Thứ Tư, 24/08/2016 | 20:06

Khẩu phần nhiều thịt ít rau, chuộng thức ăn nhanh giàu năng lượng nhưng nghèo vi chất, mong muốn con tăng cân bằng mọi giá của cha mẹ, khiến trẻ thừa cân vẫn thiếu chất.

Thực trạng trẻ thiếu hụt vi chất được đề cập tại lễ phát động dự án “Dinh dưỡng lành cho trẻ khôn lớn năm 2016” do Quỹ khuyến học Sữa đậu nành Việt Nam tổ chức ngày 23/8 tại Hà Nội.

Khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2015 cho thấy, tình trạng dinh dưỡng trẻ em đã được cải thiện đáng kể so với 30 năm trước. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 52% năm 1985 xuống 14%; thể thấp còi 60% nay còn 25%. Mặc dù giảm, song con số này vẫn ở mức cao. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có xu hướng gia tăng, cao gấp 9 lần năm 2000. Điều này tạo nên “gánh nặng kép” về dinh dưỡng trẻ em tại Việt nam.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Bạch Mai – Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ngày càng nhiều trẻ thừa cân béo phì nhưng vẫn thiếu chất. Có 3 nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.

Khẩu phần nhiều thịt ít rau

Bác sĩ Bạch Mai cho biết, hiện nay trẻ em tiêu thụ quá nhiều đạm động vật so với đạm thực vật, dẫn đến nguy cơ béo phì về sau. Khẩu phần ăn của trẻ đầy ắp các loại thịt cá, gia cầm, hải sản nhưng lại thiếu rau xanh, củ quả và các chế phẩm từ đậu nành (đậu hũ, tào phớ, sữa hạt…). Đây là những thực phẩm dồi dào vi chất và nguồn đạm lành mạnh, ngăn ngừa béo phì, phòng chống nhiều bệnh tật khi trưởng thành (tim mạch, tiểu đường, ung thư…). Nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng cho thấy, 100g đậu nành chứa đến 33-38g protein, cao gấp rưỡi lượng đạm trong thịt lợn.

Sở thích ăn uống của trẻ

Trẻ nhỏ thích các loại thức ăn nhanh giàu năng lượng nhưng nghèo vi chất như snack, xúc xích, khoai tây chiên, mì tôm, nước ngọt… Các loại thức ăn này đều có hàm lượng chất béo và đường ngọt cao hơn khẩu phần chung.

Bác sĩ Bạch Mai lưu ý, phụ huynh cần hiểu trẻ thừa cân béo phì là thừa về năng lượng, chứ không phải dư về dinh dưỡng. Bản thân trẻ vẫn có nguy cơ thiếu hụt canxi, sắt, kẽm, mangan… và các loại vitamin cần thiết cho cơ thể. Trên thực tế, trẻ thấp còi chỉ được đáp ứng 68%, 54% và 59% nhu cầu vitamin A, sắt và canxi.

Mong muốn con tăng cân nhanh và nhiều của mẹ

Bác sĩ Bạch Mai dẫn khảo sát của Viện Nghiên cứu Y Xã hội học (ISMS) năm 2013 cho biết, có đến 30% bà mẹ không biết con mình thừa cân, 15% bà mẹ có con béo phì muốn bé tăng cân nhiều hơn nữa. Quan niệm con béo tốt để phát triển thể lực và dự phòng hao hụt lúc ốm đau vẫn còn tồn tại. Nhiều gia đình thiếu kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và cân đối cho trẻ nhỏ. Điều này khiến mẹ ra sức ép con ăn, hoặc cho con ăn uống thả ga các thực phẩm giàu năng lượng nhưng nghèo vi chất.

3 sai lầm khiến trẻ mất cân bằng dinh dưỡng

Ông Võ Thành Đàng – Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ khuyến học Sữa đậu nành Việt Nam trao bảng tượng trưng 2,2 triệu suất sữa cho bà Đào Hồng Lan – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội.

Tại lễ phát động dự án “Dinh dưỡng lành cho trẻ khôn lớn năm 2016”, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ ăn uống cân bằng và đầy đủ 8 nhóm chất, ưu tiên các nguồn dinh dưỡng lành mạnh. Trong đó, đậu nành được đánh giá cao về hàm lượng đạm thực vật, canxi tốt cho xương (100g đậu nành chứa 165mg canxi), mangan tốt cho não bộ (1,2mg/100g sữa đậu nành), đầy đủ các loại axit amin thiết yếu, giàu các axit béo không no cần thiết để phát triển trí não, đặc biệt không chứa cholesterol tốt cho tim mạch. Ngoài ra, đậu nành còn có chất chống ôxy hóa isoflavone hỗ trợ hình thành xương và tăng miễn dịch cho trẻ.

Đạm đậu nành không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng trước mắt cho cơ thể, mà còn hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện và lâu dài thể lực lẫn trí lực. Với mong muốn cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, Quỹ khuyến học Sữa đậu nành Việt Nam phát động chương trình “Dinh dưỡng lành cho trẻ khôn lớn 2016”. Học kỳ một năm học 2016-2017 tới đây, 2,2 triệu suất sữa đậu nành Fami Kid (trị giá 7,4 tỷ đồng) sẽ trao cho 26.400 em học sinh tại 80 trường tiểu học của 8 tỉnh (Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi). Các em được uống sữa miễn phí mỗi ngày đến trường trong suốt cả học kỳ.

3 sai lầm khiến trẻ mất cân bằng dinh dưỡng

Ông Ngô Văn Tụ – Giám đốc Quỹ khuyến học Sữa đậu nành Việt Nam, Giám đốc điều hành Vinasoy trao tặng 160 suất học bổng cho học sinh tỉnh Bắc Giang.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết, chương trình sữa học đường hiện được triển khai trên 60 quốc gia. Việt Nam không nên nằm ngoài xu hướng toàn cầu tốt đẹp đó. Mục tiêu đến năm 2020, khoảng 90% bố mẹ thành thị và 60% phụ huynh nông thôn của trẻ uống sữa sẽ được tư vấn và nâng cao kiến thức dinh dưỡng.

Quỹ khuyến học Sữa đậu nành Việt Nam do Vinasoy khởi xướng, được Bộ Nội vụ cấp quyết định thành lập ngày 9/12/2015 với ngân sách ban đầu 10 tỷ đồng. Quỹ cấp phát miễn phí sữa đậu nành Fami Kid cho học sinh tiểu học trên toàn quốc, kết hợp các hoạt động tuyên truyền giáo dục về dinh dưỡng học đường tại nhà trường nhằm từng bước cải thiện thể trạng trẻ em Việt Nam.

An San

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook