Thứ Bảy, 13/05/2017 | 10:30

Tỷ lệ thuốc nội được sử dụng tại tuyến huyện lên đến 69% nhưng ở các bệnh viện tuyến cuối mới 13%, có nơi chỉ 3%.

Tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện tăng khiêm tốn. So với trước khi thực hiện đề án Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt, tỷ lệ này tại tuyến huyện tăng 8%, tuyến tỉnh tăng 1,5%; tuyến trung ương tăng từ 2% lên 13%, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết tại hội nghị tổng kết giai đoạn 1 (2012-2016) đề án ngày 12/5.

Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 50% cho công tác phòng chữa bệnh. Các bệnh viện đã ưu tiên dùng thuốc nội hơn. Ví dụ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức dùng một số kháng sinh mà nguồn trong nước đảm bảo, các thuốc tiêm ống thuốc thể tích nhỏ, thuốc viên…

Dù vậy thuốc nội vẫn gặp khó tại các bệnh viện tuyến trên, nhiều nơi tỷ lệ sử dụng thuốc nội dưới 6% như các bệnh viện Phụ sản Trung ương, K, Bạch Mai, Việt Đức, Tai mũi họng Trung ương… Lý giải điều này Phó Cục Quản lý Dược Nguyễn Tất Đạt cho rằng đây là những bệnh viện tuyến cuối, điều trị chuyên khoa đặc trị.

Thuốc Việt khó vào bệnh viện lớn

Bộ Y tế đặt mục tiêu sử dụng thuốc nội tại bệnh viện tuyến cuối đạt tỷ lệ 30% vào năm 2020.

“Giai đoạn 2 của đề án sẽ có giải pháp để thúc đẩy các thuốc thay thế để tỷ lệ sử dụng thuốc Việt trong các bệnh viện tuyến trung ương đạt 30%. Để thuốc nội vào được bệnh viện tuyến cuối, nơi điều trị bệnh nhân nặng, thuốc đặc trị, các doanh nghiệp dược phải hướng đến tiêu chuẩn cao hơn nữa”, ông Đạt nói.

Theo Bộ Y tế, trở ngại ở chỗ bác sĩ là người quyết định dùng thuốc và bệnh nhân chưa tin tưởng vào chất lượng của thuốc nội.

Là một trong những cơ sở y tế tuyến trung ương thuộc top đầu sử dụng trên 45% thuốc nội, tiến sĩ Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí, đánh giá thuốc Việt cũng có nhiều loại tốt, chữa cho nhiều người bệnh khỏi hoàn toàn. Nhìn chung thuốc nội sẵn có, giá cả phù hợp với mức chi trả của người dân, rẻ gấp 4-10 lần so với thuốc biệt dược gốc, tuy nhiên người dân, đặc biệt là bác sĩ vẫn băn khoăn khi kê đơn thuốc nội.

Thuốc sản xuất trong nước chưa có nhiều ở nhóm thuốc đặc trị, chuyên sâu. Đại diện Công ty Dược Hậu Giang, bà Phạm Thị Việt Nga cho biết hiện mới chỉ tập trung vào sản xuất các thuốc generic. Rất ít thuốc đặc trị  do chi phí nghiên cứu lớn, thời gian kéo dài. Các sản phẩm thuốc nội của công ty cũng rất khó cạnh tranh giá với các thuốc từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia…

Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Công ty Traphaco thì cho rằng sau hơn 3 năm triển khai đề án, các sản phẩm dược của công ty tại các bệnh viện sụt giảm. Nguyên nhân chính do luật đấu thầu còn nặng về giá, chưa có phân loại đấu thầu xếp hạng cho những sản phẩm nổi trội trên thị trường về chất lượng, đánh đồng về yếu tố kỹ thuật.

Theo các chuyên gia, các nhà sản xuất thuốc trong nước cần phải công khai cho người dân biết thông tin chính xác về thuốc sản xuất, giá thành sản phẩm, đặc biệt là bằng chứng về hiệu quả điều trị. Đây là cách tốt nhất để kêu gọi người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt.

Đề án Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt giai đoạn 2 đặt mục tiêu đến năm 2020 tăng tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại bệnh viện tuyến Trung ương đạt 30%, tại bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố là 50% và bệnh viện tuyến huyện 75%.

Nam Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook