Suckhoedoisong.vn – Theo thống kê, bệnh xương khớp chiếm khoảng 35% dân số và những người mắc bệnh này thường trên 50 tuổi. Tuy nhiên, bệnh ngày càng trẻ hóa với những người ở độ tuổi 35 trở lên.
Nguyên nhân vì sao? Làm cách nào để phòng tránh? Tại sao bệnh hay tái phát lúc giao mùa và khi thời tiết lạnh?… Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Mai Hồng- Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai.
PGS.TS. Nguyễn Mai Hồng
Phóng viên: Xin PGS.TS cho biết bức tranh tổng quát về bệnh cơ xương khớp ở nước ta?
PGS.TS. Nguyễn Mai Hồng: Theo thống kê, ở Việt Nam, hiện nay tỷ lệ người mắc các chứng bệnh về xương khớp chiếm 35% dân số, trong đó lứa tuổi từ 50 – 70 chiếm 70%. Lứa tuổi 25 đến 45 tuổi cứ 100 người thì có 27 người bị đau lưng, 20 người bị đau vai, 8 người bị đau khớp và 3 người bị viêm khớp. Điều này cho thấy, bệnh lý xương khớp đang ngày càng gia tăng, không chỉ ở người cao tuổi mà còn đang dần trẻ hóa. Dù ít có khả năng gây tử vong, nhưng bệnh cơ xương khớp nếu không được điều trị sẽ để lại những di chứng vô cùng nặng nề với người bệnh. Nó làm giảm hoặc mất đi khả năng vận động, lao động bình thường của người bệnh, ảnh hưởng trầm trọng đến sinh hoạt, làm giảm chất lượng cuộc sống
Các bệnh xương khớp thường gặp là: Thoái hoá khớp, loãng xương, các bệnh khớp tự miễn mạn tính như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, bệnh hệ thống chiếm một tỷ lệ lớn trong các bệnh xương khớp.
Phóng viên: Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trẻ hoá về các bệnh lý này, thưa TS?
PGS.TS. Nguyễn Mai Hồng: Trên thực tế, có rất ít người từ độ tuổi 30 trở lên có kiến thức căn bản về cách nhận biết cũng như phối hợp với chuyên viên y tế để được điều trị tốt nhất khi bệnh còn trong giai đoạn khởi phát. Ước tính, số người bị bệnh thoái hóa khớp hiện nay đã tăng khoảng 20% so với trước đây. Số bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh về cột sống, xương khớp đến điều trị tại các bệnh viện cũng tăng trong những năm gần đây.
Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh cơ xương khớp ngày càng trẻ hoá. Thứ nhất do chế độ sinh hoạt, lao động không hợp lý dẫn tới đau cột sống thắt lưng cấp tính, thoái hóa khớp thứ phát (sau chấn thương), bệnh lý đau quanh khớp vai, viêm các điểm bám gân vô khuẩn. Nhiều người bị loãng xương nặng hoặc vận động quá mức, đi giày cao gót liên tục; đặc biệt là thừa cân, béo phì nhưng lại chạy và đi bộ quá nhiều…
Một nguyên nhân nữa là do chế độ ăn không hợp lý ở người trẻ ví dụ ăn kiêng hoặc che ánh nắng ở nữ dễ dẫn tới loãng xương, uống nhiều rượu bia có thể gây bệnh lý về gút, hoặc những bệnh nhân chơi thể thao không đúng, có thể gây đau cột sống thắt lưng cấp, nếu không điều trị đúng sẽ tiến triển thành đau cột sống thắt lưng mạn tính. Chấn thương khi chơi thể thao (chấn thương gây rách sụn khớp, rách dây chằng quanh khớp dẫn tới thoái hoá khớp…). Vấn đề nữa là do bệnh nhân khi đau tự đi điều trị hoặc tiêm khớp ở những cơ sở không vô trùng dẫn tới nhiễm khuẩn khớp, những trường hợp này điều trị rất khó khăn. Đặc biệt, việc lạm dụng corticoid trong điều trị bệnh có để dẫn đến tình trạng loãng xương sớm ở người có bệnh lý cơ xương khớp.
Phóng viên: Vậy cách nào để phòng tránh được nguy cơ về các bệnh xương khớp ngay từ khi còn trẻ tuổi, thưa TS.?
PGS.TS. Nguyễn Mai Hồng: Để phòng bệnh cơ xương khớp ở người trẻ tuổi, cần thực hiện chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, lao động hợp lý, ví dụ như những người thường xuyên phải làm việc với máy tính cúi nhiều, chúng ta phải tập các động tác cổ, ngửa, nghiêng, quay, ngồi phải thẳng lưng, đôi khi chúng ta phải đứng dậy đi lại vận động để làm dịch khớp lưu thông, tránh hiện tượng quánh dịch khớp gây đau khớp. Khi dịch khớp lưu thông tốt kích thích sản xuất các thành phần khác trong ổ khớp như axit hyaluronic.
Với những người mắc bệnh khớp, cần dùng thuốc bổ sung các thành phần trong ổ khớp vì trong ổ khớp có nhiều thành phần như collagen, axit hyaluronic, glucosamin và một số yếu tố vi lượng khác. Cần bổ sung chất dinh dưỡng cho khớp từ sớm để tránh thoái hóa khớp tiến triển sớm..
