Bé 3 tuổi rưỡi đang chơi với ông thì bị chó nhà cào rách mặt. Bé được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cấp cứu sáng 6/10 với 19 vết chó cắn lớn nhỏ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong số 19 vết rách có 2 vết thương vùng má rất sâu và một vết rách thủng sâu tận tuyến mang khá nghiêm trọng. Các bác sĩ đã trải qua gần 2 giờ đồng hồ khâu đóng vết thương với tổng cộng gần 200 mũi khâu.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu chia sẻ hình ảnh gương mặt bệnh nhi bị chó cào rách. Ảnh: Lê Phương. |
Theo bác sĩ Đẩu, vết rách vùng má của bệnh nhi có liên quan đến hệ thống thần kinh mạch nên về sau vùng miệng có thể rơi vào tình trạng mất cảm giác vùng miệng. Nếu không khâu sớm thì quá trình bội nhiễm vi khuẩn từ môi trường ngoài xâm nhập vào sẽ làm vết thương trầm trọng hơn. Càng để lâu, các bờ rách của vết thương được chuyển qua trạng thái viêm, phù nề, việc khâu sẽ gặp khó khăn và để lại nhiều sẹo xấu.
Khoảng 2 tháng nay bệnh viện tiếp nhận nhiều ca trẻ bị chó cắn nghiêm trọng. Có bé gái 2 tuổi ở Bình Dương bị chó cắn lôi vào gầm xe hơi. Nhiều người lớn phải chui vào gầm xe vừa đuổi đánh chó vừa đem em bé ra. Trong quá trình giằng xé bé vỡ luôn một miếng xương hàm và răng. Các bác sĩ phải vừa xử lý vết thương phần mềm cho bé vừa phẫu thuật gắp miếng xương chết ra, khâu lại bên trong xương hàm.
“Nhà có trẻ nhỏ thì tốt nhất không nên nuôi chó. Nếu nuôi chó nên cách ly em bé ở khoảng cách an toàn”, bác sĩ Đẩu khuyến cáo. Chó nuôi cần phải được chích ngừa định kỳ để hạn chế tối đa nguy cơ. Khi bị chó cắn nên mang bé đến bệnh viện ngay để cấp cứu kịp thời và chích ngừa cho bé.
Chó thường cắn vào vùng mặt nạn nhân, đa số vết rách do cắn dài, sâu, vết xướt mất nhiều da và cơ. Răng chó rất bẩn nên vết thương thường phức tạp, thiếu hổng nhiều và dễ nhiễm trùng. Ngoài chích ngừa chó dại cắn, bé cần chích thêm kháng huyết thanh ngừa uốn ván vì song song vết cắn thường là vết cào, trầy do móng chân chó rất dơ, chứa vi khuẩn tetanus.
Lê Phương
Chưa có bình luận.