Khi con bị cô giáo đánh, tôi không tập trung “xử lý cô” mà chỉ lo “xử lý cảm xúc” của con mình.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Thu Hà, một nhà báo, bà mẹ có hai con đang sống tại TP HCM về cách chị giúp con rèn nội lực để ứng phó với các tình huống không mong đợi ở trường học.
Nếu không ép con học sớm, học thêm, rồi con bị điểm thấp, bị cô giáo đánh, mắng, thì sao? Con thua thiệt các bạn, con cá biệt trong lớp, con sẽ tự ti, sẽ mặc cảm, sẽ chán học thì sao?
Đọc bình luận sau mấy bài về chuyện học của con, tôi thấy nhiều bạn kêu rằng: Không thể làm được đâu, Bộ giáo dục thế này, xã hội Việt Nam thế kia, rồi giáo viên bây giờ thì… Trước hết, xin nói ngay là Xu, Sim nhà tôi từ mẫu giáo tới lớp 3 đều học trường công lập, lớp cũng trên 40 học sinh, hầu hết các bạn trong lớp cũng đều học trước và học thêm. (Xu lên lớp 4 mới chuyển sang trường tư).
Cô giáo của Xu, Sim có thiên vị không? Có chứ. Xu, Sim có bao giờ bị điểm kém một cách oan ức? Có ạ! Xu, Sim có bao giờ bị cô phạt và đánh đòn không? Có luôn!
Tôi từng học một chuyên gia tâm lý ở Mỹ về, chị ấy nói, nếu cô giáo đánh con mình, hãy kiện lên hiệu trưởng. Nếu hiệu trưởng không nghe, hãy kiện lên trưởng phòng giáo dục, nếu trưởng phòng không nghe, hãy kiện lên Sở giáo dục, rồi kiện lên Bộ trưởng Bộ giáo dục.
Tôi không làm vậy được, một mình 2 con, tôi không làm con kiến để kiện củ khoai được. Tôi không thể bỏ việc để chạy khắp nơi hầu kiện rồi chuyển trường cho con liên tục. Mà con phải lớn lên mỗi ngày.
Ảnh minh họa: Indiatvnew. |
Tôi chọn cách phù hợp với chính mình. Tôi từng chia sẻ trên Facebook về một lần Xu và bạn trêu chọc rồi đánh nhau. Lúc đó đã hết giờ học nên cô dọa sẽ đánh Xu vào buổi học hôm sau. Tối đó, Xu khóc lóc rất thảm thiết. Tôi ôm Xu, đồng ý rằng đúng là vụ này đáng lo thật. Tôi mang khăn ra cho Xu lau nước mắt, và bày cho Xu gọi điện thoại hỏi một cô bạn thân của tôi. Tôi ngồi cạnh Xu, nghe lỏm cô ấy xử lý rất kỹ từng cảm xúc một:
– Con đã bị cô đánh bao giờ chưa? Con có đau không?
– Khi bị cô đánh trước lớp thì con thấy đau ở tay nhiều hơn hay xấu hổ trong lòng nhiều hơn?
– Nếu con sợ đau ở tay thì khi cô đánh con nên mềm tay ra, sau đó xoa một ít dầu vào cho nhanh hết đau. Con cứ khóc thoải mái nha vì nước mắt sẽ làm vết đau nhanh khỏi hơn, còn cô giáo thấy con khóc thì cô cũng đỡ nóng.
– Nếu vì xấu hổ thì con xấu hổ với cô giáo hay xấu hổ với bạn bè?
– Sau khi con bị đánh, ra chơi các bạn có chơi với con không?
– Có bạn nào khinh thường hay trêu chọc con không? Bạn ấy có bao giờ quên đồ dùng học tập, hay quên học bài không? Ừ, việc của bạn ấy, mà bạn ấy còn quên thì việc bị đánh của con bạn ấy sẽ nhanh quên lắm.
– Bạn nào ít trêu con nhất? Tuần tới con hãy tặng bạn ấy một món quà nhé, ví dụ như cái kẹo, cục gôm, hay cây viết chì chẳng hạn…
Được cô ấy chuẩn bị tới tận răng như thế, được “siêu âm”, “nội soi”, bóc tách từng lớp cảm xúc một cách mạch lạc như thế, nên nếu Xu bị đánh thì cũng chẳng tổn thương quá nhiều nữa.
