Thứ Tư, 30/03/2016 | 15:06

Bé Daisy một ngày “khủng hoảng” mấy lần. Thời gian đầu không quen, mẹ Minh Trang dễ nổi nóng khi con quấy khóc nhằng nhẵng vì những lý do lãng xẹt.

Chị Nguyễn Minh Trang hiện là phóng viên, người dẫn chương trình quen thuộc của VTV4. Từng có thời gian du học ở Mỹ nên cách chăm sóc con của chị khá hiện đại. Những câu chuyện của Minh Trang và con gái đầu lòng Daisy, hiện 3,5 tuổi, đã trở thành cảm hứng nuôi dạy con cho nhiều bố mẹ Việt khác.

Dưới đây là bí quyết MC Minh Trang xử lý khủng hoảng tuổi lên ba của Daisy. Chia sẻ của chị trên trang cá nhân đã nhận được 14.000 lượt like, 11 nghìn lượt chia sẻ, chỉ sau vài ngày xuất hiện.

Tuyệt chiêu xử lý 'khủng hoảng tuổi lên ba' của bà mẹ 8x

“Khủng hoảng tuổi lên 3” hình như không đúng với Daisy nhà mình. Vì bạn ấy tuổi nào cũng khủng hoảng, có đợt một ngày khủng hoảng mấy bận. Thời gian đầu không quen, mình dễ nổi cáu lắm. Làm sao không nổi cáu khi Daisy đã nói sõi cả tỷ từ mà từ sáng đến tối chỉ một từ “Không”, hoặc khóc quấy nhằng nhẵng chẳng vì lý do gì. Hôm trước vừa ăn xoài trộn sữa chua vừa líu lo khen ngon, hôm sau đã khóc váng nhà vì mẹ trót cho sữa chua vào xoài.

Sau hơn 3 năm rưỡi “sống chung với lũ”, mình dần dần tổng kết được một quy trình giải quyết khủng hoảng khá hiệu quả, nhẹ nhàng. Cho đến giờ phút này, mình chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có ý định dùng roi vọt với Daisy.

Quy trình ấy như thế này:

1. Bày tỏ sự đồng cảm với con

Dấu hiệu dễ nhận nhất của các hình thức khủng hoảng hay ăn vạ là khóc. Mình hiểu khi Daisy đã khóc, để nín ngay lập tức là gần như không thể. Nếu bắt đầu câu chuyện bằng “Nín, nín ngay lập tức” với giọng điệu cao, cáu gắt sẽ chỉ làm con thêm căng thẳng và khóc to thêm. Thế là đôi bên cùng mệt mỏi, cơn nóng giận sẽ đến rất nhanh.

– Nếu con khóc vì vòi vĩnh món đồ gì đó, trước tiên, mình di dời con khỏi hiện trường hoặc cắt sự chú ý của con vào những món đồ đó (quay lưng lại hàng đồ chơi, dắt tay con đi ra chỗ khác…).

– Nếu con khóc vì đau (ngã, ốm, tiêm, tự làm đau…), mình bình tĩnh và nhẹ nhàng hỏi thăm con đau ở đâu, đau ra sao. Mình không bao giờ phủ nhận cảm xúc của con kiểu “Ngã tí mà kêu đau, đau gì mà đau” hay trách con “Đi đứng thế à?”.

– Nếu mình chưa rõ nguyên nhân con gào khóc, mình hay bắt đầu bằng một cái ôm thật lâu thật chặt. Cái ôm là điều tuyệt vời nhất mà một đứa trẻ mong muốn khi có cảm giác buồn, mệt, bất an, thất vọng… Sau đó, mình sẽ hỏi con: “Bây giờ con thấy ổn hơn chưa? Bình tĩnh nói cho mẹ nghe xem có chuyện gì?”, “Con cứ khóc thế này có mệt không? Nếu vừa khóc vừa nói, mẹ chẳng nghe được rõ con muốn nói gì”, “Mẹ muốn nghe xem có chuyện gì, để giúp con. Nếu con muốn mẹ giúp thì bình tĩnh kể cho mẹ xem nào”, “Cứ khóc nốt chỗ dở đi vậy, khi nào xong thì nói cho mẹ nghe xem có chuyện gì nhé”… Những điều này sẽ làm con cảm giác được lắng nghe, cảm giác mẹ đang ở cùng phía với mình, có thiện chí với mình. 

– Mình tuyệt đối không bao giờ để cho Daisy khóc một mình mà chưa nói chuyện để cùng con giải quyết vấn đề. Mình nghĩ với người lớn như mình cũng vậy thôi, việc bị bỏ mặc gào khóc một mình thật là tồi tệ, nó có thể là nguyên nhân của vô số những ý nghĩ tiêu cực hoặc nghiêm trọng hơn là chứng bệnh trầm cảm sau này.

2. Tìm hiểu, cùng con gọi tên vấn đề của con

Sau bước một, mình đã có được sự tin tưởng và thiện chí muốn chia sẻ của Daisy. Bước hai, nói đơn giản thì mình hoàn toàn đóng vai là “tiếng vọng” của con. 

Ví dụ, nếu Daisy nói: “Con không thích ăn sữa chua xoài”, mình sẽ nói: “Okay, vậy là con không thích ăn xoài trộn với sữa chua có đúng không?”. Hoặc “Con không thích đi tất” – “Rồi, mẹ hiểu rồi, vậy là sáng nay mặc dù đang rất lạnh và tẹo nữa mẹ con mình sẽ đi bộ ngoài trời lạnh để đi học nhưng con vẫn không thích đi tất đúng không?”

Mình thấy việc này cực hiệu quả ở chỗ Daisy thấy mẹ lắng nghe và hiểu những gì bạn ấy muốn. Cách hỏi lại cũng để bạn ấy có thời gian nghĩ xem thực ra vấn đề này có thực sự là vấn đề hay không, đồng thời “câu giờ” để cơn khóc quấy… của bạn ấy từ từ lắng xuống.

3. Lắng nghe nhu cầu, cách giải quyết con mong muốn, phân tích vấn đề dựa trên thực tế (không dựa trên ý kiến chủ quan của mẹ)

Vấn đề là của con, vậy con là người biết rõ nhất con muốn giải quyết như thế nào. Mình hỏi Daisy trước, xem bạn ấy muốn gì. Trong trường hợp hạn chế về thời gian, mình sẽ hỏi rất nhanh và đề xuất luôn phương án của mình. Nhiều khi nói một hồi, cái bạn ấy thực sự muốn lại khác xa cái lúc đầu bạn ấy khóc để đòi nhưng mình không vội đánh giá, cứ để con được nói ra những mong muốn của mình.

– “Vì sao con lại không thích đi tất?” (Có thể câu trả lời là vì chân con bị nốt mụn sưng đau chẳng hạn. Nhiều trường hợp khóc quấy của bạn ấy đến từ những vấn đề hoàn toàn có thật và nghiêm túc).

– “Con thử nghĩ xem nếu không đi tất, đi bộ đi học ngoài trời lạnh thì chuyện gì sẽ xảy ra?”

– “Nếu không đi tất, con có cách nào khác để giữ chân không bị lạnh rồi bị ốm không?”

4. Đưa ra phương án mẹ mong muốn thông qua các lựa chọn

Thay vì ép con bằng được vào một thứ mình muốn, mình thường cùng con nghĩ. Đưa ra các lựa chọn cho con luôn phát huy hiệu quả với Daisy. Thay vì bắt con chọn “Có” hoặc “Không”, mình hay cố gắng nghĩ ra vài phương án kiểu “Có” và “Gần với có” để con chọn. Dù con chọn phương án nào cũng vẫn là trong điều mình mong muốn.

“Mẹ nghĩ nếu không đi tất thì cũng được thôi, nhưng chắc chắn đi bộ con sẽ bị lạnh chân, mà lạnh chân thì rất dễ ốm, ốm lâu là phải vào viện. Bây giờ con thử chọn xem con thích đôi nào hơn. Đây mẹ thấy có một đôi Hello Kitty hồng với một đôi ếch xanh này” (trong 2-3 phương án, mình cố gắng có một phương án mạnh, đúng sở thích của con, khả năng cao là con sẽ chọn phương án đấy). 

“Hay đôi Kitty hồng này đi, mẹ cũng vào thay đôi tất hồng, thế là 2 mẹ con đi tất sinh đôi nhé”.

5. Hỗ trợ con giải quyết vấn đề (nếu con cần)

Bước này thường mình hay để Daisy tự làm, hơi lâu nhưng tập cho con khả năng tự giải quyết những vấn đề cá nhân.

6. Tuyên bố kết thúc khủng hoảng (chạm tay, ôm thật chặt, thật dài…)

Thường mình hay có vài câu tổng kết nhanh về sự khủng hoảng vừa kết thúc, rồi hỏi Daisy về những gì bạn ấy tự nhận ra. Tất cả gói gọn lại bằng một cái chạm tay thật to hoặc một cái ôm thật chặt. Cái ôm luôn luôn kì diệu, đó là sự chia sẻ, đồng cảm, sự thừa nhận, tình yêu thương.

Mình luôn tự dặn mình rằng “cái sự khủng hoảng này chỉ nhất thời, mẹ luôn phải giữ cái đầu lạnh, mình bình tĩnh thì mới cầm tay bạn bé bình tĩnh giải quyết khủng hoảng được. Căng lên là hỏng bét, khổ con mà mình tự dưng chuốc bực vào người. Mình tuyệt đối tránh những kiểu câu mệnh lệnh như “Nín ngay”, “Đứng dậy ngay”, “Đi tất vào”, tránh dùng những cụm từ phủ định mạnh, ví dụ “Không được, mẹ nói không là không…”, tránh trách móc chung chung như “Sao con hay ăn vạ thế?”, “Sao con hư/quấy thế?”.

Minh Trang

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook