Sống trong cuộc đời, chỉ cần có cơm ăn ngày 3 bữa là đã may mắn lắm rồi, vì có nhiều người còn khổ sở, bất hạnh hơn, thậm chí đói ăn như cơm bữa. Câu chuyện của cụ ông tên Phạm Văn Hóa sinh năm 1929 ở Nghệ An là minh chứng sống cho điều đó.
Ở cái tuổi 90, cụ ông này mỗi ngày vẫn bươn chải bên triền sông Cả chống thuyền đánh cá để nuôi vợ và hai đứa con bệnh tật, mất sức lao động. Nghị lực đó của cụ khiến nhiều người xúc động đến rớt nước mắt.
Cụ ông đã 90 tuổi vẫn lao động nuôi 2 con 50 tuổi bệnh tật.
Gia đình ông Hóa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong địa bàn xóm 1, xã lạng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Cả gia đình 4 miệng ăn nhà ông Hóa sống cùng nhau trong một căn nhà lụp xụp.
Anh Phạm Văn Du (54 tuổi), con trai đầu của cụ bị tàn tật bẩm sinh, lại bị bệnh u cơ, u da hành hạ suốt thời gian dài. Cuộc sống của anh là chuỗi ngày gắn liền với thuốc men, bệnh tật. Còn con gái cụ là chị Phạm Thị Duyên (51 tuổi) mù cả hai mắt từ nhỏ, lại mắc chứng bệnh thiên đầu thống. Vào những ngày trái gió trở trời, đầu chị lại đau như búa bổ.
Con trai cụ bị bệnh tật hành hạ, không thể lao động.
Con gái cụ thì lại bị mù.
Cả gia đình cụ sống trong 1 căn nhà chật chội.
Vậy là cả gia đình chỉ có mình cụ gánh vác. Cái nghèo và bệnh tật của các con đè nặng lên chiếc lưng còng của cụ. Những mẻ chài bấp bênh trên sông của cụ chính là nguồn sống duy nhất của cả gia đình. Cụ bà Hóa cũng bệnh tật đầy người, nhưng những ngày trời nắng ráo vẫn theo chân chồng xuống sông.
Gạt nước mắt mặn đắng, cụ Hóa chia sẻ: “Gia đình đã nghèo còn gặp eo, vợ chồng già sinh được hai đứa con nhưng đứa thì bị tàn tật, đứa thì mù lòa, cả nhà 4 người cứ thế ốm đau suốt. Do bà bị phong khớp nên không được chạm nước, thương ông mà không biết phải làm sao, chỉ biết theo chân ông xuống đến bờ rồi đứng nhìn”. Bản thân cụ Hóa cũng mang bệnh tuổi già, trời mùa đông nhiệt độ xuống thấp, chân tay co quắp không thể làm việc. Có chút ít trợ cấp của xã hội hỗ trợ người già và người tàn tật, cả gia đình mỗi tháng được hơn 1 triệu đồng song số tiền ít ỏi đó lại phải đẩy hết vào thuốc men, bệnh tật.
Hàng ngày, cụ bà Hóa vẫn tiễn cụ ông đi chài.
Cả nhà đều sống dựa vào cụ ông.
Gia đình cụ cứ thế sống với việc một ngày ăn 2 giờ cơm. 9 giờ ăn sáng rồi xuống sông, chiều về ăn lúc 4 giờ rồi nhịn cho tới giờ cơm ngày mai. Cụ tâm sự: “Người ta ăn 3 giờ, mình nghèo thì ăn 2 giờ, cũng quen rồi, khổ từ khi sinh ra mà. Không phải mình không cố gắng, mà là không thể gắng được nữa, gắng bao nhiêu thì đổ vào tiền thuốc thang cho 2 đứa. Đánh bắt thế này thì một ngày được vài chục nghìn, để vào tiền ăn với sinh hoạt cho cả gia đình. Tiền trợ cấp thì để trả nợ thuốc thang hàng tháng, nhiều khi nhận trợ cấp về đem đi trả tiền thuốc mà không đủ vì trong tháng đau ốm quá nhiều”.
Ở cái tuổi 90, cụ vẫn chưa được nghỉ ngơi.
Nguồn sống cho một ngày của cả gia đình cụ.
Nghe cụ nói mà rưng rưng nước mắt. Lẽ ra cụ Hóa đã được an hưởng tuổi già và hưởng phúc từ con cháu, nhưng vì hoàn cảnh, cụ vẫn phải miệt mài kiếm ăn từng bữa để chăm lo cho vợ và hai người con tật nguyền suốt hơn 50 năm nay. Phải có một nghị lực phi thường và tình thương gia đình vô bờ bến, cụ mới có thể gắng gỏi đến như thế. Hình ảnh cụ trên chiếc thuyền rách bên triền sông, kéo từng mẻ cá khiến người khác không khỏi xúc động và thấy khâm phục.
Theo vtc
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.