Một người thông minh không phải là người luôn biết mình cần nói gì, mà còn phải biết lúc nào thì nên im lặng.
Bạn đã từng bao giờ tiến rất gần tới thành công, nhưng chỉ vì một phút lỡ miệng mà tất cả công sức đều đổ xuống sông xuống bể? Thay vì hối hận khi việc đã rồi, dưới đây là 10 thời điểm giữa các cuộc đàm phán, tranh luận hay thậm chí cả những cuộc hội thoại hàng ngày, mà im lặng thực sự là vàng.
1. Khi đối phương bắt đầu mâu thuẫn với các lập luận của bản thân
Im lặng để đợi đối phương bị đánh bại bởi chính lập luận của mình.
Nhiều người rơi vào vòng luẩn quẩn do chọn chiến lược tranh luận sai lầm. Họ bắt đầu một đằng nhưng kết thúc một nẻo, nhiều khi tự tìm ra điểm bất hợp lý và từ chối lời đề nghị của chính mình. Giống như trường hợp một khách hàng mở đầu cuộc đàm phán bằng cách nói rằng anh ta rất thông cảm lí do bạn không thể giảm giá hàng, sau đó yêu cầu một khoản chiết khấu nhỏ hơn. Thậm chí, anh ta còn tự thuyết phục bản thân rằng mức chiết khấu đó vẫn là quá nhiều.
Trong tình huống này, bước đi khôn ngoan nhất của bạn chính là im lặng và để đối phương tự sập bẫy do chính anh ta giăng ra.
2. Khi bạn vừa đặt một câu hỏi
Đừng thúc giục đối phương đưa ra câu trả lời ngay, cũng đừng hấp tấp tự trả lời câu hỏi của mình.
Có nhiều người đưa ra câu hỏi nhưng lại rất nôn nóng, chỉ chờ đối phương trả lời cho xong để họ có thể nhanh chóng nêu ra ý kiến của mình. Nhiều khi họ còn không thèm chờ đợi mà hối thúc bạn trả lời bằng cách chêm vào vài từ tỏ ý tán đồng – “Ừ ừ, đùng, đúng đúng rồi…”
Khi họ xin bạn lời khuyên, thực chất ý họ là, “Hãy tua nhanh đến đoạn tôi bảo bạn phải làm gì đi nào!” Đừng giống như họ. Tương tự như câu nói của ngôi sao bóng chày huyền thoại Yogi Berra: “Bạn sẽ học được rất nhiều bằng việc quan sát”, bạn cũng có thể học được rất nhiều từ việc lắng nghe.
3. Khi đối phương đang sai (và bạn không có nghĩa vụ phải cho họ biết)
Đối phương đang đi sai hướng, bạn không có nghĩa vụ phải nói cho họ biết điều đó.
Một luật sư từng kể cho tôi về phi vụ bán lại công ty của thân chủ cô. Nói một cách ngắn gọn thì (giới luật sư rất thích lối diễn đạt này) công cuộc đàm phán diễn ra thuận lợi hơn nhiều so với cô tưởng tượng. Cuối cùng, cô phát hiện ra lí do là bởi một gã nhân viên trẻ đầy triển vọng có bằng MBA của bên mua đã làm sai một phép tính đơn giản, khiến giá trị ước tính đạt được của phi vụ này bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với thực tế.
Người luật sư cảm thấy lo lắng, cho đến khi cô nhận ra điều cô nên làm trong tình huống này là: không nói gì hết. Bằng cách đó, cô vẫn không vi phạm trách nhiệm của một luật sư là đưa thông tin sai lệch cho bên mua, đồng thời cũng không phá hỏng giao dịch của thân chủ. Bài học rút ra tại đây là không phải lúc nào bạn cũng có nghĩa vụ sửa chữa lỗi sai của kẻ khác.
4. Khi bạn không hiểu vấn đề mà mình đang nói.
Hãy tiếp tục nếu bạn tin rằng mình vẫn còn kiểm soát được những gì mình đang nói.
Sự im lặng khiến tất cả trở nên nặng nề và ngột ngạt. Chính vì vậy, chúng ta thường vội vàng tìm cách nói gì đó để phá vỡ không gian tĩnh lặng. Một luật sư chuyên bào chữa các vụ án dân sự chia sẻ anh thường tận dụng tâm lý này của con người trong khi lấy lời khai. Dù có vẻ như nhân chứng đã trả lời xong, anh vẫn làm ra vẻ chờ đợi, như thể hiển nhiên là câu trả lời kia là vẫn chưa đầy đủ. Cứ thế, nhân chứng tiếp tục nói và tự đào hố chôn mình.
Ban không bao giờ phải cố gắng phá vỡ sự im lặng, nhất là khi bạn không biết mình nên nói gì. (Đặc biệt là trong những trường hợp mỗi lời bạn nói đều có thể là chứng cớ chống lại bạn như thế này.)
5. Khi bạn muốn người khác nhận trách nhiệm
Đừng nói gì nếu bạn không muốn bị dính líu đến vụ này.
Tổng thống Mĩ Truman đã từng nói rằng thành công sẽ đến với những người không câu nệ việc ai được tôn vinh. Thay vì đấu tranh đến cùng để bảo vệ ý kiến, nhiều khi nếu bạn im lặng đủ lâu, người khác sẽ cân nhắc tới phương án của bạn và tự đề xuất nó.
6. Khi bạn đang khoe khoang
Chia sẻ khác với khoe khoang, đừng kết thúc mọi cuộc đối thoại với câu chuyện của mình bạn nhé!
Đăng nhập vào bất kì mạng xã hội nào, bạn cũng sẽ ngập tràn trong hình ảnh những món ăn ngon, những kì nghỉ thú vị và những câu chuyện tình yêu lãng mạn như trong phim của bạn bè bạn.
Đó đơn giản chỉ là những chia sẻ về cuộc sống hàng ngày hay là hành vi khoe mẽ? Nếu bạn cảm thấy mục đích mình cập nhật mạng xã hội nghiêng về lí do thứ hai, có lẽ đã đến lúc bạn nên yên lặng.
7. Khi lời nói của bạn không xuất phát từ sự chân thành
Đừng nên nói gì nếu những gì bạn nói không xuất phát từ trái tim.
Một người đồng nghiệp của bạn đang rất háo hức về kế hoạch đi nghỉ cuối tuần. Trước khi chạy tới khuyên cô ấy nên đến nơi này thích hợp hơn, hoặc nên đi vào một thời điểm khác, khi thời tiết đẹp hơn, đường xá bớt tắc hơn hay khi cô ấy rảnh rỗi hơn… bạn nên chắc chắn rằng những điều trên xuất phát từ việc bạn thực lòng mong cô ấy sẽ có một kì nghỉ tuyệt vời, chứ không phải do ghen tị hay tự ái cá nhân.
8. Khi bạn muốn người khác trở nên tốt hơn
Im lặng đôi khi cũng là một cách giúp đỡ.
Nếu trong gia đình bạn có một đứa bé đang học tiểu học, rõ ràng bạn có thể giúp nó làm bài tập trong nháy mắt mà không tốn chút sức lực nào. Nhưng làm vậy thì được lợi ích gì? Bạn cần phải để đứa bé tự nghĩ ra đáp án thì nó mới có thể hiểu và ghi nhớ được.
Điều này cũng áp dụng cho nhiều trường hợp khác. Thay vì ngay lập tức trả lời một câu hỏi mà bạn biết chắc lời giải, nhiều khi bạn lại cần lui lại và để người khác tự nghĩ ra câu trả lời.
9. Khi bạn không có duyên kể chuyện
Đừng để bản thân muối mặt vì những câu chuyện thiếu muối của chính mình, im lặng có khi lại khiến người ta lại nghĩ rằng bạn nguy hiểm.
Bạn rất thích kể chuyện. Bạn có thể chia sẻ hàng trăm câu chuyện trên trời dưới bể, từ việc bạn đã gặp người yêu hiện tại như thế nào, đến sáng nay con mèo nhà bạn ăn gì cho một người xa lạ vừa mới gặp cách đây không lâu. Tuy nhiên ngay cả khi đang say sưa kể, bạn vẫn nhận thấy người kia có vẻ xao nhãng và không tập trung lắm. Đó chính là dấu hiệu họ không hề có hứng thú với câu chuyện của bạn. Lúc này, bạn nên nhanh chóng kể tới đoạn kết và chấm dứt việc lải nhải tại đây.
10. Khi bạn bắt đầu một bài diễn thuyết
Một khoảng lặng dài bất thường lại có tác dụng thu hút sự chú ý của đám đông đấy, hãy thử xem!
Hãy thử bắt đầu bài phát biểu bằng một khoảng lặng dài bất thường. Điều này sẽ khiến người nghe cảm thấy lo lắng thay cho bạn. Liệu có phải bạn đã quên sạch những gì đã chuẩn bị? Bạn sắp sửa rơi vào cơn hoảng loạn? Chính lúc ấy bạn cất tiếng nói, và ít nhất vài người trong đám khán giả kia sẽ thở phào nhẹ nhõm, đồng thời nhiệt tình cổ vũ bạn hoàn thành thật tốt bài diễn thuyết của mình. Mánh lới này của Winston Churchill đặc biệt hữu ích khi bạn đang phải tranh luận trước đám đông và cần sự ủng hộ của người nghe.
Tham khảo Mashable
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.