Mì căn được ưa chuộng trong giới ăn chay, kiêng thịt. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mì căn không thực sự là một thực phẩm lành mạnh cho tất cả mọi người.
Mì căn là gì?
Mì căn (tên tiếng Anh: Seitan) là nguyên liệu chính để làm các món chay. Có nguồn gốc từ Nhật Bản, với thành phần chính là bột mì, mì căn giàu protrin thực vật (đạm thực vật), có thể dùng thay thế thịt. Cách làm mì căn khá đơn giản, nhồi bột mì với nước ấm có pha ít muối, đến khi bột dẻo mịn không dính tay là được. Cho bột mì vào túi vải sạch, buộc lại, thả vào thau nước lạnh nhồi cho ra nước đục, đổ bỏ nước. Cho nước khác vào nhồi tiếp, thay nước khoảng 2 – 3 lần đến khi nước không còn màu trắng đục, lấy túi bột ra, vuốt cho nước chảy ra hết. Gỡ bột ra, chia thành nhiều miếng nhỏ, dùng vải sạch hoặc nilon gói lại, cột thêm bằng dây cho chắc, đem luộc hoặc hấp khoảng 15 – 20 phút là bột chín.
Lấy mì căn khỏi bao vải, để nguội, nếu chưa dùng ngay thì bảo quản trong tủ lạnh
Mì căn dai và dễ thấm gia vị nên thường được chiên vàng sau đó xé nhỏ, dùng trộn các món gỏi, làm bì chay, chiên sả ớt, xào rau củ… Khi nấu lâu, mì căn không bị nát nên cũng rất được ưa chuộng trong các món hầm, cà ri, xá xíu, phá lấu… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, mì căn không thực sự là một thực phẩm bổ dưỡng đối với tất cả mọi người vì những nguyên nhân sau:
Hoàn toàn là gluten
Mì căn hoàn toàn là gluten lúa mì và nó không thể “đội trời chung” với những người bị Celiac – bệnh lý đường ruột do cơ thể bị nhạy cảm/dị ứng với gluten trong thực phẩm gây ra. Chính vì vậy khi người bệnh Celiac ăn mì căn thường có các biểu hiện: Tiêu chảy, đầy hơi, đau bụng… Ngoài ra, người bệnh có thể không có triệu chứng tiêu hoá nào nhưng lại có những biểu hiện ngoài da như nổi mẩn ngứa hay biểu hiện bệnh lý răng miệng, thần kinh. Nếu bệnh để lâu ngày sẽ xuất hiện các dấu hiệu kém hấp thu như sụt cân, còi cọc, phân có mùi hôi khắm và có thể lẫn mỡ, màu xám, nhão. Đặc biệt, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như: Thiếu máu, lùn, chậm phát triển, dậy thì muộn…
Thời gian gần đây, chế độ ăn không có gluten đang là “mốt” của nhiều người quan tâm tới chăm sóc sức khỏe. Riêng ở Mỹ, có hơn 20 triệu người cho rằng chế độ ăn không gluten là tốt cho sức khỏe hơn và khoảng 13 triệu người đang tìm cách loại bỏ hoàn toàn gluten trong nỗ lực giảm cân của họ.
Không phải là protein hoàn chỉnh
Mì căn và thịt nạc đều chứa protein, nhưng không có nghĩa protein này là như nhau. Mì căn không chứa tất cả các acid amin thiết yếu trong khi thịt động vật lại chứa tất cả các acid amin thiết yếu mà cơ thể con người cần để hoạt động bình thường.
Vậy, các acid amin quan trọng như thế nào? Acid amin thiết yếu hay acid amin không thay thế là loại acid amin không thể được tổng hợp trong cơ thể (thường chỉ cơ thể người), và do đó phải được lấy từ thức ăn. Cơ thể con người cần acid amin để tạo ra protein giúp sửa chữa các mô cơ thể, kích hoạt sự tăng trưởng và phân huỷ thức ăn. Acid amin cũng hỗ trợ việc kiểm soát cơ bắp, hình thành các mô cơ và bảo vệ hệ thống thần kinh. Ngoài ra, chúng thúc đẩy việc sản xuất hormone tăng trưởng trong cơ thể, chẳng hạn như testosterone. Chính vì vậy, protein trong mì căn không hoàn chỉnh và không thể thay thế hoàn toàn thịt động vật. Nếu chỉ ăn mì căn, cơ thể sẽ thiếu hụt các acid amin cần thiết.
Thúc đẩy viêm và dị ứng
Như đã nói ở trên, người bệnh Celiac ăn mì căn rất dễ bị dị ứng. Ngoài ra, đối với những người có cơ địa dễ dị ứng, ăn mì căn có thể khiến kích hoạt các phản ứng viêm trong cơ thể, mà viêm chính là gốc rễ của hầu hết các bệnh.
Nhiều natri
Hầu hết những người ăn mì căn đều mua chúng ở ngoài cửa hành nên vấn đề an toàn vệ sinh cũng như độ “tinh khiết” của nó sẽ khó có thể đảm bảo. Phần lớn các sản phẩm mì căn bán ngoài thị trường thường có hàm lượng natri cao gây tăng huyết áp và một loạt các vấn đề sức khỏe khác.
Ví dụ: ½ bát mì căn có trước khi chế biến chứa 576mg natri, cung cấp khoảng 25% hàm lượng natri khuyến cáo mỗi ngày. Tuy nhiên, sau khi chế biến, mì căn lại có thể chứa thêm các thành phần phụ khác có hoặc không gây hại cho sức khỏe của bạn (như đường, muối). Hơn nữa, mỗi ngày, bạn không chỉ ăn mỗi mì căn nên hàm lượng natri bạn nạp vào cơ thể rất có thể sẽ vượt ngưỡng và gây hại cho bản thân, đặc biệt khi bạn đang bị tăng huyết áp hoặc các vấn đề tim mạch.
Lựa chọn thay thế mì căn:
– Tempeh: Đậu nành lên men truyền thống có nguồn gốc từ Indonesia.
– Natto: Đậu nành lên men truyền thống có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Biết Tuốt H+ (Theo Dr.Axe)
Nguồn: Health+
Chưa có bình luận.