Ảnh minh họa
“Mẹ đừng so sánh con với ai nữa. Đừng ép con phải đạt thành tích này thành tích kia. Những thành tích đó đâu có ý nghĩa nhiều khi con vào cấp ba”…
Đó là một phần nội dung bức thư một cậu bé lớp 9 gửi mẹ, khi cô giáo ra đề văn “Điều gì bạn muốn nói nhất với cha mẹ”. Câu chuyện này được mẹ cháu chia sẻ trong buổi nói chuyện “Trẻ dậy thì sớm và vai trò của cha mẹ” nhân dịp 20/10 tại Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM.
Người mẹ cho biết, cậu con trai học làng nhàng và có vẻ không thích học, trong khi chị luôn muốn con phải học giỏi hơn. Vì thế chị thường lấy tấm gương của mình thời bằng con hay các bạn hàng xóm để khích tướng con. Chỉ đến khi con viết ra một bài văn rất xúc động, mà bình thường con vốn học văn không giỏi, chị mới giật mình.
Thạc sĩ Phạm Thị Thúy – Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, cho biết muốn được khẳng định mình là một nhu cầu rất lớn ở trẻ vị thành niên nhưng bố mẹ thường ít khi nhận ra.
Không có lứa tuổi nào mà mối quan hệ cha mẹ – con cái dễ xảy ra xung đột như khi trẻ ở lứa tuổi teen, bởi lúc này trẻ muốn khẳng định mình đã lớn nhưng cha mẹ vẫn luôn nghĩ rằng con còn bé và áp đặt con.
Dưới đây là 5 nhu cầu cơ bản của trẻ tuổi teen và cách ứng xử phù hợp của cha mẹ để có thể giúp con phát triển tốt nhất, theo gợi ý của chuyên gia tâm lý và giáo dục Phạm Thị Thúy.
Nhu cầu hiểu biết về sự thay đổi của cơ thể
Trẻ rất muốn biết sự phát triển của cơ thể mình là bình thường hay không bình thường, tại sao lại như thế. Trẻ quan tâm nhiều đến chuyện mập – ốm, cao – thấp, to – nhỏ… Nhiều trẻ bắt đầu nhịn ăn hay ăn kiêng vì sợ mập dù thực tế rất gầy… vì thế cha mẹ cần chú trọng từng câu nói nhận xét về cơ thể trẻ.
Khi nhu cầu này không được thỏa mãn thì trẻ có xu hướng không hài lòng về cơ thể mình. Những suy nghĩ tiêu cực về bản thân có thể hạn chế khả năng học hành và kết bạn của trẻ.
Vì thế cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện, đồng cảm với những lo lắng của con trẻ, giải tỏa những “thắc mắc không biết hỏi ai”, giúp trẻ tránh được những thái độ tiêu cực về bản thân mình.
Nhu cầu hiểu biết về sự thay đổi cảm xúc của bản thân
Sự mất cân bằng tạm thời của hệ thần kinh làm cho cảm xúc của tuổi này không ổn định: Dễ xúc động, dễ vui, dễ buồn, dễ giận, dễ bực tức, dễ cáu gắt…
Tâm lý của trẻ vị thành niên được ví là “sáng nắng, chiều mưa, giữa trưa sương mù”. Trẻ rất muốn biết tại sao mình lại trở nên phức tạp như thế.
Nhiệm vụ của cha mẹ là giúp con trẻ thoải mái nói ra cảm xúc của mình, bình tĩnh lắng nghe và cùng trẻ phân tích cảm xúc để thấy mọi việc “không có gì là ghê gớm cả”.
Nhiều khi cha mẹ hỏi mà trẻ không chịu nói về bản thân thì cha mẹ có thể kể chuyện của chính mình. Trẻ bề ngoài có thể tỏ ra thờ ơ, nhưng thực ra lại rất chú tâm đến các câu chuyện của bố mẹ.
Ở tuổi này, nếu cha mẹ không quan tâm hoặc quan tâm không đúng cách, trẻ rất dễ bị ức chế. Giai đoạn này, cha mẹ cần quan tâm tới trẻ nhiều hơn cả thời trẻ tiểu học mầm non, nhưng thực tế rất nhiều cha mẹ bắt đầu lơ là con.
Nhu cầu được làm người lớn
Trẻ vị thành niên muốn mở rộng các mối quan hệ với người lớn, muốn được tin tưởng và muốn được độc lập. Trẻ muốn có đời sống riêng tư. Ví dụ tự đi học, muốn có đồ đạc riêng, chỗ nghỉ ngơi, chỗ học tập riêng, thậm chí cả ý nghĩ riêng.
Sự can thiệp của cha mẹ vào không gian riêng tư của con dễ gây phản ứng căng thẳng nơi trẻ, bởi vì đây là thời điểm trẻ tìm kiếm sự độc lập, tách khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Một số trẻ có thể giận cha mẹ cả tuần khi bị cha mẹ lục đồ hay đọc trộm nhật ký, dù ở lứa tuổi tiểu học, trẻ vô tư để cha mẹ sắp xếp.
Đây là giai đoạn mà mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ có rất nhiều vấn đề. Cha mẹ vẫn nghĩ con là trẻ con, sợ con tuột khỏi vòng tay mình nên áp đặt điều này điều kia, trẻ muốn chứng minh mình đã lớn nên phản kháng.
Nếu cha mẹ không nhận ra được mong muốn này của trẻ để điều chỉnh cư xử cho phù hợp thì xung đột có thể xảy ra. Trong xung đột, trẻ sẽ cố làm giảm đi quyền lực của cha mẹ, trẻ sẽ dùng cách phê phán, chống đối, làm trái ý cha mẹ và thậm chí nổi loạn…
Cha mẹ nên nhớ, sự thông cảm, khoan dung, ân cần, biết lắng nghe, chấp nhận là hỗ trợ quý giá mà trẻ mong muốn có được từ cha mẹ.
Nhu cầu khẳng định mình trong bạn bè
Với trẻ teen, mối quan hệ bạn bè có ý nghĩa quan trọng và có sức hấp dẫn kỳ lạ. Trước hết, cùng tuổi, cùng trường, cùng những ý tưởng giống nhau, cùng thưởng thức một thứ âm nhạc, một kiểu thời trang, cùng chung những thần tượng…bạn bè dễ hiểu nhau, dễ tìm thấy sự đồng cảm ở nhau.
Hơn nữa, trong quan hệ bạn bè, trẻ được thỏa mãn nhu cầu được công nhận là người lớn, trong khi đó, với người lớn, trẻ vẫn còn là trẻ con. Trẻ vị thành niên dễ tuân thủ theo bạn bè.
Mong muốn có bạn thân để cùng nhau học tập, rèn luyện, để được tin cậy, tôn trọng và được tự khẳng định mình là mong muốn mãnh liệt của tuổi mới lớn.
Tuổi này không thể sống thiếu tình bạn. Sự bất hòa trong quan hệ bạn bè, sự thiếu bạn thân, tình bạn bị phá vỡ đều gây ra những cảm xúc nặng nề nơi trẻ.
Cha mẹ không thể áp đặt con chơi với bạn này, bạn kia nhưng nên quan tâm đến bạn của trẻ, hướng con kết thân với những người bạn tốt. Đặc biệt, cha mẹ hãy là những người bạn thật sự của các con ở tuổi này. Việc làm bạn với con nên bắt đầu từ khi con còn nhỏ.
Tuy nhiên, bây giờ mới làm bạn, dù hơi khó nhưng không phải là không thể, có thể bằng những hành động cụ thể như bố rủ con trai chơi thể thao cùng, mẹ cùng gái đi mua sắm, làm đẹp…
Nhu cầu xác định bản sắc riêng của bản thân
Trẻ vị thành niên thường suy nghĩ miên man xem mình là ai và điều gì làm cho mình trở nên khác biệt với người khác, những câu hỏi trẻ thường xuyên đặt ra cho mình là “tôi là ai?”, “tôi có ý nghĩa gì trong cuộc đời?”, “tôi sẽ làm gì trong đời?
Trẻ không thích bị so sánh với người khác, không thích bị so sánh với bạn bè cùng trang lứa, không thích bị so sánh với anh chị em, không thích so sánh với ba mẹ lúc nhỏ…
Trẻ mong muốn được chấp nhận là chính mình. Bản sắc riêng có ý nghĩa rất to lớn cho mỗi cá nhân, giúp người ta tự tin vào bản thân mình, góp phần làm nên sự thành đạt của con người trong cuộc đời.
Tiếc rằng nhiều cha mẹ không để ý đến nhu cầu này của trẻ. Đối với tuổi mới lớn, sự chấp nhận, sự thông cảm của cha mẹ mới là yếu tố quan trọng trong sự hình thành bản sắc riêng của trẻ. Sự phê bình, sự phủ nhận sẽ làm lu mờ bản sắc của trẻ. Thay vì chê bai, cha mẹ hãy động viên những mặt tích cực của con.
Chuyên gia tâm lý kết luận, không có thời điểm nào trong cuộc đời mà người ta lại thay đổi nhanh chóng như tuổi mới lớn, không chỉ thay đổi về thể chất mà còn thay đổi cả tâm hồn nữa.
Cha mẹ hãy xem sự phát triển của trẻ vị thành niên là một giai đoạn thử thách, trong lúc cố gắng chờ đến khi con trẻ thật sự trưởng thành.
Cha mẹ hãy sử dụng tình yêu thương và sự hiểu biết để cùng con vượt qua những sự khủng hoảng nếu có. Hãy tạo điều kiện thuận lợi cho con trẻ nên người.
Nếu cha mẹ tôn trọng con, coi con như một người lớn, trẻ sẽ có những ứng xử rất người lớn, ngược lại cha mẹ coi con như một đứa trẻ, áp đặt con, bé sẽ có những phản kháng rất trẻ con.
Chưa có bình luận.