Những ngày vừa qua, hình ảnh bé Quốc Đạt ngủ trên chiếc giường ghép từ hai cái bàn nhựa, bên cạnh nơi bán đồ ăn của mẹ ngay vỉa hè đã trở nên quen thuộc với người dân sống xung quanh con ngõ nhỏ Kim Liên.
Góc quán ăn vẻn vẹn 4m2 của gia đình chị Tuyết, anh Huế đã quá quen thuộc với những người dân sống quanh con ngõ nhỏ Kim Liên này. Ngày ngày, họ đi qua để ăn sáng, ngồi uống cốc trà và cũng để ngắm gương mặt đáng yêu và những tiếng bi bô của bé Quốc Đạt, cậu con trai mới chỉ được 13 tháng tuổi của anh chị.
Gương mặt sáng, nụ cười xinh, đôi mắt cười và những giấc ngủ ngon lành trên chiếc giường được ghép bởi 2 chiếc bàn nhựa ngay tại góc quán 4m2 cạnh vỉa hè mà chị Tuyết bán hàng là những điều ai đi qua đây cũng sẽ nhìn thấy.
6 tháng nay, ngày nào cũng vậy, dù ngày nắng hay ngày mưa, mùa đông hay mùa hè, bé Đạt vẫn chơi ngoan, ngủ ngon trong quán ăn nhỏ ở vỉa hè chỉ vỏn vẹn 4m2 để bố mẹ buôn bán.
Hằng ngày, bé Đạt nằm ngoan ngoãn trên chiếc giường tạm để cha mẹ bán hàng. Dường như hiểu được hoàn cảnh khó khăn của bố mẹ, Đạt hiếm khi quấy khóc.
Người dân ở đây ai cũng biết hoàn cảnh khó khăn của nhà bé Đạt nên đều tạo điều kiện cho họ bán hàng, kiếm thêm thu nhập.
Mẹ bé Đạt làm đủ nghề, bán đủ món nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu. Mỗi ngày kiếm được khoảng 100.000 – 200.000 đồng. Với số tiền này, anh chị phải tằn tiện, chắt bóp mới tạm ổn.
Quầy hàng của anh chị nằm một góc bên cạnh cổng vào khu tập thể, trong con ngõ 41 Đông Tác (Hà Nội). Buổi sáng chị Tuyết bán cháo trai, trứng vịt lộn, bánh gối, bánh trôi. Buổi trưa và chiều có trà đá, nước mía, dưa cà, nem rán… Ngoài việc phụ vợ dọn hàng, anh Huế còn chạy thêm xe ôm, cắt tóc.
Anh Huế chia sẻ, thời điểm này năm ngoái gia đình anh phải chuyển trọ tới 4 lần. Lý do là chủ trọ chê gia đình anh nghèo nên không muốn cho thuê. Không đủ tiền thuê cửa hàng, anh chị phải dựng tạm tấm bạt làm nơi buôn bán.
Bé Đạt tự chơi từ sáng đến tối muộn, sau khi bố mẹ dọn hàng. Bé rất thân thiện và vui vẻ. Đạt bắt đầu học nói và rất khoái khám phá “thế giới” xung quanh gian hàng của mẹ. Anh Huế dự định khi con được 2 tuổi sẽ xin cho học vào một trường công gần đó. Lúc đó anh chị sẽ có nhiều thời gian hơn, hy vọng sẽ tập trung kiếm được nhiều tiền hơn.
Chị Tuyết nói: “Nhiều hôm bận bịu bán hàng, bé Đạt đều do mấy bác về hưu ở tổ dân phố trông, cho ăn hộ“.
Anh chị toàn tranh thủ vừa bán hàng, vừa để ý xem con đang làm gì, ở đâu. Lúc mẹ rảnh tay, hai mẹ con lại cùng nhau đi dạo trong khu tập thể gần đó.
Bà Thuý người dân ở khu tập thể này chia sẻ, bé Đạt cùng bố mẹ mưu sinh ở đây được khoảng 6 tháng. Người dân khu tập thể đã quen với gương mặt kháu khỉnh, giọng nói bi bô của bé.
Chị Tuyết kể, từ khi sinh ra đến giờ, bé Đạt chỉ ăn sữa mẹ. Khi con ăn dặm, chị cũng chỉ cho bé ăn cháo nhà nấu. “Con dễ ăn dễ uống lắm. Gia đình cũng không dư dả để mua thực phẩm đắt tiền cho cháu. Đồ chơi cũng chỉ tận dụng đồ linh tinh. Vậy mà trộm vía thằng bé nhanh nhẹn, lanh lợi lắm, đi đứng nhoay nhoáy”.
“3 năm nay, vợ chồng và các con chưa có một bộ quần áo mới, 4 lần bị chủ nhà đuổi vì quá nghèo, nhiều lần hai vợ chồng tôi đứng cầm áo mưa che cho con ngủ” – chị Tuyết kể.
Có người bảo, thương bé Đạt còn bé bỏng mà chẳng được chăm bẵm nhiều, hay như mẹ bé ngại ngần, nhà chẳng có đồ ăn xịn, đồ chơi đắt tiền cho con. Nhưng ngắm nhìn gương mặt hồn nhiên, thấy cách bé nắm tay mẹ đi lòng vòng, hoặc giấc ngủ an lành trong chiếc màn chụp mới thấy, hạnh phúc trẻ thơ tràn đầy. Với trẻ con, hình như ở cạnh bố mẹ, được yêu thương, thế đã đủ đầy rồi, phải không?
Video: Thương cho hoàn cảnh của 3 cha con người Khmer
Theo Thời Đại
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.