Đôi khi những sai lầm nhỏ, hay rủi ro ngoài ý muốn không ngờ lại cho chúng ta những kết quả đáng kinh ngạc.
1. Penicillin được phát minh nhờ… quên đậy nắp lọ thí nghiệm
Trong Thế chiến thứ I, rất nhiều binh lính đã tử trận vì vết thương nhiễm trùng quá nặng, nhưng chất sát trùng khi đó lại không đủ hiệu nghiệm để sát khuẩn vết thương, vì vậy rất nhiều binh sĩ phải nhận cái chết đau đớn, từ từ trong cái nhìn bất lực của đội quân y.
Bác sĩ Alexander Fleming, một nhà vi khuẩn học khi đó gần 40 tuổi làm việc tại bệnh viện Saint Mary ở London, đã gửi một bài báo cho tạp chí y khoa Lancet, lý giải tại sao những chất sát trùng quân đội sử dụng thậm chí còn làm vết thương trở nên trầm trọng hơn.
“Nhờ có PENICILLIN, anh ấy sẽ được về nhà”, penicillin – phát minh vô tình thay đổi thế giới.
Thực tế, chúng chỉ có tác dụng sát khuẩn bề mặt, còn với những vết thương sâu, chúng hoàn toàn vô dụng. Ông khuyên quân đội nên ngừng sử dụng những chất sát khuẩn đó nhưng không được, bởi “thuốc tiên” chưa xuất hiện, những người lính bị thương vẫn phải quằn quại với cơn đau của mình.
Kết thúc Thế chiến, ám ảnh với những cái chết chậm rãi mà đau đớn của binh sĩ, ông dành nhiều công sức nghiên cứu, thực hiện hàng trăm thí nghiệm mong tìm ra loại chất kháng khuẩn cực mạnh. Nhưng việc ông làm như đãi cát tìm vàng, có lẽ phải thực hiện thêm hàng nghìn thí nghiệm với hàng nghìn hợp chất khác nữa mới mong ra kết quả.
Mùa hè năm 1928, sau quãng thời gian dài lâm vào bế tắc, ông quyết định trở về Scotland nghỉ ngơi ít ngày. Và đây chính là bước ngoặt của câu chuyện, khi trở lại phòng thí nghiệm, ông phát hiện ra mình đã quên đậy nắp một số đĩa nuôi cấy vi khuẩn.
Chân dung bác sĩ Alexander Fleming trong phòng thí nghiệm của mình, nơi penicillin được “khai sinh”.
Và ở một đĩa nuôi cấy, nơi có rất nhiều mảng nấm mốc xanh kỳ lạ. Soi dưới kính hiển vi, ông bàng hoàng lẫn vui mừng nhận ra những mảng vi khuẩn xung quanh mảng mốc đều chết hết. Ngày 7/3/1929, người ta biết tới hợp chất kỳ diệu đó với cái tên penicillin.
“Khi tôi thức dậy vào ngày 28/9/1928, tôi không có ý định làm một cuộc Cách mạng y học với việc phát hiện ra chất kháng khuẩn đầu tiên trên thế giới hay một “sát thủ diệt vi khuẩn”. Nhưng có lẽ đó chính là điều tôi đã làm.” bác sĩ Alexander Fleming phát biểu.
Chỉ nhờ một sơ suất nhỏ của bác sĩ, việc không đóng nắp đĩa cấy khuẩn, ông đã góp phần cứu hàng triệu người trong Thế chiến II nói riêng và triệu triệu người bị thương sau này. Năm 1945, ông nhận giải Nobel sinh lý học và y khoa cho những đóng góp to lớn của mình với nền y học thế giới.
2. Coca Cola đến với chúng ta nhờ một tai nạn
Thức uống nổi tiếng thế giới, phổ biến từ hàng quán vỉa hè tới nhà hàng sang trọng, được tin dùng ở tất cả mọi lứa tuổi. Hầu như mọi cuộc liên hoan của học sinh sinh viên đều có mặt Coca Cola hoặc những người anh em của nó.
Vậy nhưng, ít ai biết được rằng Coca Cola đã đến với thế giới theo cách vô cùng bất ngờ. Dược sĩ John Pemberton người Mỹ, bị đau đầu kinh niên và phụ thuộc rất nhiều vào thuốc giảm đau morphine. Ông biết mình cần phải tìm ra một loại dược liệu khác để dứt điểm cơn đau của mình, chứ không thể giảm đau mãi.
