Thứ Tư, 27/04/2016 | 09:50

Đã 3 thập kỷ qua đi kể từ sau thảm họa hạt nhân dân sự tồi tệ nhất lịch sử thế giới, nhưng Chernobyl (Ukraine) vẫn gánh chịu hậu quả nặng nề khi những đứa trẻ được sinh ra tại đây mắc các chứng bệnh ung thư hiếm thấy, các bà mẹ có tỷ lệ sảy thai cao, và thành phố gần như không thể sinh sống.

Cảnh hoang tàn tại “thành phố ma” Pripyat (Nguồn: Internet).

Nỗi đau kéo dài

Thảm họa xảy ra vào ngày 26/4/1986 cũng là một nhân tố gây nên sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, thay đổi cách mà cả thế giới nghĩ về năng lượng hạt nhân và ảnh hưởng đến vô số người dân trong khu vực.

Còn đối với các nhà khoa học như bác sỹ khoa nhi Rachel Furley, điều khủng khiếp nhất chính là những người phụ nữ từng phải sống trong môi trường nhiễm phóng xạ cao giờ đang sinh ra một thế hệ những đứa trẻ bị mắc dị tật bẩm sinh. Theo bà Furley, trong các trường hợp tồi tệ nhất, những đứa trẻ sinh ra gần khu vực Chernobyl bị thiếu chi và từng có một trường hợp một trẻ sơ sinh có hai đầu.

Bà Furley hiện đang giúp đỡ những trẻ em bị ảnh hưởng bởi mức phóng xạ cao từ thảm họa Chernobyl ở Gomel, một khu vực thuộc Belarus. Tổ chức từ thiện của bà còn phân phát quần áo miễn phí, các trang thiết bị trường học, đồ dùng cá nhân, lương thực và dịch vụ y tế cho nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi phóng xạ.

Trong suốt hơn một thập kỷ làm bác sỹ chuyên khoa nhi ở nước Anh, bà Furley đã từng chứng kiến 2 đứa trẻ có khối u tuyến giáp do nhiễm phóng xạ. Nhưng điều đó không có gì là lạ bởi có đến một nửa trong số 800 trẻ em mà tổ chức từ thiện của bà đang hỗ trợ ở Gomel bị mắc ung thư tuyến giáp.

“Chúng tôi phát hiện rất nhiều trường hợp mắc ung thư và khối u. Hầu hết là các loại ung thư mà chúng tôi chưa từng thấy ở bất cứ đâu khác trên thế giới” – bà Furley nói.

Thành phố ma

Ngày nay, quang cảnh những tòa nhà đổ nát từ thời Xô Viết tại thành phố bị bỏ hoang ngay gần Chernobyl vẫn luôn nhắc cho thế giới về một thảm họa đã khiến toàn bộ cộng đồng người dân nơi đây phải bỏ nhà cửa để trốn chạy và không bao giờ trở về. Pripyat từng là một thành phố được xây dựng cho các công nhân làm việc tại Chernobyl và gia đình họ.

Trước khi thảm kịch xảy ra, Pripyat có dân số lên tới 60.000 người. Nhưng giờ, sau 3 thập kỷ, Pripyat lại nổi tiếng với tên gọi “thành phố ma” khi người ta có thể bắt gặp những chiếc giày trẻ em, đồ chơi vẫn nằm tĩnh lặng trên các khu nhà mà trước kia sử dụng làm nơi trông giữ trẻ.

Thế nhưng, vẫn còn khoảng 180 hộ gia đình người lớn tuổi vẫn quyết định ở lại trong khu vực trong vòng bán kính cách Chernobyl 30 km. Bà Valentina, 62 tuổi, vẫn còn nhớ rõ về những tiếng thì thầm và sự sợ hãi của người dân địa phương chỉ ít ngày sau khi thảm họa xảy ra. Phải mất vài ngày sau, chính quyền Xô viết mới tuyên bố về sự việc đã xảy ra ở Chernobyl.

Bà Valentina đã rời khỏi khu vực này nhưng sau đó lại sớm trở về ngôi nhà của mình ở gần Chernobyl. Con gái, người chị và cha mẹ của bà tuy nhiên đã chuyển đến sinh sống ở một khu vực khác của Ukraine vì lo bị nhiễm phóng xạ.

“Bị chia tách khỏi gia đình là điều rất khó khăn” – bà Valentina nói – “Nhưng tôi không lo lắng mấy về tình trạng sức khỏe của mình. Chúng tôi không sợ phóng xạ bởi đối với chúng tôi, dù có chết ở đâu cũng không quan trọng”.

Thảm họa lịch sử

Ông Andrei Glukhov từng làm việc tại Chernobyl và quen biết với những người ở phòng điều khiển lò phản ứng số 4 – những người có tên trong danh sách 30 người bị thiệt mạng ngay lập tức trong thảm họa hạt nhân này và được tưởng nhớ vĩnh viễn. Thi thể của một trong số họ đến nay vẫn được cho là còn nằm bên trong lò phản ứng nọ.

Vào đầu giờ sáng ngày 26/4/1986, ông Andrei đang ở nhà riêng tại Pripyat thì nghe thấy những tiếng nổ lớn, và sau đó là một đợt cắt điện ngắn. Nhưng ngay cả những công nhân làm việc tại Chernobyl như Andrei cũng không hiểu được chuyện gì đang diễn ra. Hai ngày sau, Andrei trở lại nhà máy và mới biết được rằng lõi lò phản ứng đang tan chảy.

“Đó là lúc mà tôi nhận ra rằng đây không phải là tai nạn, mà là một thảm họa” – ông Andrei kể lại.

Đến nay, dù 3 thập kỷ đã qua đi, nhưng những ảnh hưởng từ thảm họa hạt nhân Chernobyl vẫn hằn trên thân thể những cộng đồng dân sống xung quanh nó. Và dù đã từng chứng kiến thảm họa hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản hồi năm 2001, nhưng Chernobyl vẫn được thế giới xem là thảm họa hạt nhân dân sự tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.

Linh Chi

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook