Trước thông tin nghi ngờ du khách người Australia nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam, PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM.
PGS. TS Phan Trọng Lân.
PV: Thưa ông, thời gian vừa qua Viện Pateur đã xét nghiệm bao nhiêu mẫu bệnh phẩm có nghi ngờ có nghi ngờ nhiễm virus Zika? Có mẫu bệnh phẩm nào dương tính với virus Zika chưa?
PSG.TS Phan Trọng Lân: Ngay khi có thông báo dịch trên thế giới, Viện Pasteur TPHCM đã triển khai nhiều lớp tập huấn về giám sát và thu thập mẫu bệnh phẩm nghi do virus Zika cho cơ sở điều trị của các tỉnh thành ở khu vực phía Nam. Viện Pasteur đã xét nghiệm lại cho 96 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp sốt xuất huyết nhẹ năm 2015. Đầu năm 2016, Viện Pasteur đã thiết lập hệ thống giám sát tại 8 điểm thuộc 8 tỉnh đại diện cho khu vực phía nam, bao gồm các phòng khám ngoại trú thuộc bệnh viện tuyến huyện. Kết quả đã thu thập được 323 mẫu bệnh phẩm; xét nghiệm của tất cả các mẫu bệnh phẩm trên đều chưa phát hiện virus Zika.
Sau thông tin du khách người Australia có thể nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam (du khách lưu lại ở TPHCM, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận) khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng. Về chuyên môn, ý kiến của ông về trường hợp này như thế nào?
– Vừa qua, thông qua cơ quan đầu mối về Y tế Quốc tế tại Việt Nam và tại Australia (IHR) đã ghi nhận trường hợp du khách người Australia mắc bệnh do virus Zika sau thời gian du lịch ở Việt Nam. Căn cứ vào khoảng thời gian du khách này lưu trú tại Việt Nam với khoảng thời gian ủ bệnh do virus Zika cho thấy có sự trùng khớp. Cụ thể, du khách có thời gian lưu trú tại Việt Nam từ ngày 14/2 đến ngày 6/3 và phát bệnh sau 2 ngày trở về nước. Do đó không loại trừ bệnh nhân này đã nhiễm bệnh tại Việt Nam.
Vậy sự cảnh báo, định hướng giám sát, xét nghiệm mẫu trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
– Trước tình hình diễn tiến phức tạp, có chiều hướng lây lan rộng của virus Zika trên thế giới và với việc phát hiện trường hợp du khách bị nhiễm virus Zika sau khi du lịch tại Việt Nam, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện Pasteur TP.HCM đã triển khai hệ thống giám sát toàn diện trên cộng đồng và bệnh viện nhằm tầm soát và phát hiện kịp thời bệnh nhân xâm nhập và bệnh nhân nội tại. Viện Pasteur TPHCM phối hợp cùng Sở Y tế thành phố và Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng triển khai giám sát virus Zika tại phòng khám ngoại trú của 32 bệnh viện bao gồm tất cả bệnh viện quận/huyện, bệnh viện đa khoa trung tâm và khu vực của TPHCM và tỉnh Lâm Đồng.
Song song công tác giám sát, lấy mẫu, phát hiện Viện Pasteur TPHCM tiếp tục giám sát, kiểm tra, các địa phương triển khai sớm và hiệu quả chiến dịch “Người dân tự diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết”, hướng dẫn người dân tự xử lý các dụng cụ chứa nước. Truyền thông nguy cơ và biện pháp phòng chống tại cộng đồng và khu vực cửa khẩu. Đối với các điểm nguy cơ cao có thể lưu hành virus Zika bao gồm khu lưu trú và khu du lịch tập trung nhiều người nước ngoài, cơ quan y tế trên địa bàn tiến hành điều tra và xử lý véc tơ truyền bệnh do virus Zika.
Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Tân Sơn Nhất TP.HCM sẵn sàng phòng, chống dịch.Ảnh: S.Xanh.
Khuyến cáo của Viện Pasteur để người dân thực hiện tốt khâu phòng – chống đối với bệnh do virus Zika gây ra?
– Biện pháp phòng ngừa bệnh do virus Zika hiệu quả nhất hiện nay vẫn là diệt muỗi và lăng quăng. Kiểm soát tốt muỗi và lăng quăng không chỉ giúp phòng ngừa được bệnh do virus Zika, mà còn phòng ngừa được bệnh nguy hiểm là sốt xuất huyết. Người dân cần thường xuyên thực hiện các biện pháp đơn giản như sau: mọi người phải thường xuyên diệt muỗi và lăng quăng; hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi bị sốt. Đặc biệt, phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika khi không cần thiết. Trường hợp phải đi đến những vùng đang có dịch Zika phải đến bác sĩ để tham vấn, kiểm tra sức khỏe trước và sau chuyến đi. Trong thời gian lưu trú tại vùng dịch phải tự phòng ngừa muỗi đốt, theo dõi chặt tình trạng sức khỏe và đi khám ngay khi có dấu hiệu mắc Zika như: sốt, phát ban.
Thưa ông, còn đối với du khách đi hoặc đến từ quốc gia đang có dịch thì được thực hiện như thế nào?
– Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe và tự cách ly để phòng chống muỗi đốt trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Đối với người được xác định bị Zika: cần thực hiện các biện pháp tự cách ly, tránh muỗi đốt trong ít nhất 7 ngày để hạn chế sự phát tán mầm bệnh cho cộng đồng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tâm Luân(thực hiện)
Bình Nguyên
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.