Trà nhân trần không chỉ là nước giải khát mà còn là vị thuốc có tác dụng rất tốt cho gan, mật. Tuy nhiên, khi sử dụng nhân trần có một số lưu ý mà chúng ta cần biết để không làm giảm hoặc mất đi giá trị của loại “thuốc” này.
Uống trà đá, trà nhân trần vỉa hè… là thói quen thưởng thức và niềm vui được “chém gió” với bạn bè. Niềm vui đó càng thú vị hơn khi ngày hè oi ả được giải khát một cốc nhân trần đá mát lạnh hoặc hơi ấm nồng, nhâm nhi vị đắng man mác cảm nhận nơi đầu lưỡi giúp xua tan giá lạnh khi đông về.
Trà nhân trần không chỉ là nước giải khát mà còn là vị thuốc có tác dụng rất tốt cho gan, mật. Tuy nhiên, khi sử dụng nhân trần có một số lưu ý mà chúng ta cần biết để không làm giảm hoặc mất đi giá trị của loại “thuốc” này.
Tác dụng của nhân trần
Theo sách cổ
+ Nhân trần có vị đắng, tính hơi hàn, vào được bốn đường kinh tỳ, vị, can và đởm.
+ Nhân trần có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, lợi mật thoái hoàng được dùng để chữa các chứng hoàng đản, tiểu tiện bất lợi, viêm loét da do phong thấp…
Nhân trần có tác dụng bảo vệ gan, mật.
Theo y học hiện đại
+ Nhân trần có tác dụng làm tăng tiết và thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật, bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ.
+ Nhân trần giúp hạ huyết áp, thúc đẩy tuần hoàn, giải nhiệt, giảm đau và chống viêm.
+ Nhân trần có khả năng ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, thương hàn, phó thương hàn, mủ xanh, e.coli, lỵ, song cầu khuẩn gây viêm não, viêm phổi và một số loại nấm.
+ Nhân trần giúp cải thiện công năng miễn dịch, ức chế trực tiếp sự tăng sinh của tế bào ung thư.
+ Nhân trần có tác dụng lợi niệu và bình suyễn…
Phương pháp sử dụng nhân trần để điều trị bệnh
+ Tráng nhân trần bằng nước sôi để nguội (làm sạch).
+ Cho nhân trần vào ấm rồi đổ nước sôi, hãm nhân trần trong nước sôi (theo kiểu pha trà) trong vòng 10 phút sau đó chắt lấy nước uống.
+ Uống nhân trần khi nước còn ấm rất tốt cho sức khỏe.
+ Có thể phối hợp nhân trần với 1 số thảo dược bổ gan khác để tăng tác dụng như: diệp hạ châu, cúc hoa…
Lưu ý: nếu số lượng nhân trần nhiều nên cho vào ấm đun sôi (từ 5-7 phút) nhân trần sẽ được chiết xuất tốt hơn.
Trà nhân trần không nên sử dụng thường xuyên.
Những lưu ý khi sử dụng nhân trần
+ Mua nhân trần ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
+ Do khí hậu Việt Nam nóng ẩm nên khi mua và sử dụng nhân trần cần kiểm tra xem có bị ẩm, mốc không (nhân trần mốc gây bệnh cho người sử dụng).
+ Không kết hợp nhân trần với cam thảo (cam thảo có tính giữ nước, nhân trần giúp đào thải, hai vị thuốc trái ngược nhau khi sử dụng chung sẽ không có lợi cho cơ thể).
+ Chỉ nên uống từ 1 đến 2 cốc nhân trần khi dùng để giải khát (nhân trần lợi tiểu dẫn đến thải nhiều gây mất nước khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu tập trung).
+ Không sử dụng nhân trần hàng ngày, thường xuyên.
+ Phụ nữ mang thai không được sử dụng trà nhân trần (gây mất sữa sau sinh)
+ Sử dụng nhân trần chữa bệnh gan, mật…cần tham khảo ý kiến của bác sỹ về phương pháp sử dụng, liều lượng…
Phụ nữ mang thai không nên uống trà nhân trần.
Lời kết
Ở Việt Nam, nhân trần thường mọc hoang ở vùng đồi núi, bờ ruộng, bãi đất trống…Nhân trần có tinh dầu cineol và flavonoit nên thường được dùng làm nước uống vì công dụng mát gan, mật, giải nhiệt…
Tuy nhiên, khi sử dụng nhân trần người dân cần lưu ý không dùng làm đồ uống hàng ngày, không kết hợp nhân trần với cam thảo, không sử dụng nhân trần cho phụ nữ mang thai…vì gây phản tác dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe người uống.
Y học Bạch Mai
Chưa có bình luận.