Những người trẻ khi có đau cột sống cổ, đau cột sống thắt lưng do tư thế làm việc cần tập luyện, phối hợp vận động đúng cách, như tập luyện cổ hoặc đi bơi để giữa 2 khe đốt sống giãn ra, đĩa đệm không bị chèn ép vào dây thần kinh sẽ gây đau. Thêm vào đó, cần có chế độ dinh dưỡng tốt, nhiều bạn trẻ do ăn kiêng giữ dáng gây ra hiện tượng thoái hóa khớp vì thiếu các chất dinh dưỡng trong sụn khớp, cần bổ sung canxi, vitamin D hoặc các thành phần trong ổ khớp như glucosamin để giữ sụn khớp, đĩa đệm tránh hiện tượng thoái hóa khớp sớm.
Phóng viên: Ở trẻ em thường bị thấp khớp cấp còn gọi là “thấp tim”. Tại sao lại gọi như vậy và cách nhận biết bệnh thế nào? Bệnh này có ảnh hưởng tới xương khớp sau này không, thưa TS?
PGS.TS. Nguyễn Mai Hồng: Chúng tôi cũng đã điều trị cho những bệnh nhi mắc bệnh thấp khớp cấp hay còn gọi là bệnh thấp tim. Đây là bệnh hay gặp ở lứa tuổi học đường, xuất hiện sau nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đặc biệt là viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn bêta nhóm A. Trẻ có biểu hiện ban đầu như viêm họng, sốt cao. Sau vài tuần kể từ khi bị viêm họng, trẻ có thể xuất hiện các viêm khớp cấp do thấp. Viêm khớp có tính chất xảy ra đột ngột, hay gặp ở các khớp to vừa như khớp gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay, ít gặp viêm các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân, hoặc viêm một khớp đơn độc. Các khớp bị viêm sưng to, nóng, đỏ, đau, có thể có dịch nhưng không bao giờ bị hóa mủ. Khớp viêm thường không đối xứng, hay di chuyển từ khớp này sang khớp khác. Trong khi biểu hiện ở khớp thường khỏi nhanh, khỏi hoàn toàn không để lại di chứng thì biểu hiện ở tim thường nặng nề và là biểu hiện nguy hiểm nhất của bệnh. Ngoài các triệu chứng ở khớp, ở tim… trẻ còn có thể có các triệu chứng thần kinh như múa giật, liệt, hôn mê; đau bụng, tiểu ra máu… (ở trẻ em thường do bẩm sinh… hiếm gặp do tác động ở môi trường gây bệnh khớp).
Bệnh thấp khớp cấp ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề và tăng nguy cơ gây tử vong. Vì thế, phụ huynh cần quan tâm theo dõi sức khỏe con em mình để phòng và chống bệnh kịp thời và hiệu quả.
Để phòng bệnh thấp khớp cấp, cha mẹ cần giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, vệ sinh mũi họng sạch sẽ mỗi ngày và điều trị triệt để khi trẻ bị viêm họng, viêm đường hô hấp… để ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra. Khi trẻ có các triệu chứng thấp khớp cấp, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện để được điều trị kịp thời và dự phòng bệnh tái phát.
Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp theo độ tuổi.
PGS.TS. Nguyễn Mai Hồng: Khi thời tiết chuyển mùa, nhất là mùa lạnh, khí hậu ẩm dễ dẫn tới bệnh lý cơ xương khớp, hoặc những bệnh nhân đang có bệnh lý cơ xương khớp sẽ có những đợt tiến triển kịch phát. Sự thay đổi của thời tiết kéo theo sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể như độ nhớt của máu, độ nhớt dịch khớp, thay đổi nồng độ các hóa chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch. Chính sự thay đổi nội môi này góp phần làm xuất hiện các đợt đau xương khớp.
Đặc biệt khi trời lạnh, các mạch máu bị co lại, sự lưu thông máu bên trong các tế bào cơ bắp sẽ giảm làm giảm lượng máu cung cấp đến các cơ. Các tế bào cơ khi thiếu oxy sẽ co lại, điều đó gây ra sự giảm độ đàn hồi của cơ bắp gây cứng cơ, đôi khi dẫn đến đau cơ.
Ngoài ra, khi thời tiết lạnh, sức đề kháng của cơ thể sẽ bị giảm sút nhanh chóng. Từ đó khiến cho các yếu tố gây bệnh như vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công hơn.Không chỉ vậy, nhiệt độ xuống thấp sẽ làm cho các gân cơ bị co rút gây nên hay gây ra chứng vẹo cổ cấp do lạnh. Việc vận động khớp lúc này cũng khó khăn hơn nên dễ khiến bệnh nhân bị ngã, trường hợp nặng có thể dẫn đến gãy xương. Vào những ngày thời tiết lạnh, một số bệnh nhân bị gút cũng thường hay tái phát các đợt viêm khớp cấp do axit uric trong máu bị kết tủa, lắng đọng vào khớp và gây viêm.
Để đảm bảo hệ thống xương khớp khỏe mạnh trong mùa đông tốt nhất mọi người nên thực hiện các biện pháp phòng tránh như giữ ấm cho cơ thể, nghỉ ngơi hợp lý và có chế độ ăn uống thích hợp.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn TS!
Nguyễn Hạnh (thực hiện)
Nguồn: SKDS
Chưa có bình luận.