Thứ Năm, 22/10/2015 | 18:30

Ngoài tác dụng điều trị, thuốc aspirin còn có thể gây tai biến cho hệ tiêu hóa. Do vậy, khi sử dụng aspirin cần phải cảnh giác.

Aspirin có tên chung quốc tế là acid acetylsalicylic. Đây là một loại thuốc cổ điển được dùng từ rất lâu để giảm đau, hạ sốt, chống viêm, ức chế kết tập tiểu cầu. Mặc dù là thuốc cổ điển nhưng hiện nay vẫn được dùng để điều trị một số trường hợp bệnh.

Đặc điểm của thuốc

Bản chất chính của thuốc aspirin là có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chống viêm; thường được chỉ định dùng để làm giảm các cơn đau nhẹ và vừa, đồng thời giảm sốt. Chính vì tác dụng phụ của thuốc chiếm tỉ lệ cao trên hệ tiêu hóa nên ngày nay thuốc aspirin được thay thế bằng thuốc paracetamol có ưu điểm dung nạp tốt hơn. Thuốc aspirin cũng được sử dụng trong các trường hợp viêm cấp tính và mạn tính như: viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên, viêm thoái hóa xương khớp và viêm đốt sống dạng thấp. Ngoài ra, với tác dụng chống tập kết tiểu cầu nên thuốc được dùng để điều trị dự phòng thứ phát các trường hợp nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở những người bệnh có tiền sử về những bệnh này. Đồng thời aspirin cũng được chỉ định trong điều trị bệnh Kawasaki vì có tác dụng chống viêm, hạ sốt và chống huyết khối. Như vậy, vai trò của loại thuốc này vẫn được sử dụng để điều trị trong một số trường hợp bệnh mặc dù chúng có một số phản ứng phụ được ghi nhận.

Thuốc chống chỉ định dùng trong những trường hợp có thể có nguy cơ bị dị ứng chéo như người đã có triệu chứng hen suyễn, viêm mũi hoặc nổi mề đay khi dùng aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid trước đây. Nên nhớ rằng, những người có tiền sử bệnh hen suyễn không được dùng aspirin vì sẽ có nguy cơ gây nên cơn hen; những người bị mắc bệnh ưa chảy máu, giảm tiểu cầu, loét dạ dày và tá tràng đang diễn tiến; suy tim vừa và nặng, suy gan, suy thận; đặc biệt là người có tốc độ lọc cầu thận thấp và xơ gan phải chống chỉ định dùng. Vì vậy, thuốc cần thận trọng khi điều trị đồng thời với thuốc chống đông máu hoặc khi có nguy cơ chảy máu khác; không được kết hợp với các thuốc kháng viêm không steroid và các thuốc glucocorticoid. Khi điều trị cho người bị suy tim nhẹ, có bệnh thận hoặc bệnh gan; đặc biệt khi dùng đồng thời với các thuốc lợi tiểu cần quan tâm xem xét cẩn thận nguy cơ giữ nước và nguy cơ giảm chức năng thận. Ở trẻ em, khi dùng aspirin để điều trị đã gây ra một số trường hợp bị hội chứng Reye; vì vậy các nhà khoa học khuyến cáo hạn chế chỉ định sử dụng thuốc này cho trẻ em. Người cao tuổi có thể dễ bị nhiễm độc bởi aspirin do chức năng thận suy giảm; trong những trường hợp cần phải dùng thì nên sử dụng liều thấp hơn so với liều thông thường.

Phản ứng có hại tiêu hóa

Thực tế trong nhóm thuốc salicylat thì aspirin thường gây nên tai biến nhiều nhất, trong đó đứng hàng đầu là phản ứng có hại về tiêu hóa, chủ yếu là ở dạ dày. Tác dụng có hại xảy ra do thuốc ức chế mạnh sự tổng hợp prostaglandin nội sinh, đây là chất rất cần cho việc bảo vệ niêm mạc dạ dày chống lại các yếu tố tấn công vì chúng có khả năng kích thích bài tiết chất nhầy, bài tiết bicarbonat và duy trì lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày; hơn nữa còn có thể làm giảm lượng acid chlorhydric tại đây. Đồng thời, thuốc cũng có tác động lên các yếu tố đông máu, ức chế hoạt tính của tiểu cầu, làm giảm sự bền vững của mao mạch, kéo dài thời gian chảy máu, làm tăng sự tiêu hủy chất fibrin. Ngoài ra, thuốc có ảnh hưởng trực tiếp lên niêm mạc dạ dày, thực tế vấn đề này được các nhà khoa học chứng minh tình trạng tai biến ở dạ dày thấp hơn nhiều nếu dùng thuốc dưới dạng bọc hoặc bằng đường tĩnh mạch. Các trường hợp sử dụng thuốc aspirin thống kê cho thấy có khoảng từ 6 – 33% người dùng bị các phản ứng phụ nhẹ như: ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, nôn, nóng rát trong dạ dày… Tuy nhiên, hai phản ứng có hại quan trọng cần lưu ý là chảy máu dạ dày và viêm loét dạ dày. Vấn đề cần quan tâm là trên thực tế thường không có sự tương quan giữa các triệu chứng cơ năng và những bệnh lý tổn thương thực thể do thuốc aspirin gây ra.

Chảy máu dạ dày trên thực nghiệm được các nhà khoa học nghiên cứu theo dõi bằng chất đồng vị phóng xạ cho thấy hiện tượng có máu chảy rỉ rả xảy ra ở những người làm chứng khoảng 0,5ml trong mỗi ngày; còn đối với những người sử dụng aspirin thì có đến 70% bị chảy máu rỉ rả từ 2 – 6ml mỗi ngày; một số đối tượng có thể vượt quá 10ml mỗi ngày trong số 10% của người dùng. Lượng máu chảy rỉ rả trong dạ dày này xảy ra khi người bệnh sử dụng thuốc aspirin với liều lượng từ 1,5 – 3g mỗi ngày; tuy vậy cũng có trường hợp chảy máu xảy ra khi dùng với liều thấp 0,5g mỗi ngày nhưng thực tế ghi nhận lượng máu chảy trong dạ dày tăng theo số lần và số lượng thuốc aspirin được uống. Trên lâm sàng khó ghi nhận để có được một tỉ lệ chính xác về phản ứng có hại gây chảy máu dạ dày này, vì không thể thống kê được hết những người đã tự dùng aspirin và cả những người bị chảy máu rỉ rả không thể hiện trên đại thể nên tỉ lệ được công bố rất khác biệt nhau. Tai biến chảy máu dạ thường xảy ra ở những người bệnh bị viêm loét dạ dày-tá tràng hoặc xơ gan có giãn tĩnh mạch thực quản. Tuy vậy, chúng cũng có thể xảy ra ở những người không có bệnh lý dạ dày mà do chính thuốc aspirin gây nên tình trạng viêm xước dạ dày làm chảy máu cấp tính. Tai biến này thường tự hết sau khi ngừng sử dụng thuốc nhưng cũng có những trường hợp diễn biến trầm trọng với tỉ lệ 5% bị tử vong do tai biến chảy máu; đối với người cao tuổi thì tỉ lệ tử vong có thể lên đến 15%.

Viêm loét dạ dày xảy ra khi dùng nhất thời thuốc aspirin với liều lượng 1g trong vòng 24 giờ. Chúng có thể gây ra bệnh lý ở niêm mạc dạ dày trong khoảng 50% số trường hợp dùng thuốc, rất ít khi gây bệnh lý ở hành tá tràng. Nếu sử dụng thuốc kéo dài thì thuốc có thể gây viêm loét dạ dày chứ ít khi gây viêm loét hành trá tràng. Tình trạng viêm loét dạ dày có thể có nhiều ổ khác nhau và dễ bị chảy máu; đôi khi có biến chứng thủng dạ dày, thường gặp ở hang vị. Hiện nay với vai trò của vi khuẩn Helicobacter pylori có liên quan đến bệnh lý dạ dày, khó có thể nói thuốc aspirin đóng vai trò chủ yếu trong bệnh sinh mà đây là yếu tố thuận lợi phối hợp với vi khuẩn Helicobacter pylori gây nên. Trên thực tế khó xác định được tần số chính xác của tình trạng viêm loét dạ dày do aspirin vì triệu chứng lâm sàng có thể rất kín đáo, chỉ khi có triệu chứng của tai biến thủng dạ dày mới phát hiện được; hơn nữa cũng không thể soi dạ dày hàng loạt cho những người bệnh điều trị bằng aspirin để theo dõi phát hiện sớm. Một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên đối tượng 82 bệnh nhân bị thấp khớp được điều trị với thuốc aspirin với liều lượng 2,4g mỗi ngày và dùng từ 3 tháng trở lên đã ghi nhận có 76% bị viêm dạ dày ban đỏ, 40% bị viêm xước niêm mạc, 17% bị loét; trong khi đó ở nhóm đối chứng chỉ có 4% bị viêm dạ dày ban đỏ, không có trường hợp nào bị viêm xước hay loét niêm mạc.

Biện pháp xử trí và đề phòng tai biến

Để xử trí hai trường hợp bị tai biến chảy máu dạ dày và viêm loét dạ dày đã nêu trên do sử dụng thuốc aspirin, phải cần ngừng ngay thuốc đang dùng. Sau đó sử dụng các loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc ức chế acid chlorhydric, kháng histamin… Đồng thời dùng các biện pháp hồi sức quy định trong chảy máu tiêu hóa nặng.

Để đề phòng tai biến xảy ra, cần cẩn thận khi dùng thuốc. Chỉ sử dụng aspirin khi thật cần thiết và có chỉ định của bác sĩ; thuốc được uống theo bữa ăn với liều lượng tối thiểu đủ khả năng tác dụng. Đối với những người bệnh có sẵn bệnh lý dạ dày mà bắt buộc phải dùng thuốc aspirin để điều trị mới có hiệu quả vì diễn biến của một bệnh có thể đe dọa tính mạng hay tiên lượng bệnh nặng thì cần phải phối hợp với thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc ức chế acid chlorhydic của dạ dày như đã nêu trên.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook