Chiều ngày 16/8, tại Viện Sử học, số 38 Hàng Chuối, Hà Nội đã diễn ra “Tọa đàm về tình hình biển Đông và phán quyết của Tòa Trọng tài” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức. Tọa đàm nhằm thảo luận, đưa ra cái nhìn khách quan, khoa học về tình hình thực tiễn trên Biển Đông cùng cách nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn về phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA).
B
Toàn cảnh Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm có TS Đặng Đình Qúy – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; PGS,TS Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng viện chiến lược, Bộ Công an; TS Lê Qúy Quỳnh – Vụ trưởng Vụ biển, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao; GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS, TS Nguyễn Quang Ngọc-Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển; Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng các chuyên gia, nhà sử học, các thầy giáo cô giáo các trường ĐH và đông đảo cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin.
Ông Đặng Đình Qúy – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại buổi Tọa đàm
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Đặng Đình Qúy – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, biển Đông vẫn đang là khu vực còn nhiều cạnh tranh, bất đồng, mất lòng tin, thiếu thống nhất giữa các nước về giải thích các khái niệm pháp lý, và tồn tại những ranh giới chiến lược chưa rõ ràng, dễ dẫn đến hiểu lầm và xung đột.
“Trong vụ kiện Biển Đông giữa Phillipines với Trung Quốc vừa qua, Tòa Trọng tài đã bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, Theo đó, Tòa đã phán quyết: Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”; Bãi Scarborough là vùng đánh cá chung của các nước trong đó có cả Việt Nam; Trung Quốc đã ngăn cản một cách bất hợp pháp việc ngư dân Philippines theo đuổi sinh kế bằng việc can thiệp vào các hoạt động đánh bắt cá truyền thống tại bãi Scarborough… Đây là thắng lợi của các nước tôn trọng tinh thần thượng tôn pháp luật.”-Ông Đặng Đình Qúy cho biết thêm.
Theo Ông Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng viện chiến lược, Bộ Công an, Biển Đông được nhìn qua 4 khía cạnh: Lịch sử và thư tịch, đối ngoại, pháp lý và chính trị. Theo ông, nghiên cứu về Biển Đông của ta cực kỳ phân tán, hiện nay có 9 nơi nghiên cứu tư liệu nhưng chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Ông Cương đề nghị: “Cần tập trung nghiên cứu thư tịch, đối ngoại, pháp lý và chính trị; coi trọng công tác tuyên truyền về biển đảo, đặc biệt là phải minh bạch thông tin cho người dân…”
Tọa đàm đã tập trung phân tích về tình hình thực tiễn Biển Đông nói chung và hai đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng; về quan điểm của Việt Nam đồng tình hay không đồng tình với phán quyết của Tòa trọng tài. Theo các Đại biểu, trong vấn đề biển Đông, phải đấu tranh dư luận mạnh mẽ để nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Quốc tế.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Chúng ta phải coi trọng hoạt động đối ngoại, bởi đối ngoại quyết định đối nội; cần phải xây dựng sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài; phải tiếp tục củng cố giá trị đã trở thành sức mạnh của cả dân tộc…”. Ông Dương Trung Quốc cũng chỉ ra rằng: “Cái kém của chúng ta là không tạo được sự đồng thuận; tinh thần thượng tôn pháp luật còn yếu…”
GS, Nhà giáo nhân dân Vũ Dương Linh nêu 3 điều băn khoăn: “Lãnh đạo Việt Nam có đối sách rõ ràng về vấn đề Biển Đông với Trung Quốc chưa? Lòng dân thực sự đã yên chưa? Về vấn đề sách giáo khoa có đạt chuẩn trong việc tuyên truyền về biển đảo…”
Theo ông Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: “Nhà nước ta có đầy đủ căn cứ pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa. Chiến lược của Việt Nam với Trung Quốc nhất là vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa đã phản ánh: Lòng dân không yên, niềm tin đang bị xói mòn. Vì vậy, cái cần là phải tạo được niềm tin tuyệt đối trong dân, tuyền truyền trong dân trên tinh thần lợi ích dân tộc.”
Ông Lê kiến nghị: “Phải tổ chức lại các Trung tâm nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa; Trung tâm quản lý thẩm định các hồ sơ, đặc biệt là tư liệu gốc. Đó là những Trung tâm liên kết tập hợp trí tuệ của các chuyên gia giỏi trên toàn quốc.”
Trong buổi Tọa đàm, các Đại biểu đã đưa ra rất nhiều ý kiến, phân tích về tình hình Biển Đông hiện nay, cũng như về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đó không chỉ là tiếng nói khắc khoải, nỗi niềm đau đáu của các nhà khoa học, các chuyên gia sử học mà còn là tiếng lòng của toàn dân về chủ quyền và bình yên của Tổ quốc.
Sau đây là một số hình ảnh trong buổi Tọa đàm:
Sao Huê – Việt Anh
Nguồn: Báo Tầm Nhìn
Chưa có bình luận.