Ảnh: MH
Sau gần 20 năm làm mẹ và giờ đã lên chức bà, tôi rút ra được kha khá kinh nghiệm cũng như những câu nói sẽ khiến con đau hơn cả đòn roi.
Tôi luôn tự hứa với bản thân rằng, sẽ không mắc phải những lỗi: đánh mắng, chê bai con… như mẹ tôi khi làm mẹ và quả thực, trong một số trường hợp, tôi đã thành công.
Nhưng đôi khi, do mệt mỏi, nóng giận… tôi đã mất kiểm soát lời nói, hành động. Kết quả, tôi vẫn làm tổn thương con dù không muốn.
1. “Hãy chờ bố về chơi cùng con, mẹ đang bận!”
Một món đồ chơi đắt tiền hay một chuyến du lịch xa… không khiến trẻ hạnh phúc bằng việc được tâm tình và chơi cùng mẹ.
Khi vẽ xong một bức tranh mới, bé rất muốn chạy đến khoe ngay với mẹ nhưng lúc ấy mẹ lại tỏ thái độ hững hờ, xua tay ra hiệu: “Con chờ bố về nhé! Mẹ đang bận”.
Thái độ bất hợp tác này của mẹ sẽ khiến bé căng thẳng. Bé sẽ nghĩ ‘mẹ không yêu mình’. Hơn nữa, nếu bố về nhà trong tình trạng mệt mỏi dễ sinh cáu gắt, quát nạt, không hào hứng chơi cùng bé… Khi ấy, bé sẽ chán nản, hụt hẫng hơn.
Vì thế, dù có bận ‘trăm công nghìn việc’ thì các mẹ cũng không nên đẩy hết trách nhiệm chăm con cho chồng. Hãy nói: “Mẹ đang dở việc, một lát/ 5 -10 phút nữa mẹ sẽ chơi cùng con” thay vì cáu kỉnh xua đuổi bé.
2. “Đừng có cãi lời mẹ”
Trẻ nhỏ được sinh ra là để hỏi, để nói, để tranh luận và thắc mắc. Mẹ đã phải chờ bao ngày tháng rồi vỡ òa hạnh phúc khi con cất tiếng nói đầu tiên. Vậy tại sao lại nỡ cắt đứt những tranh luận của trẻ với chỉ một câu nói độc đoán như thế?
Việc lặp đi lặp lại câu “Đừng có cãi mẹ” sẽ khiến trẻ cảm thấy bất công và nếu chúng có thôi cãi thì đó cũng là biểu hiện bên ngoài còn trong đầu chúng không-phục-mẹ-đâu.
Thay vì làm mẹ ‘phát xít’, hãy nhẹ nhàng nói với con: “Mẹ biết con muốn điều khác nhưng mẹ sẽ không đổi ý” hoặc “Mẹ đã nói rồi, con còn thắc mắc gì nữa?”… Điều này giúp trẻ không cảm thấy ấm ức và cho phép chúng trình bày suy nghĩ của mình.
3. “Nếu con không ngoan… thì ngáo ộp/ ma sẽ đến bắt con”
Dùng ma quỷ hay những hình ảnh rùng rợn để dọa nạt sẽ làm tổn thương sâu sắc tâm hồn trẻ. Xét ở một giới hạn nào đó, việc dọa nạt trẻ cũng mang đến một kết quả tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh kinh dị sẽ gây phản ứng tiêu cực.
Những lúc mẹ muốn chứng tỏ “quyền lực” của mình, mẹ có thể nghiêm mặt lại và lên cao giọng để nhắc nhở con phải thực hiện một công việc nào đó. Khi biết đây là điều phải hoàn thành, trẻ sẽ tự giác làm theo đúng yêu cầu.
4. “Hồi bằng tuổi con, cha/mẹ không bao giờ làm thế!”
Mẹ có chắc khi nói câu này? Có thể mẹ chưa từng làm thế hoặc đã làm mà quên. Nhưng nói với con chắc-như-tuyên-ngôn thì thật không nên.
Lời nói như ngầm khẳng định mẹ giỏi hơn con nhiều khi ở tuổi của con dễ khiến trẻ tự ái. Lâu dần tạo tâm lý mặc cảm và suy nghĩ tiêu cực rằng mình làm việc gì cũng hỏng. Điều này ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách.
5. “Ước gì mẹ chưa bao giờ sinh ra con”
Dù có bực tức, giận con đến đâu thì mẹ cũng tuyệt đối không được nói: “Ước gì mẹ chưa bao giờ sinh ra con”. Bởi, trẻ sẽ nghĩ, bạn không muốn làm mẹ của chúng. Thậm chí, nhiều trẻ sẽ không bao giờ quên được câu nói này và luôn hoài nghi tình yêu của mẹ dành cho mình.
Mẹ có thói quen phàn nàn những câu tương tự thì nên kiểm điểm lại bản thân ngay nếu không muốn ‘mất-con’ – con xa cách, không dám tâm sự cũng không gần gũi mẹ.
6. “Dễ thế mà con cũng sai”
Câu nói đầy tính khinh khi + ‘mặt nặng, mày nhẹ’ chính là cách tệ hại nhất mẹ khiến bé lo lắng, mất tự tin, không dám hỏi khi có thắc mắc vì sợ mẹ nổi giận.
Vì thế, khi trẻ làm sai điều gì, mẹ nên bình tĩnh chỉ dẫn làm lại từ đầu. Khuyến khích để trẻ tập trung hoàn thành từng phần việc nhỏ một, từ việc dễ đến việc khó.
Tuyệt đối không nên cười chê, chế nhạo nếu chẳng may bé không tự mình làm được. Thay vào đó, mẹ nên tạo không khí vui vẻ để trẻ không bị căng thẳng.
Chưa có bình luận.