Thứ Năm, 10/11/2016 | 13:00

Người đái tháo đường quá kiêng khem hoặc dùng những thức ăn có hại đều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chế độ ăn hợp lý với thịt cá, rau quả, đậu sẽ đảm bảo dinh dưỡng và giữ được ổn định đường huyết cho người bệnh.

Chọn thức ăn để giữ đường huyết ổn định

Thực đơn của người mắc đái tháo đường vẫn rất đa dạng và bắt mắt, chứ không chỉ gói gọn trong vài món mà người bệnh nghĩ là an toàn. Song điều cần thiết là phải biết chọn thực phẩm đúng cách. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thức ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, giờ giấc ăn ổn định để tránh tăng cao lượng đường trong máu sau bữa ăn và cũng tránh hạ đường huyết lúc xa bữa ăn. Tốt nhất là 3 bữa chính và 1-3 bữa phụ trong một ngày.

Bữa ăn nên có nhiều thành phần thực phẩm như bột đường, đạm (thịt, cá, trứng, đậu), béo và chất xơ (rau củ quả, đậu, ngô) giúp đường được hấp thu vào máu từ từ và kéo dài, có lợi cho người bệnh.

 

Bún là món ăn tốt cho người bị đái tháo đường.

Nên ổn định lượng bột đường ở mỗi bữa ăn (lượng cơm, bún, khoai, trái cây) để duy trì tốt đường huyết. Trong bữa ăn nên ăn nhiều chất xơ (rau củ quả) để làm chậm hấp thu đường huyết, quét bớt cholesterol thừa khỏi ống tiêu hóa, chống táo bón và giảm nguy cơ ung thư ruột già, giúp kiểm soát cân nặng.

Tránh chế biến những món ăn hầm nhừ, xay nhuyễn, lăn bột chiên, hoặc phải dùng nhiệt độ quá cao như chiên, nướng. Chế độ ăn cần phù hợp với các loại thuốc đang sử dụng.

Người bệnh đái tháo đường nên ăn nhạt, nêm nếm mắm muối vừa phải. Tổng lượng muối mỗi ngày nên ăn dưới 6 g (khoảng một muỗng cà phê vun muối trở xuống). Hạn chế ăn các món mặn như mắm, chao, xúc xích, lạp xưởng, giò lụa, đồ hộp, dưa cà, dưa muối, bột ngọt…

Thực đơn cho người đái tháo đường
Thực đơn cho người đái tháo đường

Chủ động thay thế các món ăn

Người bệnh đái tháo đường cần biết cách tổ chức các bữa ăn cho mình, những thức ăn thông dụng nhất trong các bữa ăn hằng ngày ở nước ta là: cơm, thịt lợn, rau xanh, dầu mỡ. Đối với người đái tháo đường có thể thay thế để kiểm soát đường huyết như:

Đối với cơm, ta có thể thay thế bằng bún, bánh phở, miến, bánh canh, bánh cuốn, …

Đối với nhóm đạm: Nên chọn thịt nạc bỏ da, nên ăn cá và hải sản, đạm thực vật như đậu, đậu que, nấm… Người bị suy thận thì phải ăn ít chất đạm theo yêu cầu của bác sĩ.

Đối với nhóm béo: Nên chọn dầu thực vật như dầu vừng, nành, gấc… (trừ dầu dừa, dầu cọ), mỗi tuần nên ăn ít nhất 2 lần mỡ cá. Tránh dùng mỡ động vật (mỡ gà, lợn, bò, cừu), bơ, magarin, da, óc lợn, đồ lòng, phủ tạng (tim, gan, cật)… Người trưởng thành mỗi tuần có thể ăn tối đa 3-4 lòng đỏ trứng, người có rối loạn mỡ máu chỉ nên ăn 2 trứng một tuần. Nên ăn nhiều các loại rau cải, rau đậu để tăng lượng xơ và cung cấp đủ vitamin, khoáng chất. Nên ăn khoảng một bát rau trong mỗi bữa ăn.

Nhóm trái cây: Nên chọn những loại trái cây ít ngọt như cam, quýt, bưởi, mận, táo, dứa…

Bs. Nguyễn Thị Hoa – SKĐS

Yhocvn.net 

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Các biến chứng của bệnh đái tháo đường

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook