Sau khi đánh rơi ví tiền bên trong có giấy tờ và số tài sản đáng giá cả tỷ đồng, khổ chủ hốt hoảng đi trình báo cơ quan công an. Đúng lúc này, chị lại nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông nói rằng anh ta đã nhặt được chiếc ví và hẹn gặp nhau tại… nhà nghỉ.
Nghi ngờ người đàn ông đó gài bẫy đe dọa tống tiền hoặc gây khó dễ cho khổ chủ, lực lượng công an đã lên kế hoạch mật phục xung quanh điểm hẹn đề phòng chuyện bất trắc. Quan sát từ đằng xa, khi thấy khổ chủ và người đàn ông lạ mặt có hành động như giằng co đưa đẩy, các trinh sát đã lập tức ập vào can thiệp. Nào ngờ…
Mất của còn bị “tống tiền”
Khoảng 16h ngày 23/3, Công an phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) nhận được trình báo của chị Phạm Ngọc Minh Thư (SN 1984) về việc mất chiếc ví. Theo lời khai của chị Thư, khoảng 15h cùng ngày, chị Thư đến tiệm may Ngân Vy (số 288, đường Ngũ Hành Sơn) để lấy chiếc áo dài. Lấy áo xong, chị Thư chạy xe về nhà cách đó khoảng 3 km. Về đến nhà, chị Thư hốt hoảng khi phát hiện ví tiền của mình đã mất, trong túi có 15,5 triệu đồng tiền mặt, một điện thoại iPhone 5S, CMND, đăng ký xe, thẻ ngân hàng, thẻ ứng tiền thông minh có tài khoản 30 triệu và 2 cuốn sổ tiết kiệm với số tiền 1,3 tỷ đồng. Ngay lập tức, chị Thư gọi vào máy di động của mình thì không liên lạc được.
Cùng lúc trình báo công an, chị Thư báo tin cho chồng thì anh này cho biết cũng vừa điện thoại vào số của chị Thư nhưng không ai nghe máy, sau đó lại có một thanh niên điện thoại cho anh đề nghị gặp chị Thư. Ngay lập tức, chị Thư điện thoại lại gặp người thanh niên kia thì anh ta cho biết đã nhặt được ví của chị. Anh ta còn hẹn chị đúng 19h đến “nhà nghỉ Sao Mai ở đường Mân Thái” để nhận lại tài sản.
Chân dung chàng sinh viên nghèo nhặt được ví tiền.
Từ thông tin chị Thư cung cấp, Công an phường Mỹ An kiểm tra thì phát hiện ở Đà Nẵng có đến 4 nhà nghỉ Sao Mai và không có “đường” Mân Thái (chỉ có “phường” Mân Thái). Điện thoại cho thanh niên kia thì lại không liên lạc được. Điều này khiến cơ quan công an nghi ngờ kẻ xấu nhặt được túi rồi dàn cảnh để cướp hoặc đòi tiền chuộc nên đã lên phương án đấu tranh: Một mặt đề nghị chị Thư làm như lời hẹn của người đàn ông; một mặt bố trí lực lượng bí mật theo sát để xử lý tình huống bất trắc.
Hơn 3 giờ đồng hồ chờ đợi, thanh niên nhặt được ví tiền điện lại cho chị Thư và thông báo rõ địa chỉ gặp nhau là nhà nghỉ Sao Mai 2 nằm trên địa bàn phường Mân Thái. Lực lượng công an và chị Thư càng lo lắng hơn khi nhà nghỉ Sao Mai 2 này nằm ở khu vực Trường Dạy nghề số 5, nơi có tình hình an ninh phức tạp. Vì thế, Công an phường Mỹ An đề nghị Công an phường Mân Thái phối hợp.
Để tránh “đối tượng” phát hiện, các cảnh sát hình sự mặc thường phục vào nhà nghỉ đóng giả làm người say rượu cần chỗ nghỉ qua đêm. Trong khi đó, chồng chị Thư thì chạy xe máy lượn qua lượn lại trước nhà nghỉ giả vờ như đang đi tìm “gái”. Vòng ngoài, một tốp công an mặc sắc phục chờ sẵn. Sau khi toàn lực lượng đã vào vị trí tác chiến thì chị Thư bắt đầu chạy xe đến điểm hẹn…
Sau khi chị Thư vào nhà nghỉ Sao Mai 2 và gọi điện, một người thanh niên từ trong bước ra gặp và trao đổi với chị Thư. Được một lúc, chuông điện thoại của chị Thư vang lên. Đó là cuộc gọi của một cán bộ công an vì thấy chị Thư trao đổi với thanh niên khá lâu nên điện hỏi thăm tình hình. Đáp lại, chị Thư chỉ ậm ừ vâng dạ rồi tắt máy. Lúc này các chiến sĩ công an bắt đầu thấy căng thẳng.
Mấy phút sau, lực lượng công an mai phục thấy người thanh niên đưa túi xách cho chị Thư, chị mở ra kiểm tra rồi cầm xấp tiền đưa cho người thanh niên, cả hai lại như giằng co, đưa đẩy qua lại. Thấy tình hình có vẻ “cấp bách”, các chiến sĩ công an ập vào với chiếc còng số 8 trên tay để bắt quả tang “kẻ tống tiền”.
Nhưng điều lực lượng công an không ngờ tới, trong khi “đối tượng” đang tròn mắt ngạc nhiên thì khổ chủ lại rối rít phân bua rằng các anh đã bắt nhầm người. Để làm rõ nội tình, cơ quan công an mời cả 2 người về trụ sở để làm việc. Tại đây, chị Thư trình bày, sau khi gặp nhau, người thanh niên hỏi tên, địa chỉ, rồi đối chiếu khuôn mặt chị với ảnh trên CMND. Xác định đúng chị Thư là người mất tài sản, người thanh niên liền trả lại chiếc ví cho chị.
Nhận lại ví tiền, chị Thư mở ra kiểm tra thì thấy toàn bộ tài sản, giấy tờ trong ví còn nguyên không mất thứ gì. Chị Thư chưa kịp nói câu nào thì người thanh niên đã trách: “Sao chị sơ ý thế!
Trong này em thấy hơn 15 triệu đồng, điện thoại đắt tiền, 2 sổ tiết kiệm hơn cả tỷ đồng. Lỡ mất thì làm sao?”. Vui mừng vì nhận lại đầy đủ tài sản, chị Thư cảm ơn rối rít, đưa tiền hậu tạ nhưng anh này một mực từ chối dẫn đến việc đưa qua đẩy lại, khiến các chiến sĩ trinh sát hiểu lầm nên lập tức ập vào.
Người thanh niên tốt bụng đó là Lê Doãn Ý (SN 1992, tạm trú đường Nguyễn Văn Thoại, TP.Đà Nẵng) – sinh viên trường Đại học mở Hà Nội tại Đà Nẵng. Chiều hôm đó, Ý trên đường đi thăm bạn ở phường Bắc Mỹ An thì nhặt được một chiếc ví đánh rơi. Mở ví ra thấy điện thoại di động, Ý định mở ra tìm cách liên lạc với khổ chủ nhưng máy cài mật khẩu nên không mở được. Do không biết sử dụng máy iPhone nên trong lúc thao tác Mỹ đã làm tắt máy.
Sau khi bật được máy lại thì Mỹ thấy có cuộc gọi đến nên đã lấy điện thoại của mình gọi vào số kia (vì điện thoại của chị Thư không gọi đi được). Qua nói chuyện Mỹ biết người vừa gọi là chồng của chủ nhân chiếc ví nên đã hẹn gặp để trả tài sản.
Tuy nhiên vì lúc đó Ý phải đi lễ nhà thờ nên đã hẹn gặp vào lúc 19h tại nhà nghỉ Sao Mai 2 (nơi Ý làm việc) để trả lại ví, chính điều đó đã gây nên vụ hiểu lầm hy hữu kể trên.
Chàng sinh viên tốt bụng
Niềm vui vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt, chị Thư mở đầu câu chuyện với phóng viên bằng một lời tán dương: “Người tốt như em ý cả ngàn người mới có một”. Chị Thư vốn là cán bộ phòng công tác sinh viên của một trường cao đẳng. Số tiền chị đánh rơi hôm trước là mồ hôi công sức vợ chồng chị chắt chiu dành dụm bao năm để mua đất làm nhà. Từ khi chị đánh rơi chiếc ví cho đến lúc gặp Ý và được trả lại, không chỉ hai vợ chồng chị mà cả lực lượng Công an phường Mỹ An ai nấy đều trải qua biết bao bất ngờ.
Để tìm hiểu thêm câu chuyện, chúng tôi đã gặp chàng sinh viên tốt bụng Lê Doãn Ý. Khi chúng tôi hỏi nhặt số tài sản lớn như vậy em có nghĩ gì không? Ý thật thà: “Thiệt với chị là trong tích tắc vài giây ban đầu em cũng muốn giữ lại. Nhưng rồi em nghĩ, người mất họ đang rất buồn và lo lắng, đó là tài sản, là cuộc sống của họ, rồi em tự nhủ phải làm đúng lương tâm…”.
Được biết, Ý sinh ra ở Hà Tĩnh nhưng theo gia đình vào sinh sống tại tỉnh Gia Lai 13 năm nay. Cha mẹ Ý làm nông, lúc nông nhàn cha Ý đi làm xây dựng cho các công trình, mẹ Ý đi làm giúp việc để có tiền lo cho chị em của Ý đang học đại học. Cách đây hơn 2 năm, người anh cả của Ý bị tai nạn qua đời, để lại hai đứa con nhỏ, thế là ba mẹ Ý phải gánh thêm 2 cháu nội.
Thương cha mẹ khó nhọc, Ý phải đi làm thêm để tự trang trải chi phí học tập. Khoảng 3 tuần nay Ý được nhận vào làm lễ tân ở nhà nghỉ Sao Mai 2, làm từ 19h tối đến 7h sáng hôm sau, thu nhập mỗi tháng cũng được hơn 3 triệu đồng.
Với số tiền đó, Ý luôn phải sống tiết kiệm không dám tiêu xài, ăn cơm ngày hai bữa. Những lúc kẹt tiền, Ý phải ăn mì tôm thay cơm. Dù nghèo khó nhưng nhặt được của rơi Ý vẫn không nảy lòng tham mà tìm cách trả lại người mất. Đây là nghĩa cử cao đẹp cần được phát huy và nhân rộng trong đời sống xã hội hôm nay.
Video: Trẻ em Nhật Bản sẽ làm gì khi thấy ví tiền rơi
Theo ngamplus.net
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.