Vừa qua Sở y tế Tp. Hồ Chí Minh có triển khai quy trình phản ứng nhanh trong cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch: Quy trình báo động đỏ liên viện. Phóng viên Báo Sức khoẻ& Đời sống đã trao đổi với TS. BS. Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết, nội dung, mục đích triển khai Quy trình báo động đỏ liên viện ?
TS. BS. Tăng Chí Thượng : Qua thực tiễn cho thấy, một số bệnh viện đã triển khai thành công Quy trình báo động đỏ nội viện, nhưng còn không ít bệnh viện “lực bất đồng tâm” trong nỗ lực cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch vì năng lực chuyên môn kỹ thuật khác nhau giữa các tuyến và BV không có chuyên khoa cần can thiệp. Mục đích của Quy trình báo động đỏ liên viện nhằm huy động tối đa sự hỗ trợ nguồn lực trong thời gian ngắn nhất có thể được để hỗ trợ cấp cứu người bệnh.
PV: Là người đầu tiên đưa ra sáng kiến về quy trình báo động đỏ tại Việt Nam, ông có thể cho biết nguồn gốc của việc áp dụng quy trình này được không?
TS.BS Tăng Chí Thượng: Xuất phát từ thực tiễn từ lúc là Bác sĩ điều trị tại khoa Cấp cứu rồi làm quản lý bệnh viện đã tận mắt chứng kiến những người bệnh tử vong mặc dù các bác sĩ của khoa đã cố gắng hết mình trong cấp cứu hồi sức chờ ổn định tương đối sinh hiệu mới được đưa lên phòng mổ theo yêu cầu của các bác sĩ gây mê và phẫu thuật. Xuất phát từ chuyến tham quan, học tập tại Bệnh viện Nhi Melbourne, Úc: họ có hệ thống báo động cấp cứu những bệnh nhân trở nặng để huy động khẩn cấp các bác sĩ của bệnh viện đến phối hợp cấp cứu người bệnh. Qua đó, tôi bàn bạc với Ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 lúc bấy giờ, nên chăng bệnh viện có một quy trình “báo động đỏ”, khi đó mọi công việc của các khoa phòng liên quan đều tạm ngưng lại và tập trung mọi nguồn lực cho người bệnh cần can thiệp trong tình trạng nguy kịch.
TS. BS. Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh
PV: Các bệnh viện cần có điều kiện gì để tham gia được được quy trình này, thưa ông?
TS. BS. Tăng Chí Thượng: Điều kiện duy nhất là nắm vững và triển khai đúng những hướng dẫn do Sở y tế ban hành. Trong đó, các bệnh viện phải thiết lập “Quy trình báo động đỏ nội viện” là điều kiện không thể thiếu, phổ biến rộng rãi cho nhân viên biết, tổ chức diễn tập tình huống để khi gặp trường hợp cần báo động đỏ thì triển khai phối hợp nhịp nhàng.
PV: Xin ông chia sẻ về quy trình xử trí liên viện khi có báo động đỏ?
TS. BS. Tăng Chí Thượng: Điều quan trọng là uỷ quyền cho bác sĩ trực được phép kích hoạt quy trình báo động đỏ. Đối với Sở Y tế: uỷ quyền cho các bệnh viện trưởng ê kíp trực được phép kích hoạt báo động đỏ liên viện mà không cần xin ý kiến Sở y tế, đối với bệnh viện thì Giám đốc bệnh viện uỷ quyền cho bác sĩ trực cấp cứu được kích hoạt báo động đỏ nội viện mà không cần xin ý kiến trực lãnh đạo bệnh viện.
PV:Xin ông cho biết báo động đỏ liên viện cần sự phối hợp công tác cấp cứu của bao nhiêu viện? Đầu mối điều hành như thế nào?
TS. BS. Tăng Chí Thượng: Qua thực tiễn, Sở y tế thấy trước mắt cần triển khai Quy trình báo động đỏ liên viện cho những trường hợp đa chấn thương, nguyên nhân thường gặp là tai nạn giao thông, kế đến là các biến chứng sản khoa hay gặp cần can thiệp hồi sức và phẫu thuật khẩn cấp như băng huyết sau sanh. Do đó, với danh sách 39 bác sĩ tham gia can thiệp hỗ trợ là các bác sĩ chuyên khoa về hồi sức, ngoại khoa, sản khoa của các bệnh viện đầu ngành của thành phố như: bệnh viện Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Từ Dũ, BV Hùng Vương và BV truyền máu, huyết học. Tuy nhiên, khi cần các chuyên gia của các chuyên khoa khác, Sở y tế cũng yêu cầu các bệnh viện khác sẵn sàng hỗ trợ.
Trong Quy trình báo động đỏ liên viện mà sở y tế đã ban hành, sở y tế đã uỷ quyền trực tiếp cho các lãnh đạo BV liên quan điều hành. Sở y tế sẽ giám sát và tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi trường hợp, không chờ có trường hợp thực tế mới rút kinh nghiệm mà Sở y tế sẽ tổ chức diễn tập tình huống để rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
PV:Theo đánh giá của ông, với quy trình báo động đỏ liên viện liệu có nhân rộng ra các tỉnh thành được không?
TS. BS. Tăng Chí Thượng: Chúng tôi hy vọng quy trình báo động đỏ liên viện sẽ phát huy tác dụng hơn nữa trong cứu sống người bệnh trong tình trạng nguy kịch cần can thiệp điều trị khẩn cấp. Đây là một quy trình phối, kết hợp nhằm phát huy tối đa nguồn lực các bệnh việnh trong cứu người mà không đòi hỏi phải trang bị thêm nguồn lực, do đó theo tôi hoàn toàn có thể nhân rộng ở các địa phương khác.
PV: Thưa ông, những khó khăn khi triển khai Quy trình báo động đỏ liên viện?
TS. BS. Tăng Chí Thượng: Khó khăn duy nhất mà chúng tôi dự báo trước là sự phối nhịp nhàng giữa các ê-kíp bác sĩ của các BV trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, điều này sẽ giải quyết được khi chúng tôi ra tình huống diễn tập.
PV: Xin ông cho biết:Quy trình báo động đỏ liên viện người bệnh được hưởng lợi như thế nào? Có tăng về chi phí điều trị không?
TS. BS. Tăng Chí Thượng: Quy trình báo động đỏ liên viện được hình thành xuất phát từ mong muốn cứu sống những trường hợp nguy kịch quá khả năng chuyên môn kỹ thuật của một bệnh viện, mà trước đây gần như không thể cứu được mặc dù bệnh viện đã nỗ lực tối đa. Chi phí điều trị hoàn toàn không thay đổi.
PV: Trân trọng cảm ơn Ông!
Quy trình báo động đỏ cho phép huy động cùng lúc nhiều bác sĩ của các bộ phận liên quan, cùng nhau tập trung cứu chữa một bệnh nhân trong thời gian cực ngắn. Và chỉ trong 5-10 phút, sinh mạng của bệnh nhi có thể sẽ được cứu sống. Những trường hợp nguy cấp, nhập viện trong tình thế thập tử nhất sinh, chảy máu ồ ạt, không đo được mạch và huyết áp… là đối tượng được xếp vào dạng báo động đỏ. Tính tới nay, có ít nhất 10 bệnh nhi “thập tử nhất sinh”được cứu nhờ quy trình báo động đỏ này, trong đó có những em bé đã “nổi tiếng”, được dư luận quan tâm trong thời gian qua như: bé Dương Minh Phát – em bé bị dao đâm xuyên trán, bé Nguyễn Quốc Huy – em bé bị văng khỏi bụng mẹ… |
Khánh Mai ( thực hiện)
Nguồn: SKDS
Chưa có bình luận.