Thứ Tư, 10/08/2016 | 16:30

Tamnhin.net: Trong ba ngày từ 5/8 tới 7/8/206 Trung Quốc cho 6 tàu cảnh sát biển và huy động hơn 230 tàu cá tới khiêu khích Khu vực quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) khiến Nhật Bản phải 6 lần triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật tới kháng nghị. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Vậy Trung Quốc có dụng ý gì khi khiêu khích Nhật Bản như vậy?

Trung Quốc có dụng ý gì khi liên tiếp khiêu khích Nhật Bản Tàu Cảnh sát biển của Trung Quốc gần Senkaku

Báo chí của Nhật Bản ngày 8/8/2016 đưa tin liên tiếp trong ba ngày từ 5/8 tới 7/8/2016, Trung Quốc đã đưa 6 tàu cảnh sát biển chia làm 2 đợt, một đợt 2 chiếc, một đợt 4 chiếc cùng hơn 230 tàu cá tới khiểu khích Khu vực giáp ranh ở quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tự nhận là lãnh thổ của mình là Điếu Ngư.

 Phía Nhật Bản đã 6 lần phản đối theo những con đường khác nhau, như hai lần triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa lên đưa công hàm phản đối. Dư luận các nước cho  rằng sau phán quyết của Tòa án quốc tế bất lợi đối với Trung Quốc ở Biển Đông, Trung Quốc tạm thời lùi một bước. Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc tại Viêng Chăn (Lào) ngày 26/7/2016, phía Trung Quốc có nhân nhượng đối với các nước ASEAN khi cam kêt không lấn thêm đối với các đảo, bãi không có người ở Biển Đông, nhưng lại tiếp tục làm cho tình hình Đông Hải nóng lên, tiến hành khiêu khích Nhật Bản, vậy rốt cuộc dụng ý của Trung Quốc là gì?

 Trong bài “Khiêu khích Nhật Bản, rốt cuộc Trung Quốc muốn gì?”, các báo Nhật Bản ngày 8/8/2016 đưa ra ba nguyên nhân như:

1- Tờ “Jiji Tsūshinsha” (Thời sự) cho rằng Trung Quốc muốn tỏ ra “một sự đã rồi” để tiến hành công kích Nhật Bản, nhất là vừa qua Nhật Bản cho công bố “Sách trắng quốc phòng” trong đó mạnh mẽ lên án Trung Quốc. Vì vậy, sự kiện này cho thấy Trung Quốc bày tỏ thái độ bất mãn với Chính quyền Abe. Hơn nữa thời gian qua, Mỹ, Nhật ra sức thúc giục Trung Quốc phải thực hiện cam kết theo phán quyết của Tòa án quốc tế, đồng thời tại Hội nghị ngoại trưởng G7 ở Okinawa, Nhật Bản đã đạo diễn để G7 ra tuyên bố chung trong đó đưa vấn đề Biển Đông vào trong tuyên bố. Bởi vậy, đây là hành động trả đũa của Trung Quốc đối với Nhật Bản.

 2 – Tờ “Sankei” (Tin kinh tế) cho rằng hơn 230 tàu cá của Trung Quốc hầu hết đều xuất phát từ hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang tới khiêu khích. Ngay trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thị sát hai tỉnh này. Điều này cho thấy đây có khả năng là một đợt luyện quân của Trung Quốc.

 3- Tờ “Nihon Keizai Shimbun” (Thông tin kinh tế) cho rằng tiến hành khiêu khích Nhật Bản cho thấy thái độ cứng rắn của lãnh đạo Trung Quốc nhằm răn đe Nhật Bản sau khi ông Abe tiến hành cải tổ nội các, nhất là đưa bà Inada Tomomi làm Bộ trưởng Quốc phòng mà Trung Quốc cho rằng bà Tômomi có thái độ rất cứng rắn chống Trung Quốc còn hơn cả Thủ tướng Abe và những nhân vật cánh tả khác ở Nhật Bản. Sau khi lên làm Bộ trưởng, rất có thể bà sẽ dẫn Đoàn quan chức Nhật tới viếng đền Yasukuni và áp dụng chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Bởi vậy, đây là biện pháp răn đe ngăn chặn trước.

 Trong bài “Đông Hải lại nổi cơn phong ba, vì sao Trung Quốc áp dụng thái độ này với Nhật?”, báo chí Hồng Kông ngày 8/8/2016 đưa ra ba nguyên nhân:

– Một là, trả đũa Nhật Bản là nước ngoài cuộc nhưng thời gian qua đã rất hăng hái lên án Trung Quốc ở Biển Đông, tiếp đó là công bố “Sách trắng phòng vệ” nhắm vào Trung Quốc, trong khi đó nội các mới có nhiều khuôn mặt chống Trung Quốc xuất hiện. Việc ông Abe đưa bà Inada Tomomi làm Bộ trưởng quốc phòng cho thấy phải cứng rắn ở Nhật Bản đang thắng thế. Nên đây là hành động vừa trả đũa vừa răn đe.

– Hai là, tiến hành khiêu khích với Nhật Bản ở Đông Hải để tạm thời gác vấn đề Biển Đông vừa bị cô lập và phải nhượng bộ. Sự nhượng bộ của Trung Quốc trong Hội nghị ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc thời gian qua ở Viêng Chăn không có nghĩa là Trung Quốc ngừng lấn chiếm ở Biển Đông mà tranh thủ thời gian chuẩn bị thêm để tiếp tục lấn tới.

– Ba là, đánh lạc hướng theo chiêu “giương đông kích tây” đối với dư luận thế giới. Thực tế hiện nay Trung Quốc đang chuẩn bị có hành động xây sân bay lớn ở đảo Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham để không chế Philippin và Mỹ. Hẳn dư luận thế giới còn nhớ hồi tháng 5/2014 khi Trung Quốc đưa “Giàn khoan 981” vào Việt Nam không phải để thăm dò và khai thác dầu khí mà chủ yếu đánh lạc hướng dư luận về việc Trung Quốc đang tiến hành xây cất đảo nhân tạo và căn cứ quân sự ở Trường Sa. Khiêu khích Nhật Bản ở Đông Hải để che mắt dư luận về những hành vi sắp tới ở Biển Đông.

Ngoài ra, báo chí các nước cho rằng G20 do Trung Quốc lần đầu tiên đăng cai sắp họp vào tháng 9/2016 ở Hàng Châu, việc khiêu khích Nhật Bản để làm dịu dư luận lên án Trung Quốc ở Biển Đông trong Hội nghị này. Dư luận báo chí các nước còn chỉ rõ, thời điểm Trung Quốc khiêu khích Nhật Bản đúng vào lúc cả thế giới đang chăm chú theo dõi Lễ khai mạc Olympic – 2016 nhằm bịt mắt dư luận các nước./.

Kiều Tỉnh

 

 

 

 

 

Nguồn: Báo Tầm Nhìn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook