Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” được Bộ Y tế khởi phát năm 2012 cho đến nay đã thu được những kết quả đáng kể. Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, so với cách đây 3 năm, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc được sản xuất trong nước tại các bệnh viện đã tăng lên rõ rệt.
Ảnh minh họa.
Tại tuyến huyện, nếu như trước khi triển khai chương trình, tỷ lệ này chiếm 60% thì nay – 69,3%. Tại tuyến tỉnh, các mức tương ứng là 31% và 35%. Tuyến Trung ương, nay tỷ lệ này mới chỉ dừng lại ở mức trung bình 11%. Rải rác có một số BV lớn đạt mức cao như BV Việt Đức (30%), BV Chợ Rẫy (40%), BV Thống Nhất (65%)…
Tuy nhiên, nói như ông Trương Quốc Cường- Cục trưởng Cục Quản lý Dược, kết quả nói trên vẫn chưa được như mong muốn.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 3-11, ông Cường cho hay, mục tiêu của ngành y tế trong những năm tới (2016-2020) phải đạt được tỷ trọng sử dụng thuốc nội ở mức 80% tại các BV.
“Đây sẽ là một mục tiêu không dễ thực hiện do từ bấy lâu nay, người dân, kể cả các bác sĩ kê đơn đã hằn sâu trong tâm trí một thói quen dùng thuốc ngoại, chưa tin tưởng, mặn mà nhiều với thuốc nội”, theo ông Cường.
Cũng theo ông Cường, trong thời gian tới, để có thể đạt được mục tiêu nói trên, ngành y tế cần thực triển khai hiện tốt các Luật Đấu thầu (2013), Luật Đầu tư (2014) và Nghị định 63 (2015) và Luật Dược (2016). Cục Quản lý Dược đã tham mưu Bộ Y tế ban hành Thông tư số 10 mà tại đây, Bộ công bố danh sách 146 sản phẩm thuốc nếu sản xuất trong nước đảm bảo đủ chất lượng, giá cả phù hợp được ưu tiên sử dụng, hạn chế nhập khẩu.
“Đây sẽ là một cú hích lớn cho nền công nghiệp dược trong nước phát triển” – ông Cường nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng tham mưu Bộ Y tế ban hành Thông tư số 11 triển khai Luật đấu thầu với những chính sách khuyến khích sản xuất thuốc nội, đặc biệt đối với phát triển nguồn nguyên liệu thuốc cổ truyền.
“Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh rất quý của các doanh nghiệp dược Việt Nam”, theo ông Cường. “Hữu xạ tự nhiên hương”, chớp thời cơ này, tự các doanh nghiệp phải nỗ lực cung cấp cho thị trường thuốc nội đảm bảo chất lượng… Ngành y tế cũng như báo chí và toàn xã hội cũng phải đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người ngày càng tin dùng thuốc Việt.
Uống thuốc nội phải khỏi bệnh. Bác sĩ kê đơn thuốc nội phải khỏi bệnh. “Muốn vậy, một trong những việc mà chúng ta phải làm ngay trong thời gian tới là phải chứng minh bằng những bằng chứng khoa học thuốc của chúng ta tương đương sinh học với thuốc ngoại nhập”, theo ông Cường.
Một vấn đề khác mà từ lâu, một số doanh nghiệp dược lớn trong nước băn khoăn: Nếu Cục Quản lý Dược cứ chú trọng “nghiêng” mãi cho các doanh nghiệp giá rẻ trúng thầu thì sẽ không khuyến khích đầu tư hiện đại hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất dược.
Về thực trạng này, ông Cường cho hay, đúng là trước đây chúng ta buộc phải tìm mọi cách hạ giá thuốc trên thị trường để đảm bảo lợi ích người dân. Cho đến nay, chúng ta mới có điều kiện chú trọng quan tâm hơn tới chất lượng thuốc. Tại một số văn bản, trong đó có Luật Đấu thầu, yếu tố giá mới chỉ đóng vai trong 30%. Yếu tố kỹ thuật, tức là chất lượng phải chiếm 70% trong tiêu chí trúng thầu.
Hiện nước ta đang có hơn 100 nhà máy sản xuất dược đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới…, tức là, theo ông Cường, chúng ta đủ sức cạnh tranh với thuốc ngoại nhập. Vấn đề là ở chỗ các doanh nghiệp có vươn lên nắm bắt thời cơ hay không mà thôi.
Về vấn đề này, dược sĩ Trần Đức Chính – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt nam cho hay, hiện có một vấn đề nổi cộm là trong khối điều trị nói chung cả công và tư, đa phần các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước tuy thắng thầu, ký được hợp đồng với các BV nhưng lại không được “gọi” thuốc.
“Phải làm sao để các BV “lấy” được của chúng tôi 80% lượng thuốc đã ký. Ngoài ra, vấn đề chậm thanh toán cũng là một trong những khó khăn. Ở các nước, cơ quan bảo hiểm là người trả tiền thuốc cho doanh nghiệp dược còn ở ta, BHXH thanh toán cho chúng tôi nhưng lại phải qua các BV. Đây là khâu “ách tắc” cần được tháo gỡ trong thanh toán”, theo ông Chính.
Trần Ngọc Kha
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.