Hoặc như hôm qua Xu, Sim đi chơi ở ngày hội trẻ thơ, trong trò chơi cờ ca rô, Xu đấu cùng một bạn gái khác. Mẹ bạn ấy đứng phía sau, liêu tục chỉ bài cho con: “Đừng đi ô đó! Đi ô này nè. Không phải! Rồi, đúng rồi!”. Y như rằng, sau một lúc thì Xu bị thua. Cô ta còn lên lớp Xu một chặp, rằng tại sao không đi kiểu abcd… Xu ức quá, khóc òa lên.
Tôi hỏi Xu: “Con bực lắm phải không? Bác ấy chỉ bài cho con mình, như vậy là chơi không công bằng. Con muốn phản ứng với bác không?”, Xu bảo: “Thôi mẹ!”. Sim cũng bảo: “Nói coi chừng người ta đánh!”. Tôi bảo: “Ở đây đông người, chắc là họ không đánh mình được. Với lại quan trọng là thái độ của mình nữa. Bây giờ mẹ làm thử nhé”. Tôi tiến tới bên cô ấy, nói chậm và nhỏ vừa phải: “Chị ơi, trận chơi lúc nãy không công bằng, tôi không chỉ cho con tôi, mà chị lại chỉ cho con chị, con tôi đang rất buồn!”. Cô ấy cãi một hồi. Kệ họ, nói ra được là 3 mẹ con cũng giảm được 30% ấm ức rồi, tôi dắt con đi ra chỗ khác.
Thực ra, để con phân biệt được đúng sai, nhất là nhận thức được rằng cô giáo, bố mẹ, hay người lớn nói chung cũng có lúc sai là một điều khá trái với truyền thống tôn sự trọng đạo của Việt Nam.
Nhưng đã tới lúc phải dạy con điều đó! Nhất là trong thời kỳ này, đầy rẫy những chuyện giáo viên bắt học sinh hôn ghế, cắt quần, giám thị ký tên sai, hay có thầy còn trêu ghẹo sinh viên… Đã đến những lúc phải dám nói “không” với thầy cô, đó là một năng lực con cần phải luyện tập.
Từ phút cắt cái dây rốn, là chấp nhận con mình không thể có một môi trường vô trùng. Làm sao có thể chạy theo con, che chắn bọc lót, bênh vực con sau mỗi câu chửi mắng, hay mỗi lần chấm điểm của cô giáo? Chỉ còn cách duy nhất là dạy con nâng cao nội lực, để chinh chiến với thế giới xung quanh còn nhiều bất công.
Kiểu Mỹ, thấy bất công là đi kiện. Kiểu samurai Nhật, uất ức thì dùng kiếm để rạch bụng. Kiểu phong kiến – quân, sư, phụ – xếp thầy trên cả cha mẹ, lời thầy là khuôn vàng thước ngọc, học sinh nhất nhất phải nghe theo. Nhưng tôi là bà mẹ Việt Nam của những năm 2015 cơ mà. Bạn có biết tính cách nổi bật của dân tộc mình là gì không? Đó là sự linh hoạt. Xài ngay, đừng đợi!
Tại sao chỉ một câu chửi giống nhau, mà người thì buồn một lúc, người thì khóc một tháng, còn có người thì hận hết đời? Tại sao chỉ một kỳ thi trượt, người thì lao đầu vào học để thi tiếp đợt sau, người chán nản buông xuôi, và có người tự tử?
Chúng ta không thể tìm đâu trên thế giới này một trường học mà tuyệt đối không bao giờ gây cho con mình tổn thương. Ở Mỹ cũng có học sinh tự tử, ở Nhật cũng đầy học sinh trầm cảm.
Cuộc đời con còn rất dài, mà không ai biết trước được tương lai sẽ có những chuyện gì. Chỉ còn cách kiên nhẫn và tập trung vào nội lực của con. Tôi tin rằng, không ai có thể múc nước ở giếng của bạn, nếu giếng của bạn không có nước. Đừng làm yếu con mình bằng cách biến con thành một đứa trẻ quá dễ bị tổn thương.
Hãy thực tế! Ta không thể biến nhà mình thành con thuyền để vèo một cái ta chèo chống nó sang những nước có nền giáo dục nhân văn. Ta không thể dạy các giáo viên. Ta chỉ có thể dạy con mình… Ta chỉ có thể thay đổi chính mình. Và chẳng có ai bảo vệ con mình tốt bằng nội lực của chính nó.
Thu Hà
Bài cùng tác giả:
Bà mẹ muốn con học trong nhà tắm vì đói chữ
Tôi đã trốn việc làm mẹ như thế nào
Quả ngọt sau 10 năm cơ cực nuôi con còi cọc
Thành quả bất ngờ của người mẹ dám để con ‘hành xác’
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.