Thứ Hai, 30/05/2016 | 18:30

Suy giãn tĩnh mạch chân không chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ mà tình trạng tắc tĩnh mạch còn gây biến chứng như hình thành cục huyết khối trong lòng tĩnh mạch, có thể lan lên phổi gây tắc mạch phổi rất nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Mắc bệnh nhưng không biết

Chị Nguyễn Thu Hương (giáo viên ở Q.Bình Thạnh, Tp.HCM) dạo gần đây thường cảm thấy bàn chân nhức mỏi, khó chịu và có nhiều đường gân xanh nổi rõ. Sau khi đi khám bệnh chị mới giật mình tự trách bản thân vô tâm với sức khỏe. Theo các bác sĩ thì chị đang bị mắc một bệnh lý gọi là suy tĩnh mạch chi dưới và nguyên nhân chính là do đứng nhiều.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Hiền ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội lại xuất hiện những đường gân xanh dưới da sau khi sinh con được vài tháng. Cứ tưởng là do mới sinh không kiêng khem và sau một thời gian nó sẽ tự lặn nên chị cũng không lo lắng lắm. Nhưng sau vài tháng những đường gân đó không mất đi mà lại nổi rõ hơn, chị đi khám mới biết mình bị giãn tĩnh mạch.

Một trường hợp khác gặp dấu hiệu tương tự là Thanh Nhân, một nhân viên văn phòng, 28 tuổi ở Âu Cơ, Q.11, Tp.HCM. Nhân cho biết, vì tính chất công việc phải ngồi nhiều nên gần đây chân bị phù to, đến mức phải đến bệnh viện. Sau khi kiểm tra thấy nhiều gân đỏ li ti ngay mắt cá chân, bác sĩ cho biết Nhân bị giãn tĩnh mạch chi dưới.

Suy giãn tĩnh mạch chân: Dễ biến chứng nguy hiểm vì... chủ quan

Tỉ lệ người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch ngày càng tăng cao và trẻ hóa, có đến 77,6% các bệnh nhân không biết mình mắc bệnh.

Một số chị làm việc ở các quầy thuốc, nhà may cũng than thở về tình trạng nổi gân và nhức mỏi chân. Đây là biểu hiện của bệnh suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên nhiều người không biết mình mắc bệnh, không điều trị kịp thời nên bệnh tiến triển nặng, gây biến chứng rất khó chữa, nguy hiểm nhất là tắc mạch phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp, thậm chí gây tử vong.

Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh phổ biến thường gặp, nhất là phụ nữ có sử dụng thuốc tránh thai, phụ nữ mang thai nhiều lần, những người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động như giáo viên, nhân viên văn phòng, tài xế, nhân viên bán hàng, phụ nữ sau sinh, người cao tuổi…. Tỉ lệ người mắc bệnh ngày càng tăng cao và trẻ hóa, có đến 77,6% các bệnh nhân không biết mình mắc bệnh. Trong đó, đa phần là phụ nữ do bị ảnh hưởng của nội tiết.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh suy giãn tĩnh mạch

Các biểu hiện dễ nhận ra của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới là đau mỏi chân, nặng chân, đau bắp chân, thường bị chuột rút vào ban đêm, chân có cảm giác bị kiến bò, nóng và ngứa, có những đường mạch máu nhỏ dạng mạng nhện hay đường gân xanh nổi dưới da. Khi bệnh phát triển sẽ làm chân bị phù, nhất là khu vực mắt cá chân, bàn chân, thường là vào buổi chiều sau giờ làm việc.

Suy giãn tĩnh mạch chân: Dễ biến chứng nguy hiểm vì... chủ quan

Một trong những biểu hiện của bệnh suy giãn tĩnh mạch là có những đường mạch máu nhỏ dạng mạng nhện hay đường gân xanh nổi dưới da

Bệnh suy giãn tĩnh mạch tuy lành tính nhưng nếu không chữa trị kịp thời có thể gây biến chứng nặng. Các biến chứng đầu tiên là cẳng chân xuất hiện chàm da và bị sưng to, cẳng chân đau buốt, có triệu chứng chuột rút về đêm. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân sưng đỏ, nóng, các tĩnh mạch nông nổi rõ, đi lại rất khó khăn, có thể không đi lại được. Tĩnh mạch giãn to làm ứ trệ tuần hoàn và giảm sút chức năng dinh dưỡng của da chân phía dưới, gây viêm loét, nhiễm trùng, rất khó điều trị. Hậu quả nặng nề nhất là xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch, đi về tim theo dòng máu và gây tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch khi phải đứng hoặc ngồi nhiều

Bệnh suy tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý mãn tính, không thể chữa khỏi hẳn, tùy vào độ nặng của bệnh mà được chỉ định các biện pháp điều trị thích hợp. Nếu nhẹ thì có thể dùng tất y khoa khi làm việc, vận động và kết hợp dùng thuốc cho đến khi hết các biểu hiện trên. Nếu bệnh nặng thì phải sử dụng các biện pháp như chích xơ, phẫu thuật rút bỏ tĩnh mạch bị giãn… Hiện nay, ngoài hai phương pháp trên thì phương pháp Laser nội tĩnh mạch đã được áp dụng. Tuy nhiên, chi phí điều trị phương pháp này khá cao.

Suy giãn tĩnh mạch chân là căn bệnh có liên quan nhiều đến tư thế làm việc. Vì vậy để phòng và hạn chế bệnh, chúng ta nên tránh những tư thế làm cho máu ở tĩnh mạch chân khó lưu thông như đứng lâu, ngồi nhiều, ngồi vắt chéo chân, hoặc đi giày cao gót nhiều. Khi ngủ nên kê chân cao 10-15 cm.

Nên thường xuyên vận động để tăng cường lưu thông máu ở chân. Có thể tập thể dục như bơi lội, đi xe đạp, tập dưỡng sinh. Kiểm soát cân nặng, tránh để thừa cân béo phì, nếu quá béo thì cần giảm trọng lượng. Cung cấp đầy đủ chất chống oxy hóa trong chế độ ăn uống của bạn sẽ giúp duy trì một hệ tĩnh mạch mạnh mẽ, khỏe mạnh. Ăn các thực phẩm giàu vitamin, ít muối, nhiều xơ để tránh táo bón và tăng tính bền vững của thành mạch.

Theo Em Đẹp

Nguồn: TTOnline

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook