Hôm nay 6/11, lũ trên các sông ở miền Trung tiếp tục lên nhanh, ngang với mức kỷ lục trước đây, nhiều khu vực bị ngập lụt nghiêm trọng.
Trong những giờ qua, khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, đến rất to.
Hiện mực nước hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn (Quảng Nam) đang dao động ở mức đỉnh; sông Kôn (Bình Định) đang lên; sông Đắkbla (Kon Tum) đang dao động ở mức cao. Trong 3-6 giờ tới, lũ hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn sẽ đạt đỉnh, tại Câu Lâu lên mức 5,2m, trên BĐ3 1,2m; tại Hội An lên mức 3,3m, trên BĐ3 1,3m (tương đương mực nước lũ lịch sử năm 2007), sau xuống chậm.
Hình ảnh lũ ở Quảng Ngãi
Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc lên mức 8,0m, trên BĐ3 1,3m; sông Vệ tại trạm Sông Vệ lên mức 6,0m, trên BĐ3 1,5m (tương đương mực nước lịch sử năm 2013).
Ngập lụt diện rộng tiếp tục xảy ra tại Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở vùng biển ngoài khơi bắc và Trung Trung Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh.
Trong ngày hôm nay ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 2-3m. Khu vực Bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động.
Từ hôm nay đến hết ngày 08/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to.
Trước tình hình bão lũ diễn biến phức tạp ở miền Trung, chiều qua ngày 5/11, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp khẩn.
Bộ trưởng lưu ý hồ, các lưu vực sông và vùng trũng từ Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đều ở trạng thái rất nguy hiểm.
“Nguy cơ nhiều lưu vực sông quá sức chịu đựng, ẩn chứa thảm họa. Nếu mưa còn tiếp diễn, thì diện tích ngập tăng lên. Chúng ta không tổ chức công tác ứng phó, ngập úng hạ du thì hậu quả còn nặng nề hơn”, Bộ trưởng nói.
Tại miền Bắc, thời tiết tiếp tục lạnh về đêm và sáng sớm, một số nơi có mưa rào. Thủ đô Hà Nội nhiệt độ thấp nhất từ 19 – 21oC. Nhiệt độ cao nhất từ 24 – 26oC.
TP.HCM ngày nắng gián đoạn. Chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Nhiệt độ cao nhất từ 31 đến 32 độ C. Nhiệt độ thấp nhất từ 24 đến 25 độ C.
TP Đà Nẵng sáng nay khai mạc APEC 2017 nhưng từ ngày 5-11, lũ đã nhấn chìm hàng ngàn nhà dân ở huyện Hòa Vang và các địa phương khác. Trong ảnh: Người dân xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) tất tả chạy lũ. Ảnh: TÂM AN
Cấp độ rủi ro do lũ ở Quảng Ngãi, Quảng Nam sát mức thảm họa. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cử ba đoàn vào miền Trung chỉ đạo ứng phó với kịch bản xấu nhất.
Đến chiều tối 5-11, nước sông ở các tỉnh nêu trên đã phổ biến ở mức báo động 3 và trên mức báo động 3 (mức báo động 4 là vỡ đê điều, hồ đập, không kiểm soát được…).
Mực nước các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục lên.
Mưa to, lũ lớn kèm sạt lở, nguy cơ sạt lở đất đá ở miền núi. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3; riêng Quảng Nam, Quảng Ngãi: cấp 4 (cấp 5 là thảm họa).
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, lũ các sông đều lên rất cao.
“Trên sông Hương lũ đã trên báo động 3 hơn 1 m. Theo quy trình vận hành liên hồ là giao cho chủ tịch UBND các tỉnh vận hành xả lũ, còn trong tình huống khẩn cấp thì giao trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai vận hành”.
Ông Hoài yêu cầu các địa phương cần tính toán cho học sinh nghỉ học vì các em dễ bị rủi ro nhất trong mưa lũ.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, lượng nước về lưu vực sông Hương đã lên tới hơn 1 tỉ m3. “Các hồ đã tích trữ được 500 triệu m3, còn 500 triệu m3 phải xả, tức là chỉ trữ được 50% lượng nước lũ về. Trong những ngày tới mưa tiếp tục thì phải xả với mức cao hơn… Vì vậy phải tính đến các kịch bản xấu để chủ động di dân, đặc biệt là trong tình huống các hồ chứa thượng nguồn phải xả nguyên lượng nước đổ về. Đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chuyển lực lượng sang Thừa Thiên-Huế để hỗ trợ bà con” – ông Thắng nêu.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với hiểm họa: hồ, sông, vùng trũng đầy nước trên toàn lưu vực. Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề, giờ các tỉnh tiếp tục phải đối mặt với những đợt mưa đặc biệt lớn và lũ đặc biệt lớn; các sông cận mốc lịch sử 1997, ẩn chứa thảm họa nên phải tính đến kịch bản xấu nhất.. Các cơ quan quản lý, chủ hồ liên tục có số liệu quan trắc, vận hành đúng theo quy trình liên hồ chứa. Chủ tịch UBND tỉnh khi đưa ra các quyết đáp vận hành phải căn cứ vào thực tiễn, lượng mưa trên lưu vực hồ mình quản lý”.
Bão số 12 làm 49 người chết, mất tích
Theo thống kê ban đầu, bão số 12 làm 27 người thiệt mạng và 22 người mất tích; làm hàng chục ngàn ngôi nhà sập, tốc mái. Các địa phương đang tiếp tục khắc phục hậu quả bão.
• Tại Bình Định: Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn lập trạm tiền phương tại Quy Nhơn, điều 10 tàu cứu hộ để tìm kiếm 24 thuyền viên mất tích do chín tàu hàng bị chìm khi bão số 12 đi qua.
• Tỉnh Phú Yên yêu cầu các lực lượng vũ trang, thanh niên các địa phương giúp người dân sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Các ngành giao thông, nông nghiệp, công thương ưu tiên khắc phục hạ tầng để khôi phục sản xuất. Hiện đường sắt qua đèo Cả bị ách tắc do sạt lở, khách đi tàu được trung chuyển từ Phú Yên đến Khánh Hòa và ngược lại.
• Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa yêu cầu toàn bộ lực lượng các sở, ngành xuống địa phương hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão, thăm hỏi, hỗ trợ gia đình người bị nạn, đưa người dân có nhà hư hỏng, sập về nơi ở an toàn, đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho bà con.
Video: Mưa lũ ở Khánh Hòa cuốn trôi hàng trăm con heo của người dân
Theo Khám phá & Tri thức trẻ
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.