Trẻ chán ăn (hay còn gọi là chứng biếng ăn) thường là mối quan tâm, lo lắng của các vị phụ huynh.
Sự lo lắng này đôi khi thái quá vì người lớn thường kỳ vọng nhiều vào sự ăn uống của trẻ và đôi khi chúng ta ép chúng ăn quá nhiều để hy vọng tăng cân, chóng lớn.
Khi nào chán ăn trở thành bệnh lý?
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu trẻ phát triển bình thường, hoạt động nhanh nhẹn, không bị sút cân, cơ thể không quá gầy yếu thì nhu cầu ăn phụ thuộc vào sự tiêu hao năng lượng của cơ thể trẻ. Những đứa trẻ năng động, hoạt bát, chạy nhảy nhiều sẽ tự giác ăn uống mà không cần thúc ép vì bản thân sự tăng trưởng và hoạt động của trẻ đã tiêu hao rất nhiều năng lượng và nguồn này chỉ có thể bổ sung qua thức ăn.
Tình trạng chán ăn ở trẻ chỉ đáng quan tâm khi trẻ có thay đổi về cảm xúc, tâm lý như lo lắng, cô đơn, trầm cảm… khiến cho trẻ ăn không ngon miệng, không thích ăn, chán ăn… Ngoài ra, cần xem xét cụ thể các trường hợp trẻ chán ăn do mắc một bệnh lý thực thể nào đó liên quan đến đường tiêu hóa và có biểu hiện sinh lý như buồn nôn, nôn, đi ngoài, rối loạn tiêu hóa, sốt, nhức đầu… Trong những trường hợp đó, cần phải đưa trẻ đi khám bệnh và cần có sự chăm sóc, tư vấn từ thầy thuốc đối với từng bệnh cụ thể.
Nên quan sát tình trạng sức khỏe của trẻ qua các biểu hiện bên ngoài như da và mắt có màu bất thường hay không (ví dụ như vàng da, vàng mắt, da xanh xao do thiếu máu…). Trẻ có tiêu hóa bình thường hay không, tình trạng đi ngoài như thế nào… Những bệnh mạn tính hoặc bệnh nhiễm khuẩn cần phải được loại trừ để chắc chắn rằng tình trạng chán ăn của trẻ không phải do đang dùng một số thuốc gây chán ăn như erythromycin, phenytoin, các kháng histamin… Nếu tình trạng chán ăn kéo dài có thể gây ra những hậu quả xấu như sụt cân, nhão cơ, vết thương lâu lành, trẻ kém năng động.
Vận động nhiều sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn
Một số thuốc hỗ trợ
– Các vitamin và khoáng chất: Nên lựa chọn các dạng bào chế dành riêng cho trẻ con. Các thuốc này hiện nay có rất nhiều loại với nhiều tên biệt dược tùy theo từng hãng sản xuất. Tuy nhiên, cần lưu ý các sản phẩm có uy tín đều có thành phần vitamin B1 (thiamin) và vitamin B12 (cyanocobalamin). Đây là hai vitamin trong nhóm B rất thiết yếu giúp duy trì sự thèm ăn cho trẻ, hỗ trợ tiêu hóa chất bột đường (glucid), thúc đẩy sự tăng trưởng và sự săn chắc các khối cơ. Vitamin B12 có vai trò quan trọng trong sự hình thành và tái sinh hồng cầu, giúp phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt và thúc đẩy sự tăng trưởng ở trẻ. Ngoài ra, cần cho trẻ sử dụng thêm vitamin C (ascorbic acid) là một vitamin thiết yếu rất cần thiết cho sự tăng trưởng. Hiện nay, các sản phẩm phối hợp vitamin và khoáng chất có bán trên thị trường thường là dạng viên nang mềm hoặc dạng thuốc dung dịch giúp trẻ dễ uống.
– Thuốc kích thích ngon miệng: Hay dùng các sản phẩm có chứa hoạt chất gây gia tăng thèm ăn như buclizine vafpizotifen. Tuy nhiên, cần chú ý các tác dụng phụ của hoạt chất này như gây an thần, buồn ngủ, giảm tỉnh táo, tình trạng bồn chồn hoặc gây táo bón. Đây là các thuốc chỉ sử dụng cho trẻ khi có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa nhi. Không tự ý dùng thuốc nếu không thực sự cần thiết. Các chế phẩm bán ra thị trường cũng thường phối hợp các hoạt chất trên với thiamin, các vitamin khác và cả khoáng chất để kích thích thèm ăn ở trẻ, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng và vitamin cho trẻ. Cần tuân thủ chặt chẽ số lần dùng và liều lượng phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Ngoài các biện pháp dùng thuốc, cần chú ý thay đổi món ăn để giúp trẻ ăn ngon, thích ăn. Chia nhỏ bữa ăn của trẻ, không nhồi nhét, cho ăn đủ chất, thay đổi khẩu phần để bữa ăn phong phú, không gò ép nếu trẻ không thích một món ăn nào đó. Khuyến khích trẻ ăn các loại trái cây, rau quả phù hợp. Các loại hoa quả như nho, dứa, đu đủ, chuối, cà rốt rất tốt cho trẻ. Cho trẻ uống đủ nước. Sử dụng thêm một số sản phẩm tự nhiên như mật ong theo hướng dẫn. Thay đổi môi trường cũng là biện pháp tốt giúp trẻ thèm ăn. Nên thường xuyên cho trẻ tham gia các trò chơi vận động phù hợp, đi dã ngoại để trẻ tiêu hao năng lượng và sẽ thèm ăn nhiều hơn.
DS. Nga Quỳnh Anh
Trích nguồn từ suckhoedoisong.vn
Chưa có bình luận.