Chân dung dược sĩ John Pemberton, nhà phát minh vĩ đại nhờ cơn đau đầu của mình.
Một ngày tháng 5/1886, dược sĩ Pemberton qua tìm hiểu đã thử nghiệm trộn hạt kola, hoa damiana (loài hoa có hương liệu chống lo lắng, căng thẳng) và rượu coca mong tạo ra một loại rượu thuốc có thể cứu vớt cái đầu đau như búa bổ của mình.
Nhưng tác phẩm ông tạo ra lại có vị ngon đến bất ngờ, vị dược sĩ kinh ngạc nhận ra tiềm năng kinh doanh của thứ nước thần tiên này. Ông gọi nó là “Rượu vang Pháp Pemberton’s Coca” và bắt đầu thương mại hóa sản phẩm này, bán với giá 5 cent 1 cốc coca (khoảng 1 nghìn đồng).
Những chai Coca-Cola bên bàn tiệc, bạn có thấy quen không?
Ông tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình với sự giúp đỡ của chuyên gia y dược Willis Venable và cuối cùng, nước ngọt có ga ra đời. Cho đến nay và cả mãi sau sau này, công thức tạo ra Coca-Cola sẽ luôn là một điều bí mật.
Một thử nghiệm nhỏ đã đưa thức uống nổi tiếng nhất lịch sử đến với ông, đưa tên tuổi dược sĩ John Pemberton vào hàng vĩ nhân của ngành nước giải khát. Có lẽ, tiền bạc đem về từ Coca của ông cũng đánh tan cơn đau đầu còn dai dẳng.
3. Sự tích kem que
Kem que là bạn thân của mọi nhà, không ai có thể cưỡng lại một đồ ăn mát lạnh, đủ thứ vị thơm ngon, màu sắc bắt mắt và dễ dàng thưởng thức ở mọi nơi.
Chiếc kem que đầu tiên được tạo ra bởi chú nhóc Frank Epperson chỉ mới 11 tuổi sống tại San Francisco. Một buổi tối mùa đông năm 1905, Frank thèm một cốc nước ngọt, cậu bé bèn pha bột soda vào nước, dùng một cái que để khuấy. Xong xuôi đâu đấy, Frank không uống mà để cốc nước ngoài hiên, cả ngày chơi mệt nên Frank đi ngủ quên luôn cốc nước.
Đêm đó nhiệt độ xuống rất thấp, cốc nước của cậu bé đóng đá. Sáng hôm sau, Frank vừa ngạc nhiên vừa thích thú cầm “cốc nước” của mình lên, nhấc chiếc que ra và… Bum! Chiếc kem que đầu tiên của thế giới đã ra đời. Một khối nước đá có vị ngọt, vô cùng mát lạnh, gắn liền với một chiếc que, Frank hồn nhiên tinh nghịch đã tặng thế giới một món quà vô giá nhờ sự đãng trí của mình.
Kem que thực chất là một món đồ uống đóng băng trên que.
Kem que nhanh chóng chiếm được cảm tình của trẻ em, sau rồi là tất cả mọi người. Đến nay, mỗi năm trung bình có 2 tỷ chiếc kem que được tiêu thụ trên toàn thế giới, với hương vị vô cùng đa dạng: socola, vani, đậu xanh, đậu đỏ, sữa dừa, hương hoa quả,…
Kể như ngày đó, Frank uống luôn cốc nước mà không để quên ngoài hiên thì có lẽ chúng ta tới nay vẫn chỉ biết giải khát bằng siro đá bào mà thôi.
Giờ đây, chúng ta có thể thưởng thức đủ các loại kem với những hương vị khác nhau.
Mặc dù có nhiều sai lầm gây ra hậu quả thảm khốc thế nhưng cũng có những sơ suất lại đem về những kết quả đáng ngạc nhiên. Dù vậy, xác suất những trường hợp như thế này xảy ra là vô cùng nhỏ. Chúng ta không nên trông chờ vào điều kỳ diệu xảy ra mà hãy cứ chuyên tâm vào công việc của mình, ắt một ngày phép màu sẽ đến.
Video: Chụp ảnh quá kì công
Theo Thời Đại
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.