Thứ Bảy, 19/03/2016 | 18:01

Cương quyết không sử dụng kháng sinh khi mắc các bệnh thông thường như ho, hắt hơi, sổ mũi… đó là xu hướng dùng thuốc đang được nhiều chị em áp dụng.

Hãy để cơ thể tự xoay sở

Đã hơn một tháng trôi qua kể từ ngày chị Nguyễn Hồng Hạnh (Ba Đình, Hà Nội) bị viêm họng. Ngày trước, chỉ cần liều thuốc 5-7 ngày là mọi cơn ho đều chấm dứt, nhưng lần này, sau nhiều đợt điều trị mà bệnh tình chị vẫn chẳng thuyên giảm phần nào. Những cơn ho liên tục về đêm không chỉ khiến chị mất ngủ, sức khỏe giảm sút mà chồng con cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Cứ ngỡ mình bị lao hay một bệnh nghiêm trọng nào đó thì mới ho dai và dữ như vậy, song đến khi thăm khám, chị mới té ngửa khi biết nguyên nhân là do nhờn thuốc.

Cuối cùng, để chấm dứt tình trạng khó chịu này, bác sĩ quyết định tiêm cho chị Hạnhmột liều kháng sinh cực mạnh. Cũng kể từ đợt đó, chị quyết định “cai dần” kháng sinh. Lý giải về quyết định này, chị khẳng định “Thời gian trước, hễ cứ hắt hơi, sổ mũi một chút là mình lại nã kháng sinh vào người để mau khỏi bệnh. Chính vì thế mới dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào thuốc với liều dùng ngày càng cao. Giờ mình sẽ không dùng kháng sinh nữa mà cứ để cơ thể chống chọi lại với bệnh tật. Tất nhiên, bên cạnh đó, mình cũng sử dụng một số liệu pháp dân gian để hỗ trợ chữa bệnh”.

Không chỉ có chị Hạnh mà thời gian gần đây, phong trào “bài xích” kháng sinh đang dần lan rộng trong cộng đồng và nhận được sự đồng thuận của không ít chị em. Chia sẻ về việc tẩy chay loại thuốc này, chị Trần Bích Thủy (Đống Đa, Hà Nội) phân tích: “Theo mình được biết thì kháng sinh ngày trước chỉ dùng cho các binh lính bị thương nặng ở chiến trường – nơi điều kiện vệ sinh và nghỉ ngơi bị hạn chế. Giờ đây, công nghệ phát triển thì con người lại càng ngày càng biến mình thành nô lệ của kháng sinh.

Thực tế thì cơ thể chúng ta hoàn toàn có khả năng chống lại bệnh tật. Thế nên, chỉ trong những trường hợp thật sự cần thiết, vượt quá khả năng chống chọi của hệ miễn dịch thì mới cầu cứu đến kháng sinh, chứ vài ba cái bệnh thời tiết thì cứ để cơ thể tự xử lý. Nhất là với trẻ con, đừng tước đi cơ hội tự chống chọi với bệnh tật của chúng”.

Xu hướng: Không dùng kháng sinh

Ảnh minh họa

Kháng sinh: Hại nhiều hơn lợi

Theo PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội): Ở nước ta và nhiều nước khác trên thế giới, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chữa bệnh diễn ra rất phổ biến. Hầu hết mọi người cho rằng: bệnh nhẹ nếu không dùng kháng sinh từ đầu sẽ dễ dẫn đến nhiều biến chứng. Tuy nhiên, khảo sát của bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tỷ lệ biến chứng ở nhóm người dùng kháng sinh và không dùng kháng sinh khi mắc cùng một loại bệnh là như nhau. Điều đó có nghĩa là kháng sinh không hề có tác dụng ngăn ngừa biến chứng ở giai đoạn đầu của bệnh. Thậm chí, với nhóm người dùng kháng sinh, khi bị biến chứng thì việc chữa trị sẽ khó hơn rất nhiều so với nhóm không dùng kháng sinh mà bị biến chứng. Như vậy, việc dùng kháng sinh rõ ràng có hại nhiều hơn có lợi.

Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, song song với việc để cơ thể tự xoay xở với bệnh tật, chúng ta cần theo dõi các biểu hiện bệnh hàng ngày. Nếu thấy bệnh nặng hơn, cần quay lại bệnh viện để thăm khám. Khi đó, thầy thuốc sẽ xem xét xem bệnh có biến chứng nào xấu không. Nếu có, dùng kháng sinh lúc này vẫn chưa muộn. Còn nếu đó chỉ là phản ứng chống lại bệnh tật của cơ thể, chẳng có lý do gì chúng ta lại phải dùng kháng sinh. B

ởi lẽ, thực tế cho thấy kháng sinh có rất nhiều tác dụng phụ như: gây dị ứng, loạn khuẩn tiêu hóa…, đặc biệt là nhờn thuốc, kháng thuốc khiến chúng ta phải dùng liều mạnh hơn, cao cấp hơn, gây tốn kém hơn. Không chỉ vậy, khi sử dụng kháng sinh, cơ thể chúng ta sẽ tạo ra một loại vi khuẩn kháng thuốc, và vi khuẩn này có thể truyền qua những người lành sống xung quanh. Và nếu những người đó mắc bệnh nhiễm trùng, họ cũng dễ dàng gặp phải tình trạng kháng thuốc dù rất ít khi dùng kháng sinh.

Chính bởi những nguyên nhân trên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: với những bệnh thông thường do nhiễm virus, chúng ta dứt khoát không dùng kháng sinh; với những bệnh nhiễm trùng nhẹ thì dùng kháng sinh liều vừa phải; nếu bệnh trầm trọng thì cần dùng kháng sinh mạnh ngay lập tức để tránh tình trạng nhờn thuốc. Tất nhiên, việc dùng kháng sinh hay không, phải theo chỉ định của bác sĩ chứ không phải theo phán đoán hay kinh nghiệm của bản thân.

Bạn có biết?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng lạm dụng kháng sinh trên toàn cầu đang ở mức đáng báo động. Theo đó, khoảng 30-60% bệnh nhân tại các cơ sở y tế được kê đơn kháng sinh, tỷ lệ này cao gấp đôi so với nhu cầu lâm sàng; khoảng 20-90% số ca viêm đường hô hấp trên do virut được điều trị bằng kháng sinh và 60-90% bệnh nhân được kê đơn kháng sinh không phù hợp.

Ngay tại Mỹ và Trung Quốc, WHO vẫn cho rằng còn 60- 90% số ca viêm đường hô hấp trên do virut được điều trị bằng kháng sinh. Tại Thái Lan, khoảng 90% bệnh nhân được đánh giá là kê đơn kháng sinh không phù hợp.

Tại Việt Nam, Chương trình hợp tác y tế Việt Nam – Thụy Điển đánh giá sử dụng thuốc năm 2003 đã phát hiện các bất cập tại nhiều cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương, trong khi tiền mua kháng sinh luôn chiếm khoảng 50% kinh phí thuốc của các bệnh viện.

An Châu

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook