Trong vòng một tuần kể từ ngày 14/3, huyện Đạ Pal tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 33 người nhiễm cúm A/H1N1 trong đó có 16 học sinh lớp 4.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng, kết quả điều tra ổ dịch cho thấy ca bệnh đầu tiên là một bé gái 9 tuổi học lớp 4B Trường tiểu học Xuân Thành, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh. Bé khởi phát bệnh ngày 14/3 với các triệu chứng sốt, ho, nhức đầu, sổ mũi. Sau đó từ ngày 18/3 bắt đầu ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới với những biểu hiện tương tự, trong đó chủ yếu là học sinh của Trường tiểu học Xuân Thành. Ngoài ra có 7 trường hợp phát hiện tại cộng đồng thuộc xã Đạ Pal.
Tổng cộng xã Đạ Pal đã ghi nhận 33 trường hợp sốt, ho, sổ mũi. Các bệnh nhân tình trạng sức khỏe ổn định, không có biểu hiện nặng. Xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm tại Viện Pasteur TP HCM đều cho kết quả dương tính với chủng vi rút cúm A/H1N1. Đây là chủng vi rút gây cúm đại dịch vào năm 2009 và nay đã lưu hành như các chủng vi rút cúm mùa khác.
Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, không để dịch lan rộng. Viện Pasteur TP HCM đã cử đoàn công tác trực tiếp phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch.
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, dễ lây lan, nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi rút cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B gây nên. Bệnh ghi nhận quanh năm ở nước ta và nhiều hơn vào mùa đông xuân. Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
– Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
– Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
– Tiêm văcxin cúm mùa phòng bệnh.
– Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
– Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.