2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum hiện được xem là “điểm nóng” về dịch sốt xuất huyết. Thời tiết được cho là đang tạo điều kiện để dịch bệnh lây lan nhanh, bùng phát mạnh khiến cho số ca mắc bệnh phải nhập viện gia tăng đột biến, một số bệnh viện (BV) trở nên quá tải. Hiện đã có bệnh nhân tử vong vì SXH nhưng tình hình dịch bệnh vẫn đang lan nhanh ở mức báo động, trước nguy cơ mất kiểm soát.
Bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang điều trị tại BV đa khoa tỉnh Gia Lai.
Người dân còn chủ quan
Được xác định là “cao điểm” của mùa dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), xong chưa năm nào tỉnh Gia Lai lại có số ca bị mắc SXH tăng cao đột biến như năm nay. Tại BV Đa khoa tỉnh Gia Lai, mỗi ngày trung bình có 20 – 30 bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng được chuẩn đoán là bị mắc SXH. Bác sĩ Rcom Manh- Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết, BV đang trong tình trạng quá tải. “Bệnh nhân phải nằm đôi, các gường bệnh đã chật kín, bệnh nhân phải nằm cả hành lang bệnh viện, hiện không còn chỗ nào mà chứa nữa” – bác sĩ Manh nói.
Báo cáo Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, toàn tỉnh hiện có 3.379 ca nhiễm SXH, các ổ dịch mới lại manh nha xuất hiện, nguy cơ bùng phát, lây lan mạnh trong các khu dân cư rất dễ mất kiểm soát. Hiện tại 17/17 huyện, thị xã của tỉnh đã xuất hiện các ca nhiễm SXH; trong đó bùng phát mạnh nhất tại TP. Pleiku (gần 1.000 ca), tiếp đến là các huyện Đắk Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Đắk Pơ… có ngày đỉnh điểm phát hiện 115 ca mắc bệnh mới và đã có bệnh nhân tử vong.
Trong khi đó, tại tỉnh Kon Tum số ca mắc bệnh vẫn tiếp tục tăng và đã có hai bệnh nhân tử vong. Toàn tỉnh cũng có xấp xỉ 1.400 ca mắc bệnh SXH, các ổ dịch vẫn đang tiếp tục bùng phát tại các huyện Đắk Hà, Đắk Tô, Đắk Glei và TP.Kon Tum…
Nhận định số ca mắc SXH tăng mạnh trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân nhưng theo bác sĩ Nguyễn Thị Vân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Kon Tum, một trong các nguyên nhân là ý thức tự phòng bệnh của người dân còn hạn chế. Người dân còn trông chờ, ỷ lại với lí do “việc xử lý là của cán bộ y tế”. “Muốn ngăn ngừa bệnh SXH, thời gian tới ngoài sự vào cuộc của ngành y tế thì người dân cũng phải tự phòng bệnh bằng cách diệt muỗi, tự thu gom các dụng cụ chứa nước, phế thải…”- bác sĩ Vân khuyến cáo.
Kiên quyết không để dịch lây lan
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cũng đã gửi công điện khẩn đến ngành y tế các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu tập trung nguồn lực khẩn trương xác định các ổ dịch khoanh vùng khống chế, dập tắt ngay các ổ dịch; kiên quyết không để dịch lây lan. Đồng thời Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đang tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch SXH tại 18 tỉnh trọng điểm trong tháng 8-2016, trong đó có tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Theo đánh giá của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, thời tiết mưa, nắng thất thường làm độ ẩm, nhiệt độ tăng cao là điều kiện thích hợp tạo điều cho muỗi sinh sôi phát triển truyền bệnh làm số ca mắc SXH tăng cao trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan, một số địa phương dù đã được cảnh báo chủ động ứng phó với dịch bệnh SXH ngay từ đầu mùa khô nhưng các biện pháp xử lý cũng chỉ dừng ở mức “kêu gọi” các đoàn thể ra quân: diệt muỗi, loăng quăng, vệ sinh rác thải, phát quang bụi rậm, khơi thông nước tù đọng…
Trong khi đó, việc phân tuyến cấp cứu; phân luồng khám bệnh; thiết lập khu vực riêng để khám, cách ly điều trị; cấp cứu bệnh nhân quá tải khi có đông bệnh nhân và tránh lây nhiễm chồng chéo trong các cơ sở y tế… lại chưa được triển khai hiệu quả. Việc phối hợp không đồng bộ giữa các đơn vị liên quan và người dân cũng là một nguyên nhân để dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh.
Ngày 2/8, Đoàn công tác số 1 của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) ở Gia Lai. Theo ông Đặng Quang Tấn- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)-Trưởng Đoàn công tác số 1, người dân trong khu vực phần lớn là người dân tộc ít người, dân trí còn thấp, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. 3/5 hộ gia đình tại Gia Lai được kiểm tra đều có sử dụng vật chứa nước sinh hoạt không đậy nắp, nhiều lốp (vỏ) xe cũ không còn sử dụng để ngoài vườn, chai lọ, chum vại và các vật linh tinh chứa nước đọng không được xử lý nên muỗi vào đẻ trứng và nhiều lăng quăng/bọ gậy phát triển. Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu địa phương và cơ quan liên quan cần phải có kế hoạch, giải pháp phòng, chống cụ thể đối với từng khu vực có dịch; mới phát hoặc chưa xuất hiện SXH; đồng thời tiếp tục tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân về phòng, chống SXH kết hợp phun thuốc diệt bọ gậy, phát quang bụi dậm, khai thông cống rãnh… nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng và bùng phát. Quốc Nam |
Phạm Hưởng
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.