Tuân thủ điều trị, tập thể dục và áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp kiểm soát hiệu quả bệnh đái tháo đường.
Theo thống kê công bố tháng 4/2016 của Bộ Y tế, có hơn 3 triệu người Việt Nam bị đái tháo đường. Sau 10 năm (năm 2002-2012), tỷ lệ mắc bệnh đã tăng gấp đôi. Tại hội thảo kiểm soát bệnh đái tháo đường tổ chức ngày 7/4 tại Hà Nội, các chuyên gia cho biết, Việt Nam nằm trong top quốc gia có tốc độ gia tăng bệnh nhân cao trên thế giới.
Cũng tại hội nghị, báo cáo cho thấy cứ 10 người được chẩn đoán đái tháo đường thì 6 người đã biến chứng nặng như suy thận, mù lòa, loét chân, nguy cơ tàn phế hoặc tử vong cao. Thế nhưng, 64% người đái tháo đường không biết mình mắc bệnh. Lối sống công nghiệp, thừa cân béo phì là nguyên nhân chính khiến số bệnh nhân gia tăng và ngày càng trẻ hóa.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình – Phó chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, có 3 yếu tố giúp kiểm soát đái tháo đường, đó là tuân thủ điều trị, tập thể dục và áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trong đó, dinh dưỡng là nền tảng quan trọng trong điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên, nhiều người bệnh gặp khó khăn khi phải thay đổi thói quen ăn uống.
Bạc sĩ Bình dẫn một khảo sát gần đây cho biết, 91% người đái tháo đường ăn uống sai cách. Mức năng lượng trung bình mà người bệnh nạp vào thấp hơn 70% năng lượng khuyến nghị mỗi ngày. Tâm lý lo lắng khiến họ kiêng khem nghiêm ngặt và đột ngột, từ bỏ gần như mọi món ăn yêu thích. Nhiều người trước ăn 3 bát, thì nay chỉ dám ăn lưng chén cơm mỗi bữa, ưu tiên rau xanh mà bỏ quên các nhóm chất khác. Sai lầm này khiến không ít bệnh nhân sụt cân, chán ăn, stress, thiếu chất, suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch.
Có 5 dấu hiệu cảnh báo mất cân bằng dinh dưỡng ở người đái tháo đường. Đó là thường xuyên đói, thèm ăn; bủn rủn chân tay, thiếu năng lượng; mệt mỏi và buồn phiền; đường huyết tăng, hạ đột ngột; đường huyết gần đây không ổn định.
Đường huyết ổn định giúp người đái tháo đường tránh được biến chứng. |
Đối với người đái tháo đường, chế độ ăn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể và ổn định đường huyết. Bệnh nhân nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, lưu ý khẩu phần cho mỗi bữa, lựa chọn thực phẩm phù hợp với chỉ số đường huyết thấp, tốt cho sức khỏe.
Để kiểm soát bệnh hiệu quả, có thể bổ sung dinh dưỡng chuyên biệt cho người đái tháo đường vào chế độ ăn hàng ngày. Một nghiên cứu trên 230 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 tại Malaysia, công bố tháng 6/2016 tại hội nghị khoa học thường niên của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ cho thấy, mỗi ngày dùng 1-2 khẩu phần dinh dưỡng chuyên biệt cho người đái tháo đường giúp ổn định đường huyết tốt hơn.
Chế độ ăn thế ra sao, chọn thực phẩm nào, số lượng bao nhiêu, cách xử trí khi tăng hạ đường huyết… sẽ được bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình tư vấn tại buổi hội thảo “Sống khoẻ mạnh và cân bằng cùng đái tháo đường”. Diễn viên Chí Tài cũng tham gia và chia sẻ kinh nghiệm vượt qua bệnh tiểu đường của bản thân.
Chương trình diễn ra vào lúc 7h ngày 5/11 tại Trung tâm hội nghị Riverside Place (360D Bến Vân Đồn, quận 4, TP HCM), do Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam phối hợp với nhãn hàng Glucerna tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường.
Chương trình sẽ tường thuật trực tiếp trên VnExpress lúc 9h30 ngày 5/11.
Độc giả có thể đến tham dự trực tiếp, hoặc gửi câu hỏi tới chuyên gia qua email andong@vnexpress.net.
An San
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.