Dược sĩ cần giải thích cho người bệnh biết, kháng sinh không thể làm giảm hết các triệu chứng sổ mũi hay cảm lạnh, chỉ có tác dụng với vi khuẩn và vô hiệu với virus.
Các biện pháp giảm đề kháng kháng sinh là chủ đề chính của hội thảo “Vai trò của dược sĩ trong phòng ngừa đề kháng kháng sinh” do Hội Dược Bệnh viện Hà Nội và Pfizer tổ chức tháng 8. Đối tượng của hội thảo là các dược sĩ, người trực tiếp bán thuốc theo toa do bác sĩ kê đơn, đồng thời tư vấn cho bệnh nhân cách sử dụng kháng sinh phù hợp.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra 6 nguyên tắc kê đơn kháng sinh cho bác sĩ. Đó là: Chỉ cho kháng sinh khi nhiễm khuẩn, không kê nếu chỉ nghĩ đến virus; tối ưu hóa chẩn đoán độ nặng nhẹ của bệnh; tối đa hóa khả năng diệt sạch khuẩn của thuốc; lựa chọn kháng sinh dựa vào tỷ lệ kháng thuốc đã theo dõi tại địa phương; dùng chỉ số dược động học (PK) và dược lực học (PD) của kháng sinh để tối đa hóa hiệu quả điều trị, giảm độc tính của thuốc, ngăn ngừa kháng thuốc; phối hợp nhiều nguyên tắc cùng lúc.
Nếu dược sĩ nắm vững 6 nguyên tắc kê đơn này của bác sĩ khi tư vấn cho người mua thuốc, sẽ làm tăng hiệu quả điều trị, giảm chi phí và hạn chế tình trạng đề kháng kháng sinh.
Dược sĩ cần giải thích cho bệnh nhân biết, kháng sinh không thể làm giảm hết các triệu chứng sổ mũi hoặc cảm lạnh ngay tức thì. Người dân chỉ nên sử dụng kháng sinh khi cần thiết, bởi nó có hại nhiều hơn là lợi. Họ cũng khuyên bệnh nhân không nên hối thúc bác sĩ kê đơn có kháng sinh, mà nên hỏi ngược lại thuốc này có thực sự cần thiết hay không.
Với đơn kê kháng sinh, dược sĩ cần tư vấn bệnh nhân về tầm quan trọng của việc tuân theo hướng dẫn một cách chính xác (uống đúng liều, đúng thời điểm, không tự ý ngừng thuốc…). Đồng thời, cảnh báo người bệnh những tác dụng phụ có thể xảy ra như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, nhiễm nấm, dị ứng…
Hội thảo “Vai trò của dược sĩ trong phòng ngừa đề kháng kháng sinh” tổ chức vào tháng 8. |
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia cảnh báo đề kháng kháng sinh đang trở nên phổ biến, nan giải và đáng lo ngại. Phó giáo sư, Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Hoàng Anh – Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI & ADR), Giảng viên bộ môn dược lý của Đại học Dược Hà Nội cho biết, trên thế giới đã xuất hiện vi khuẩn siêu kháng thuốc (kháng hầu hết mọi loại kháng sinh).
Tại Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh cũng phải đối mặt với tốc độ lan rộng vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Phó giáo sư Hoàng Anh dẫn số liệu năm 2004 cho thấy, Việt Nam dẫn đầu 12 nước châu Á về thực trạng phế cầu khuẩn kháng hoạt chất kháng sinh β-lactam và erythromycin. Việt Nam còn nằm trong khu vực có tỷ lệ tụ cầu vàng kháng methicillin cao nhất thế giới. Loại vi khuẩn này gây nhiễm trùng và không đáp ứng điều trị với kháng sinh thông thường. Trực khuẩn gram âm kháng đa thuốc lan rộng trên toàn cầu, cũng là một thách thức lớn đối với y học hiện đại.
Tuy nhiên, kháng sinh vẫn bị lạm dụng tại nhiều cơ sở y tế và quầy dược. Số liệu năm 2003 cho thấy, 30% bệnh nhân nội trú được kê đơn kháng sinh, 30% kê đơn không hợp lý trong cộng đồng, 30% kháng sinh dự phòng ngoại khoa không hợp lý. Có 49-57% trẻ em và 64% người lớn viêm họng được kê đơn kháng sinh, trong khi tỷ lệ nhiễm khuẩn S.pyogenes cần uống loại thuốc này thấp hơn nhiều. Nếu kê đơn kháng sinh hợp lý và đúng bệnh, bệnh nhân sẽ tiết kiệm được 30% chi phí thuốc.
An San
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.