Suckhoedoisong.vn – Tin theo lời thầy lang chữa bệnh, bà C. đi đắp thuốc, bó lá chữa gãy trật khớp vai suốt 1 tháng. Đến khi thấy chỗ khớp vai sưng nề, đau tăng lên, bà được người nhà đưa đến Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức, tình trạng của bà trở nên quá nặng phải phẫu thuật thay khớp vai, nếu không bệnh nhân có nguy cơ bị tàn phế.
Bệnh trở nặng vì bó lá
Bà Nguyễn Thị C. , 78 tuổi, ở thôn Ao, xã Minh Hảo, Văn Lâm, Hưng Yên nhập viện trong tình trạng đau, không thể vận động khớp vai, phù nề nhiều ở phần mềm. Con của bệnh nhân là ông Nguyễn Văn Tăng cho biết, mẹ ông bị ngã khi đi lại trong vườn nhà cách đây gần 2 tháng. Gia đình đưa bà C. vào Bệnh viện huyện để chụp chiếu, bác sĩ cho biết, bà bị gãy cổ xương cánh tay phải và chỉ định bó bột. Tuy nhiên gia đình và bệnh nhân ngại bó bột và quyết định “xin” cho bà về theo lời mách bảo của hàng xóm đi đắp lá thuốc nam.
Sau hơn 1 tháng đắp lá bó thuốc, bà C vẫn không thuyên giảm, đau tăng lên, khớp vai ngày càng kém vận động. Gia đình lại đưa bà vào nhập bệnh viện ở huyện nhà, bác sĩ cho biết bà C. bị gãy trật khớp, bó thuốc khiến khớp bị di lệch, chèn vào ổ không đúng vị trí, và cho chuyển bà lên điều trị tại Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh thực hiện một ca phẫu thuật khớp vai.
PGS TS Nguyễn Mạnh Khánh – người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân C. cho biết, bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng tổn thương rất nặng, đau ở khu vực khớp vai, chức năng khớp vai không có, bệnh nhân không thể dạng vai, nâng vai, xoay vai do trật khớp, gãy xương. Sau chụp chiếu, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị gãy trật khớp vai, gãy cổ xương cánh tay, chỏm xương cánh tay trật khỏi khớp vai. Đặc biệt, bệnh nhân cao tuổi, đến viện muộn, do tự điều trị bằng thuốc nam lại nhà khiến phần mềm của bệnh nhân bị co dính.
PGS Khánh cho hay, nếu bệnh nhân đến sớm, trật khớp vai thông thường có thể nắn lại, với trường hợp này, có thể là do hậu quả của bó lá không đúng. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân vừa trật khớp vai vừa gãy, lại đến viện muộn sau gần 2 tháng xảy ra tai nạn , không thể mổ đặt lại xương, nên không còn lựa chọn nào khác ngoài phẫu thuật thay khớp vai nhân tạo.
Hậu quả nặng nề khi bó thuốc lá chữa gãy xương
PGS Khánh chia sẻ, tại Viện chấn thương chỉnh hình, chúng tôi đã gặp và xử lý nhiều trường hợp bệnh nhân bó lá thuốc nam chữa bệnh xương khớp, và đây là một trong những trường hợp điển hình để lại hậu quả rất nặng nề cho người bệnh. Người không có hiểu biết, trình độ khi nắn chỉnh khớp không đúng dễ bị di lệch sai vị trí khớp, khiến bệnh không khỏi mà bệnh còn nặng thêm, PGS Khánh cho biết.
-
Ninh Thuận – Cụ ông 67 tuổi hết đau nhức khớp gối thắt lưng sau 3 tuần dùng Khớp Nhật -
Khỏi ngay Mất ngủ, bốc hỏa, khô rát kinh niên mà không cần dùng thuốc
Theo PGS Khánh, nếu sau tai nạn, bệnh nhân đến viện sớm và tuân thủ điều trị của bác sĩ thì việc phẫu thuật dễ dàng và bệnh nhân nhanh chóng hồi phục hơn. Bệnh nhân C. tuổi cao, sau đắp lá, phần mềm vừa sưng, co kéo, xơ dính, các tổ chức cơ không còn mềm mại gây khó khăn cho phẫu thuật viên khi phẫu tích đặt lại khớp.
Hình ảnh minh họa trật khớp vai
Trong quá trình phẫu thuật cho bà C, chỏm xương cánh tay gãy trật, di lệch hẳn vào bên trong thành ngực, chúng tôi phải hết sức thận trọng mới mới lấy được hết các phần chỏm xương bị vỡ, sau đó thay 1 chỏm nhân tạo mới vào. PGS Khánh cho biết, ở vùng khớp vai, xung quanh có nhiều cơ quan mạch máu, nếu phẫu thuật viên xâm nhập sâu quá sẽ làm tổn thương đám rối thần kinh cánh tay hoặc làm tổn thương nhánh của động mạch nách. Tất cả sẽ để lại hậu quả bệnh nhân sẽ bị liệt hoặc gây thiếu máu chi.
Một trong những khó khăn nữa mà phẫu thuật viên gặp phải ở những trường hợp cao tuổi, đến viện muộn là khu vực tổn thương không vận động hàng tháng, dùng thuốc giảm đau kéo dài khiến tình trạng loãng xương tăng nặng, chỉ một sơ xảy của phẫu thuật viên có thể gây ra gãy xương cánh tay thứ phát hoặc gãy quanh phần đầu xương cánh tay.
Khi nào bệnh nhân phải thay khớp vai nhân tạo?
Cũng như thay khớp háng hay khớp gối nhân tạo, thay khớp vai nhân tạo là một trong những kỹ thuật cao nhất của phẫu thuật chỉnh hình xương khớp. Tuy nhiên do đặc thù khớp vai không phải là khớp vận động nhiều, chịu lực lớn nên thoái hóa khớp vai ít gặp hơn so với thoái hóa khớp háng hoặc khớp gối. PGS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình, Bv Việt Đức cho biết, nhóm bệnh thường gặp có chỉ định thay khớp vai bao gồm những bệnh nhân bị thoái hóa khớp vai, hoặc bệnh nhân gặp một chấn thương, tai nạn dẫn đến vỡ chỏm xương phức tạp, không có khả năng đặt lại hoặc kết hợp xương bên trong. Những bệnh nhân bị gãy xương phức tạp kèm theo trật khớp cũng có chỉ định phẫu thuật thay khớp vai nhân tạo. Ngoài ra, có một số bệnh nhân bị ung thư khu vực lồng ngực như ung thư vú, sau điều trị tia xạ, bệnh nhân có thể gặp hoại tử vô khuẩn thứ phát cũng ảnh hưởng tới khớp vai.
PGS Khánh cho hay, trước đây bệnh nhân bị vỡ xương cánh tay, chúng tôi thường đặt lại chỏm xương cánh tay và kết hợp xương, nhưng tỷ lệ thành công rất thấp, do xương không liền được dù được cố định bằng nẹp vít, kim, hay vít xốp thông thường. Chỉ vài tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ bị cứng khớp vai, hoặc chức năng vận động khớp vai rất hạn chế. Hiện nay với kỹ thuật thay khớp vai nhân tạo, chỉ 30 phút sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ có một khớp vai hoàn toàn mới và chỉ sau 1 ngày, bệnh nhân có thể tập vận động ngay, đây là một trong những ưu điểm lớn của kỹ thuật này.
PGS Khánh khuyên, thoái hóa khớp vai thường gặp ở những người cao tuổi, những người có biểu hiện đau khớp vai, hạn chế vận động khớp, lục khục trong khớp, xoay trong, xoay ngoài bị hạn chế, không thể dang hết tay, cần được đi kiểm tra bởi các bác sĩ chuyên khoa. Khi chụp X quang, với người bị thoái hóa khớp sẽ thấy hình ảnh khớp bị biến dạng, mất đi sự tròn đều của chỏm xương cánh tay, hẹp khe khớp, hoặc gai xương mọc quanh khớp vai. Tuy nhiên hay gặp nhất là vỡ xương, trật xương sau một tai nạn lao động hoặc sinh hoạt.
Hải Yến
Nguồn: SKDS
Chưa có bình luận.