàng tương đối giống nhau. Đó có thể là viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản hoặc viêm phổi. Các bệnh này thường không gây di chứng, trở thành viêm mũi dị ứng. Nguyên nhân của viêm mũi dị ứng có thể do yếu tố thời tiết, các chất lạ hay còn gọi là dị nguyên như phấn hoa, bụi… Cơ thể của chúng ta có phản ứng với những chất này gây nên tình trạng viêm dị ứng tại mũi mà ít liên quan đến các tác nhân do vi sinh vật.

Cách phòng tránh cho trẻ là giữ ấm, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn uống hợp lý để tăng sức đề kháng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh… Cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi tiêm những văcxin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

5 bệnh trẻ dễ mắc trong mùa đông - xuân
Thạc sĩ Ngũ Duy Nghĩa

– Vào mỗi buổi sáng mùa đông, em vẫn không đeo khẩu trang vì muốn hít thở không khí buổi sáng. Liệu như vậy có tốt không ạ? Và em biết như thế cũng dễ lây các bệnh mùa đông. Bác sĩ tư vấn thêm giúp em! (Nguyễn Văn Mẫu, 28 tuổi, Thanh Xuân , Hà Nội)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Việc hít thở không khí trong lành buổi sáng là một thói quen tốt. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý tránh những môi trường quá nhiều khói bụi và tránh hít trực tiếp không khí lạnh vào những hôm trời quá lạnh dễ gây viêm đường hô hấp. Các bệnh lây truyền qua đường hô hấp thường lây trong môi trường kín, đông người nên việc bạn hít thở ở những nơi thoáng, vắng như công viên, vườn hoa sẽ không làm tăng nguy cơ lây các bệnh này.

– Một số căn bệnh từ lâu không xuất hiện, nay đang có chiều hướng quay trở lại như bạch hầu, ho gà… Vậy phải làm sao để tránh ạ? (Hà Lam, 38 tuổi, TP HCM)

– Thạc sĩ Ngũ Duy Nghĩa:

Thời gian gần đây, một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ tái nổi trội, đặc biệt là các bệnh đã có văcxin phòng bệnh như ho gà, bạch hầu, sởi… Biện pháp tốt nhất để phòng những bệnh này hiện nay là tiêm văcxin. Nếu có con hoặc cháu nhỏ, bạn nên đưa bé đến các cơ sở tiêm chủng để thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

– Thưa các chuyên gia, trẻ em sinh ra đã được tiêm rất nhiều loại văc xin. Nhưng, sau đó các cháu vẫn bị những bệnh mà đã tiêm phòng trước đó. Câu hỏi đặt ra là, việc tiêm văc xin có hiệu quả và phòng được các bệnh lúc giao mùa? (Thảo Quân, 33 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:

Chào bạn,

Tiêm văc xin phòng bệnh là một trong những biện pháp hữu hiệu để con bạn có thể phòng tránh được nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, ho gà, thủy đậu… Tuy nhiên, việc tiêm văc xin cần phải tuân thủ theo đúng khuyến cáo và chỉ định của cơ quan y tế. Để việc tiêm văc xin phòng bệnh có hiệu quả, bạn cần cho trẻ tiêm đầy đủ các loại văc xin, tiêm đúng lịch, đủ số lượng mũi tiêm nhắc lại để đảm bảo việc sinh miễn dịch cho con bạn phòng chống bệnh là cao nhất.

Trường hợp con bạn đã tiêm phòng rồi mà vẫn mắc bệnh, bạn cần kiểm tra xem trẻ đã được tiêm đầy đủ các loại văc xin theo đúng các khuyến cáo của Bộ Y tế chưa để có thể tiêm bổ sung đạt hiệu quả.

– Chào bác sỹ,
Con mình bị mẩn ngứa mấy hôm nay ở cằm và quanh miệng, đang dần lan xuống cổ. Nốt mẩn ngứa như kiểu bị dôm (li ti như kê, sờ tay vào thấy sần chứ không phải nổi mề đay). Bác sỹ có thể kê đơn thuốc nào cho cháu uống hoặc bôi để giảm tình trạng này ko ạ?
Cảm ơn bác sỹ!
(Thanh Thuy, 35 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Tình trạng mẩn ngứa như bạn mô tả có thể do viêm da, chàm, dị ứng do tiếp xúc. Để chẩn đoán bệnh, thầy thuốc cần khám trực tiếp và cho làm các xét nghiệm cần thiết nên tôi không thể giúp kê đơn thuốc gián tiếp như bạn yêu cầu được. Bạn có thể cho con đến khám tại các cơ sở y tế địa phương.

– Tôi được biết bệnh phỏng dạ thường xuất hiện vào mùa đông xuân, là bệnh truyền nhiễm. Xin hỏi, triệu chứng nhận biết bệnh như thế nào, cách phòng tránh để bệnh không lây lan, nhất là đối với trẻ nhỏ? (Phạm Phương Thảo, Quận Cầu Giấy – Hà Nội)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Bệnh phỏng dạ là tên gọi dân gian để chỉ bệnh thủy đậu. Đây là bệnh truyền nhiễm do virus herpes gây ra. Bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết các nốt phỏng. Thường bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng sốt, nổi các nốt ban đỏ kích thước 0,5-1cm sau đó trên nền các ban xuất hiện các nốt phỏng nước kích thước 0,3-0,5cm. Các nốt phỏng chứa dịch trong, một số nốt có thể dịch đục. Các nốt phỏng sau 3-4 ngày có thể tự xẹp đi hoặc bị vỡ, tạo thành các nốt trợt trên da. Các nốt ban phỏng này có thể mọc và diễn biến không đồng thời với nhau. Thường sau 6-8 ngày, bệnh lui dần rồi khỏi.

Để tránh lây truyền cần phải cách ly bệnh nhân. Những người tiếp xúc gần nên có các phương tiện phòng hộ như khẩu trang, găng tay và rửa tay thường xuyên sau mỗi lần tiếp xúc bệnh nhân. Hiện nay bệnh thủy đậu đã có vắc xin phòng bệnh.

– Các bác hàng xóm nhà em rủ nhau ăn tiết canh. Họ mua tiết canh về tự đánh. 5 người cùng ăn. Nhưng, một người trong số đó sau khi ăn bị lên cơn co giật, vào viện cấp cứu thì qua đời sau đó. Xin cho cháu hỏi, tại sao cùng là tiết canh, cùng ăn mà người bị người không? Xin cảm ơn ạ (Minh Quân, 30 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Thông thường ở lợn khỏe vẫn có một số con mang liên cầu lợn ở hầu họng, đường tiêu hóa, đường sinh dục hoặc trên da. Ở lợn bệnh, có thể liên cầu lợn có cả trong máu, trong cơ hoặc nội tạng nên khi ăn tiết canh có thể chúng ta ăn phải các mầm bệnh này. Khi đánh tiết canh có thể có bát mang nhiều vi khuẩn, có bát ít vi khuẩn hơn. Tùy thuộc vào số lượng vi khuẩn ăn phải, cơ địa mỗi cá nhân và sức đề kháng của mỗi người mà sau khi ăn có thể bị mắc bệnh hoặc không. Những người bị mắc bệnh có thể bị diễn biến nặng hoặc nhẹ khác nhau.

– Các chuyên gia cho tôi hỏi sự thật về virus ăn não người có liên quan đến sốt xuất huyết như thế nào?  (Duong Hằng, 32 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:

Chào bạn,

Bệnh virus ăn não người như câu hỏi của bạn trong y học gọi là bệnh do virus ZIKA. Bệnh này được ghi nhận đầu tiên từ năm 1947 tại khu rừng ZIKA của Uganda. Bệnh thường có biểu hiện như sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi Aedes. Đây cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Tại Việt Nam, chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus ZIKA. Tuy nhiên, nước ta có lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của muỗi Aedes. Việc phòng bệnh do virus ZIKA cũng giống như phòng bệnh do virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue trong đó cần chú ý việc diệt muỗi, loại bỏ ổ loăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

– Bệnh lợn tai xanh và bệnh liên cầu khuẩn ở lợn có giống nhau không? Ngoài những thiệt hại về kinh tế, bệnh gây nguy hiểm đến sức khỏe con người như thế nào?Những đối tượng nào dễ bị nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn và cách phòng tránh ra sao? Bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người lây truyền qua đường nào? (Nguyễn Văn Hạnh, Sơn La)

– Thạc sĩ Ngũ Duy Nghĩa:

Bệnh lợn tai xanh và bệnh liên cầu khuẩn ở lợn hoàn toàn khác nhau. Bệnh lợn tai xanh là do virus gây nên và chỉ gây bệnh ở động vật. Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn là do vi khuẩn liên cầu gây nên và gây bệnh cả trên động vật lẫn người. Bệnh liên cầu lợn ở người là một bệnh nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Hay gặp nhất là các thể bệnh gây viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm màng trong tim. Một số trường hợp tiến triển nhanh dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc gây suy đa phủ tạng, gây tử vong và không kịp điều trị gì. Một số trường hợp sau khi khỏi bệnh có thể có di chứng lâu dài như điếc không hồi phục, mất thăng bằng…

5 bệnh trẻ dễ mắc trong mùa đông - xuân
Thạc sĩ Ngũ Duy Nghĩa

Bệnh liên cầu lợn ở người là một bệnh lây truyền từ động vật sang người thông qua đường tiêu hóa; vết trầy xước, tổn thương trên da khi tiếp xúc với các sản phẩm từ lợn bị bệnh như thịt, tiết… Những người có tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với lợn hoặc các sản phẩm tươi sống từ lợn nhiễm khuẩn như thợ giết mổ lợn, công nhân lò mổ, người bán thịt, người chế biến thịt tươi, những người ăn tiết canh lợn bị bệnh… đều có nguy cơ mắc bệnh cao.

Hiện tại chưa có văcxin phòng bệnh liên cầu lợn. Các biện pháp phòng tránh nhiễm bệnh bao gồm tuyệt đối không giết mổ hay tiêu thụ lợn ốm. Đối với những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao thì cần có phương tiện phòng hộ như găng tay làm việc; rửa tay sạch sẽ sau  khi giết mổ lợn; khi có vết thương hở hoặc xây xát, rách da thì không tiếp xúc với các sản phẩm lợn bị bệnh tươi sống hoặc tham gia giết mổ. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần phải đến khám ngay ở các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh và điều trị kịp thời.

VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook