Thứ Năm, 22/03/2018 | 15:12

Thủy châm (hay tiêm thuốc vào huyệt) là một phương pháp chữa bệnh kết hợp Đông – Tây y, phối hợp tác dụng chữa bệnh của châm kim theo học thuyết kinh lạc của Y học cổ truyền với tác dụng chữa bệnh của thuốc tiêm.

Thủy châm có tác dụng như thế nào?

Thủy châm không chỉ có tác dụng làm giảm hay ức chế căn bệnh mà nó trực tiếp và nhanh chóng khắc phục nguyên nhân gây ra bệnh. Khi các dược chất vô trùng được tiêm vào một huyệt vị trên cơ thể sẽ truyền xung động kích thích đó đến vỏ não, rồi từ vỏ não phản xạ tới các cấp của hệ thần kinh, để điều chỉnh tất cả hoạt động của cơ quan nội tạng nhờ đó giúp chữa khỏi bệnh và phục hồi các tổn thương.

Các bệnh thường được chữa phương pháp thủy châm là đau nửa đầu mãn tính, thiểu năng tuần hoàn não, viêm thần kinh hông to…, đặc biệt là những cơn đau cấp…

Thủy châm kèm với châm cứu nâng cao hiệu quả rõ rệt đối với các trường hợp như: sau khi đột quỵ, thoái hóa xương khớp, bong gân, trật xương, hen phế quản và một số bệnh nan y hoặc mãn tính với hiệu quả bất ngờ.

Thủy châm – hiệu quả điều trị nhân đôi

Thực tế điều trị cho thấy, thủy châm  cho hiệu quả cao hơn rất nhiều, có thể nói là gấp đôi, so với việc dùng riêng một phương pháp Đông y hoặc Tây y. Bởi vì, ngoài tác dụng giảm đau nhanh của thuốc Tây y dành cho các bệnh cấp thì tác dụng của việc tiêm thuốc vào các huyệt đạo, tác động đúng huyệt vị nên hiệu quả nhanh và tăng hơn.

– Chỉ định: thường được dùng để chữa bệnh mãn tính, giảm đau như: bệnh viêm khớp mạn, thoái hóa xương khớp, bong gân, trật xương, đau dây thần kinh ngoại biên, hen phế quản…

– Chống chỉ định:

+ Không nên điều trị các bệnh cấp cứu bằng thủy châm đơn thuần

+ Các cơn đau bụng cần theo dõi về ngoại khoa

+ Người sức khỏe yếu, trạng thái tinh thần không ổn định

+ Không được dùng các thuốc tiêm bắp thịt mà bệnh nhân bị phản ứng

+ Không được dùng các thuốc tiêm bắp thịt có tác dụng kích thích gây sơ cứng, hoại tử các vùng có dây thần kinh và các cơ

+ Không dùng các loại kháng sinh

Một số lưu ý khi điều trị bằng phương pháp thủy châm

Thông thường sau khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân thường có một số cảm giác như khô miệng, nóng bừng mặt, hoa mắt chóng mặt, huyết áp tăng… Vì vậy, bệnh nhân cần nằm nghỉ 15 phút, các triệu chứng này thường qua nhanh.

Mỗi ngày chỉ nên thủy châm 1 lần, đợt điều trị có thể tiến hành khoảng 10-15 lần.

Thủy châm chỉ có thể được thực hiện với tình trạng bệnh cần thiết, phải được sự chỉ định của thầy thuốc và thực hiện tại bệnh viện bởi các bác sĩ có tay nghề vững vàng, đủ kinh nghiệm. Vì thủy châm rất dễ xảy ra một số tai biến, nhất là tai biến do liều lượng mà trong Đông y gọi là “vựng châm” nên bệnh nhân tuyệt đối không được phép tự thực hiện phương pháp này tại nhà.

Phương pháp Thủy châm điều trị bệnh hiệu quả nhân đôi

Yhocvn.net (Theo BV Châm cứu TW)

 

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook