Một trong những mối bận tâm lớn của các bậc cha mẹ là tìm kiếm trường học “tốt nhất” cho con khi trẻ đến tuổi đi học, rồi lại đau đầu tìm trường chuyển cấp, đặc biệt lúc cháu chuẩn bị bước vào đại học.
Nhưng mối lo lắng hàng ngày và lớn hơn của các bậc cha mẹ vẫn là việc thúc đẩy con học tốt. Họ thường than phiền rằng: “nó chẳng chịu học hành gì cả, ngày nào cũng phải thúc nó học bài, tôi phát điên lên vì nó, nó cứ mải chơi game và xem truyền hình thôi…”.
Nhiều phụ huynh thường dùng biện pháp so sánh với mong ước con trẻ sẽ lấy đó mà làm gương. Họ so sánh các con với nhau hoặc với trẻ hàng xóm hay một trẻ học giỏi nào đó. Họ nói rằng: “Hôm nay anh con được điểm 10, còn con thì…” , “Chỉ cần con học như bạn Tin thôi, cha mẹ cực khổ cũng vì con, vậy mà con lại học hành chẳng ra gì. Nhìn con hàng xóm mà phát ham…”. Như mọi hành vi khác, so sánh có thể trở thành một thói quen khó kiểm soát. Bạn có thể dễ dàng so sánh mọi lúc mà không nhằm mục đích nào cả. Chẳng hạn, “thằng bé chậm biết đi lắm. Anh nó hồi đó mới hơn một tuổi đã có thể đi được rồi”, “con bé nhát lắm, con phải tự tin và hoạt bát như anh chứ”, “chị hai con đẹp người đẹp nết, còn con thì… chẳng biết mẹ có mang lộn con người ta về nhà không”…
Mọi ý định của cha mẹ trong việc thúc đẩy con cái đều xuất phát từ tình thương yêu dành cho con. Họ muốn con chăm chỉ, ngoan ngoãn và giỏi giang hơn…
Nhưng họ không hiểu rằng ngay lúc bị so sánh, trẻ đã nghĩ mình thua kém và thiếu động lực. Một thái độ tiêu cực như thế khiến trẻ rơi vào vòng xoáy của yếu kém, thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm và có những hành vi tiêu cực.
Văn phòng chúng tôi thường tiếp nhiều em bị trầm cảm. Gần đây, chúng tôi có tiếp một em gái 15 tuổi. Em từng là một học trò rất giỏi và ngoan ngoãn. Mẹ em lúc nào cũng so sánh em với những trẻ khác, khiến em luôn trong tâm trạng lo lắng. Cuối cùng em đã phải bỏ học vì trầm cảm.
Trường hợp khác là một chị bị bệnh béo phì do thói quen ăn uống không hợp lý. Chị kể hồi nhỏ, để thúc đẩy chị ăn nhanh mẹ chị nói rằng “nhìn kìa, chị đã ăn xong rồi. Chị giỏi quá… Mẹ chán con quá đi!”. Lúc này, chị đã 40 tuổi, nhưng vẫn quen thói ăn uống lúc nhỏ.
Một ai đó nhận xét: “Nhìn bạn không đẹp bằng cô em gái”, “sao hai anh em mà lại khác nhau đến thế. Anh thì quá giỏi, còn em thì quá tệ”, “mẹ đẹp thế mà con lại xấu xí”… Chuyện gì đang diễn ra bên trong bạn khi người khác lấy bạn ra mà so sánh?
Có thể lý trí bạn cho rằng “mình phải vui khi người thân của mình giỏi giang như thế”, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng bạn đang cảm thấy một chút buồn, tức, chán… và thậm chí muốn bỏ mặc. Rõ ràng những câu nhận xét như vậy không làm người bị nhận xét cảm thấy được nâng đỡ.
Không may, rất nhiều cha mẹ vẫn tin rằng so sánh để con lấy đó mà làm gương. Hãy xem lại phương pháp giáo dục con hiện có của bạn. Đó có phải là cách hiệu quả mang lại cho con cảm giác thoải mái, vui vẻ và được thúc đẩy không?
Nếu câu trả lời là không, thì đây là lúc bạn cần phải thay đổi. Một phương pháp gợi ý có thể sẽ hiệu quả đối với trường hợp của bạn là:
Bước 1: Khen ngợi.
Bước 2: Khuyến khích hoặc thúc đẩy.
Dù con đang ở cấp độ nào, bạn vẫn có thể khen ngợi, chẳng hạn: “Tốt lắm! Con đã học chăm chỉ môn tiếng Anh và điểm số tháng này đã rất khá. Nếu con chú ý vào môn toán nữa, mẹ tin chắc con sẽ đạt được điểm tốt vào tháng sau”. Trong trường hợp trẻ học tất cả các môn đều yếu, bạn cần tìm ra việc nào mà con đang làm tốt hoặc một điều gì đó ở con mà bạn có thể tập trung nhấn mạnh. Nhìn vào điều trẻ làm được và nhấn mạnh điều ấy sẽ làm trẻ tin rằng mình có khả năng, đó là động lực khiến trẻ chú ý và thay đổi. Chê bai là hướng trẻ vào những yếu kém của trẻ, từ đó đánh cắp sự tự tin và năng lực của trẻ.
Chẳng hạn, bạn đã cố gắng làm việc hết mình ở công ty và cuối tháng sếp lại phán: “Tôi thật sự không hài lòng về cách làm việc của anh”. Bạn sẽ thế nào sau đó? Nỗ lực hơn ư? Có thể không?
Nếu trong trường hợp này, ông sếp nói rằng: “Anh đã tạo được môi trường làm việc hợp tác trong công ty và thành thạo trong việc chăm sóc khách hàng. Bây giờ, tôi muốn anh phát triển thêm kỹ năng tổ chức văn phòng nữa”. Bạn cảm thấy thế nào sau lời nhận xét ấy? Bạn có thấy mình được công nhận, khích lệ và muốn cải thiện không?
Trẻ con cần được khen ngợi như cây cần có nước vậy. Hãy khen ngợi trẻ ở mức vừa phải (bước 1), sau đó thúc đẩy hay khích lệ trẻ lên một mức độ cao hơn (bước 2). “Tốt lắm, bài văn của con rất súc tích ở chỗ… Nếu cứ luyện tập viết, mẹ tin rằng con sẽ đạt được điểm tốt vào lần tới”.
Bạn có thể thách thức trẻ tùy theo khả năng của trẻ. Tuy vậy, hãy công nhận những gì trẻ đã làm được và thúc đẩy chúng lên mức cao hơn.
Chưa có bình luận.