Lịch sinh hoạt học tập dày đặc, giờ học ở trường bắt đầu sớm cộng với sự can thiệp của công nghệ khiến trẻ em Việt đối diện với tình trạng ngủ không đủ giấc.
Chia sẻ tại hội thảo về hậu quả của tình trạng thiếu ngủ đang diễn ra phổ biến với trẻ em Việt Nam, bác sĩ nhi khoa Johnathan Halevy cho biết có đến một nửa trẻ mầm non và 40% trẻ vị thành niên ngủ ít hơn thời lượng cần thiết. Nguyên nhân chủ yếu do thời gian biểu sinh hoạt hàng ngày với khối lượng bài vở, các hoạt động xã hội… dày đặc của các em. Cùng với đó là sự can thiệp của công nghệ hiện đại khiến trẻ ngày càng đi ngủ trễ hơn.
Ảnh minh họa: ctvnews |
Vị bác sĩ có 12 năm làm việc tại Việt Nam chia sẻ, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy hình ảnh các gia đình chở con trẻ đi chơi vào buổi tối, dạo bộ trên đường phố, xem phim, đến quán cà phê hay thậm chí là quán bar. Nhiều em ở độ tuổi đi học giờ phải tham gia thêm các hoạt động ngoại khóa, thời gian hoàn thành bài tập về nhà vào buổi tối trở nên dài hơn.
Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi các trường học ở Việt Nam bắt đầu sớm khoảng 6h30 sáng. Điều này có nghĩa là năng lượng của trẻ bị tiêu hao rất nhiều ở cả hai thời điểm bắt đầu và kết thúc một ngày. Đa số thanh thiếu niên, trẻ em Việt ngủ ít hơn 6 giờ một đêm, ngắn hơn so với một giấc ngủ tiêu chuẩn của trẻ là 8-10 giờ một ngày.
Theo bác sĩ Johnathan, tình trạng thiếu ngủ dẫn đến hàng loạt hệ quả nghiêm trọng như tình trạng giảm sút khả năng nhận thức, gây ra các vấn đề về trí nhớ, chức năng vận động, trầm cảm, hành vi và các rối loạn về tâm lý cũng như sự an toàn của trẻ.
Phụ huynh cần xây dựng thói quen kỷ luật lâu dài, giúp trẻ có một giấc ngủ đủ giấc. Nên hướng dẫn các em có thời gian ngủ phù hợp và cố định để từ đó thiết lập được thói quen đi ngủ, thức giấc đúng giờ một cách tự nhiên. Không nên để các thiết bị công nghệ trong phòng ngủ như tivi, máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại… Hạn chế tối đa đồ uống có chứa caffeine.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.