14h ngày 18/4, Trưởng bộ môn nhi (Đại học Y Hà Nội) và Phó khoa hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) sẽ tư vấn cho độc giả khi nào không nên dùng kháng sinh, cách tăng cường miễn dịch để trẻ bớt ốm…
*Độc giả gửi câu hỏi tại đây*
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương – Phó trưởng khoa hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, kháng sinh là thuốc kê đơn, song 90% được bán tự do như rau cỏ, 50% trường hợp sử dụng không hợp lý. Nhiều ông bà, cha mẹ coi kháng sinh là thần dược trị bách bệnh. Hễ đau họng, sốt, ho, sổ mũi… là mua dùng ngay. Cũng không ít bác sĩ kê kháng sinh cho trẻ, vì cho rằng thừa còn hơn thiếu.
Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Nhiều trẻ lạm dụng kháng sinh thường xuyên, thậm chí 2-3 đợt một tháng, mỗi đợt kết hợp 2-3 loại khác nhau. Giai đoạn 0-5 tuổi, trẻ có thể dùng kháng sinh nhiều hơn tất cả những năm còn lại trong đời.
Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh đường hô hấp, nhưng không phải trường hợp nào cũng cần uống kháng sinh.
Thực tế, kháng sinh không phải lúc nào cũng cần thiết. Cha mẹ lạm dụng kháng sinh là tước mất cơ hội để hệ miễn dịch của trẻ được huấn luyện và trưởng thành. Lạm dụng lâu dài gây tác hại lớn: mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi, kém hấp thu dinh dưỡng, hen suyễn, dị ứng, suy tủy, suy gan, suy thận, điếc, vàng răng, hỏng mô sụn, tiểu đường…
Đặc biệt, vi khuẩn kháng thuốc sẽ nhanh chóng phát triển. Khi nhiễm lượng vi khuẩn kháng thuốc đủ lớn, sẽ không còn loại kháng sinh nào có thể điều trị khỏi bệnh. Kháng sinh được ví như “của để dành” dùng trong những trường hợp thực sự nguy cấp, vì thế không nên lạm dụng.
Chuyên gia nhấn mạnh, kháng sinh không tiêu diệt được virus, chỉ dùng để điều trị vi khuẩn. Và có đến 80% bệnh hô hấp là do nhiễm virus. Viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ phần nhiều không do nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn hô hấp trên không xác định vị trí, viêm phế quản cấp ở những cơ thể trước đây khỏe mạnh, chủ yếu là do virus.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương – Phó trưởng khoa hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), Phó trưởng bộ môn nội tổng hợp (Đại học Y Hà Nội).
Bác sĩ có thể quan sát các triệu chứng lâm sàng để đánh giá, tiên đoán đúng khả năng trẻ nhiễm khuẩn. Nếu thực sự cần thiết, có thể làm thêm các xét nghiệm huyết học, nước tiểu, X-quang, nội soi tai mũi họng…
Ví dụ, bệnh viêm họng có thể do virus hoặc liên cầu khuẩn. Nếu do khuẩn liên cầu thì trẻ thường sốt trên 38,5 độ C, sưng đau hạch cổ, đau đầu, nốt xuất huyết ở vòm họng, đau bụng, khởi phát bệnh đột ngột (dưới 12 giờ), xuất tiết ở họng, amidan… và cần dùng kháng sinh để ngăn biến chứng lên tim, khớp. Nếu do virus, trẻ thường có biểu hiện viêm kết mạc, chảy mũi, ho, tiêu chảy, ban dạng virus… và sẽ tự khỏi, không cần kháng sinh, chỉ cần điều trị giảm triệu chứng.
Những thắc mắc xoay quanh việc sử dụng kháng sinh, cách phòng bệnh và nâng cao miễn dịch cho trẻ… sẽ được Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương – Phó trưởng khoa hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai); Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng bộ môn nhi (Đại học Y Hà Nội) trả lời vào 14h ngày 18/4 trên VnExpress.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng bộ môn nhi, Đại học Y Hà Nội.
An San
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.