Thứ Hai, 04/01/2016 | 09:36

Một khảo sát trên hơn 3.000 mẹ vừa được Hội Dinh dưỡng Việt Nam thực hiện cho thấy 70% các bà mẹ phạm sai lầm trong việc cho con ăn mà không hề biết. Việc này lý giải vì sao số lượng trẻ biếng ăn ở nước ta vẫn khá cao.

Khảo sát còn phản ánh rất nhiều sai lầm khác thường gặp của người chăm sóc cho trẻ ăn, chẳng hạn như: Cho trẻ ăn không cố định thời gian; thường hay khen khi trẻ ăn nhiều và rầy la khi trẻ ăn ít, cho trẻ ăn riêng, tách biệt với bàn ăn của gia đình…

Giáo Sư Irene Chatoor (Giáo sư về Tâm lý học và Nhi khoa, Giám đốc Chương trình Y tế Tâm lý Trẻ sơ sinh và Trẻ từ 1-3 tuổi, Trung tâm Y tế Quốc gia của trẻ em, Mỹ) cho biết những sai lầm mang tính căn bản về quá trình cho trẻ nhỏ ăn sẽ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ, có thể khiến trẻ biếng ăn, sợ hãi mỗi khi đến bữa. Kết quả là trẻ vì sợ hãi mà ráng nuốt, nhưng vừa xong bữa lại nôn hết ra. Mẹ lại tiếp tục “đánh vật”, ép con ăn khẩu phần mới. Tình trạng này chỉ cần lặp đi lặp lại trong một thời gian ngắn thì hễ thấy mẹ dọn tô dĩa ra là trẻ khóc, trốn, la hét và trở nên biếng ăn.

Sai lầm của mẹ khiến con biếng ăn

Từ đó Giáo Sư Chatoor đúc kết các nguyên tắc khi cho trẻ ăn trong cuốn sách “Bé Yêu Học Ăn” rất đơn giản, khoa học và dễ áp dụng đối với các mẹ khi cho con ăn như sau:

– Thay vì ép con ăn hết khẩu phần, để trẻ ăn uống “tùy hứng” vào những giờ giấc không ổn định, bạn nên giúp trẻ ăn uống đúng giờ (có bữa chính, bữa phụ đúng thời gian quy định).

– Nên giúp trẻ “trải nghiệm cảm giác đói và no”, vì chỉ khi đói bụng, trẻ mới hào hứng với bữa ăn và thấy ngon miệng.

– Chớ để trẻ ăn linh tinh xen vào khoảng giữa các bữa chính và bữa xế, nếu trẻ khát, chỉ cho uống nước trắng. Vì nếu cho trẻ uống sữa hay nước trái cây lắt nhắt giữa các bữa, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sự ngon miệng của trẻ trong bữa chính.

– Bạn cần “tập cho trẻ quen với việc ngồi yên ở bàn ăn từ hai mươi tới ba mươi phút để học cách ăn cho đến khi no”, thông qua việc ngồi ăn với bố mẹ và anh chị em, trẻ dễ tăng cảm giác vui vẻ, ngon miệng và hào hứng hơn với các món ăn.

– Để khiến trẻ tò mò, không nên dọn thức ăn quá ê hề, mà chỉ cần dọn ra mỗi lần rất ít, đợi trẻ ăn hết sạch đồ ăn trên đĩa rồi mới lấy thêm một tí. Làm như thế sẽ giúp trẻ không cảm thấy ngợp với quá nhiều đồ ăn trước mặt.

Theo Giadinh.net

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook