Milagros, Martha, Maria và Paulina (Mexico) dấn thân vào dịch vụ mang thai hộ để kiếm tiền; với họ, “cho thuê tử cung là nghề nghiệp gia đình”.
Tại bang Tabasco, bốn người phụ nữ đứng nói chuyện dưới dàn phơi, tất cả đều đang mang thai. Thế nhưng, chị em nhà Hernandez không quá mong đợi đứa trẻ. Họ chỉ đang cho thuê tử cung, nghĩa là chấp nhận hy sinh cơ thể để nhận hàng nghìn USD từ những vị khách đồng tính châu Âu đang khao khát một mụn con. “Hàng xóm kết tội chúng tôi buôn bán trẻ sơ sinh”, Martha, người đang mang bầu đứa con được một đồng tính nam Pháp đặt hàng cho biết. “Nhưng chúng tôi chỉ là những người mẹ đơn thân thất nghiệp cố gắng tự lo liệu tương lai của bản thân”. Mang thai hộ được xem như nghề nghiệp của gia đình Hernandez và chỉ là mắt xích nhỏ bé trong ngành công nghiệp đẻ thuê bí mật Mexico.
Theo Global Headlines UK, chị cả Milagros là người đầu tiên trong nhà Hernandez mang thai hộ vào năm 2013. Thấy Milagros đem về được 16.000 USD, cô chị hai Martha quyết định nối gót. Tiếp đến là Maria và Paulina. Họ nhận ra mình có thể kiếm sống bằng cách này. “Nếu cho thuê tử cung mang lại tiền thì cứ làm”, Milagros nói. Đã có 3 con riêng, người phụ nữ cười và chia sẻ “niềm vui tình dục là thứ duy nhất bị mất đi khi nhận đẻ thuê”.
Từ trái sang: Milagros 30 tuổi, Martha 30 tuổi, Paulina 22 tuổi và Maria 27 tuổi. Tất cả họ đều đang mang thai. Ảnh: Francisco Palmas. |
Trung bình khách hàng phải trả 14.000 bảng cho một ca mang thai hộ thành công, chưa kể chi phí sinh hoạt trong 9 tháng thai kỳ. Anh trai của chị em Milagros đang làm công chức nhà nước mất đến 10 năm mới kiếm ra ngần ấy tiền. “Là một người mẹ trẻ đơn thân ở vùng quê nghèo như Villahermosa, bạn chỉ có thể trở thành bồi bàn hoặc gái điếm”, người chị cả thừa nhận. “Đẻ thuê là cách tốt hơn để đảm bảo tương lai cho con cái tôi”.
Chủ gia đình, Lourdes, bà của 4 chị em đứng từ xa, gật đầu đồng ý với quan điểm của Milagros. “Tôi cũng sẽ cho thuê tử cung nếu được”, cụ bà 81 tuổi thẳng thắn. Bà thừa nhận đã khuyến khích các cháu mang thai hộ càng nhiều càng tốt trước khi bước sang tuổi 35 với quan niệm “phụ nữ có quyền kiếm tiền từ những gì tạo hóa ban cho”.
Tuy không liên quan về mặt di truyền, chị em Hernandez không tránh khỏi cảm giác bối rối khi trao trả đứa trẻ họ mang nặng đẻ đau về gia đình chúng. Paulina 22 tuổi “khiếp sợ cái thời điểm phải cho đi đứa con mình từng nuôi nấng”. Còn Milagros cố gắng xua những ý nghĩ đó ra khỏi đầu. “Theo kế hoạch, tôi sinh ở một phòng khám với sự có mặt của hai người cha. Tôi cho đứa trẻ bú 10 ngày rồi giao lại cho khách hàng. Đó luôn là phần khó khăn nhất”, cô bộc bạch. Lần đầu đẻ thuê, Milagros liên tục thức dậy giữa đêm, tự hỏi em bé đang ở đâu và làm gì.
“Bạn phải gạt tình cảm cá nhân sang một bên”, Martha dứt khoát. Nhưng rồi, như thể quên ngay lời mình vừa nói, người phụ nữ đưa ra tấm ảnh của đứa trẻ cô từng mang thai hộ. Cha em bé vẫn giữ liên lạc với Martha và cô hy vọng điều này sẽ không bao giờ kết thúc. “Bé giống như con gái đầu lòng của tôi vậy”, Martha nghẹn ngào. “Khi ôm bé trong tay, dù con rất trắng trẻo với mái tóc vàng, tôi vẫn thấy con có nét giống mình. Thật kỳ lạ, giống như bộ não và trái tim đang tranh cãi”. Martha thậm chí còn thấy ghen tức khi cha em bé bước vào. Sau cùng, cô nhận ra mình được nhiều hơn mất. Với 20.000 USD được trả, Martha đã xây nhà mới để đón các con vốn phải sống cùng ông bà nội do chỗ ở quá chật chội.
Đối với bốn chị em, đẻ thuê là cách tốt nhất để những bà mẹ đơn thân thất nghiệp kiếm tiền. Ảnh: Francisco Palmas. |
Trên thực tế, số tiền chị em Henrnadez kiếm được tương đối khiêm tốn. Chỉ riêng tại bang Tabasco, ngành công nghiệp đẻ thuê thu về 130 triệu USD mỗi năm. Các công ty môi giới lấy 70.000 USD cho mỗi lần giao dịch trong khi người phụ nữ chỉ nhận khoảng 14.000 USD.
Dù sao đi nữa, mang thai hộ là ngành công nghiệp mật gây tranh cãi và Milagros biết rõ điều đó. 3 năm trước, khách hàng hứa trả cô 16.000 USD sau khi sinh con thành công, song sau đó yêu cầu phá thai vì thay đổi mong muốn. Đáng lẽ Milagros vẫn nhận được một nửa chi phí nhưng rồi số tiền đó không bao giờ đến. Dĩ nhiên, chẳng ai có thể làm gì khác.
Gần đây, chính quyền bang Tabasco mới có những biện pháp nhằm hạn chế dịch vụ đẻ thuê song đã quá muộn. “Nơi này đã trở thành xưởng sản xuất trẻ em cho người ngoại quốc”. cư dân địa phương Omar Tejed bức xúc. “Chẳng phụ nữ nào dám thừa nhận, nhưng làm sao một đứa bé lại biến mất sau khi sinh ra được”.
Bất chấp luật lệ, chị em Hernandez vẫn duy trì công việc. Maria 27 tuổi tiếp cận với một cặp đôi người Hà Lan rồi tự thương thuyết. “Tôi đã nói chuyện với họ”, người phụ nữ đang mang thai 7 tuần nói. “Hai vợ chồng ấy đang ở Mexico để tìm người đẻ thuê thì gặp tôi. Họ đặt hẹn với bệnh viện, tự lo lấy giấy tờ sau khi tôi sinh em bé vào tháng 11”. Về phần mình, Milagros đang chờ gặp khách hàng mới vào tháng 3/2017. “Tôi sẽ tiếp tục cho thuê tử cung của mình đến chừng nào có thể”, cô khẳng định. “Tôi hy sinh thân thể để tồn tại ở cái đất nước nơi chẳng thứ gì dễ dàng”.
Minh Nguyên
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.