Vắc xin cũng là một loại thuốc nên cũng có thể xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm. Phụ huynh nên tìm hiểu kỹ các thông tin về phản ứng phụ tại điểm tiêm chủng để làm chủ được những phản ứng sau tiêm ở trẻ.
Vắc xin ngừa Lao: Phản ứng thông thường như đau, sưng, nóng, đỏ (chiếm 90-95%). Phản ứng nghiêm trọng có thể gặp như viêm hạch có mủ, viêm xương, nhiễm khuẩn BCG lan tỏa (xuất hiện ở trẻ dưới 1 tuổi, phản ứng này rất hiếm gặp, khoảng 100/1triệu liều)
Vắc xin viêm màng não do Hib: phản ứng tại chỗ như đau, sưng, nóng, đỏ, sốt >38 độ (chiếm 5%)
Vắc xin viêm gan siêu vi B: phản ứng tại chỗ như đau, sưng, nóng, đỏ, sốt >38 độ (chiếm 5-15%)
Vắc xin Sởi: phản ứng tại chỗ như đau, sưng, nóng, đỏ, phát ban, sốt >38 độ (chiếm 5-15%). Phản ứng nghiêm trọng có thể xảy ra như co giật có sốt (330/1 triệu liều), giảm tiểu cầu (30/1 triệu liều), sốc(1/1 triệu liều)
Vắc xin bại liệt OPV: phản ứng liệt liên quan đến vắc xin, thời gian xuất hiện từ 4-30 ngày sau khi uống. Tỷ lệ này rất hiếm gặp (2-4 trường hợp/1 triệu liều)
Vắc xin uốn ván: phản ứng có thể gặp như viêm thần kinh cánh tay, sốc. tỷ lệ hiếm gặp (1-6 trường hợp/1 triệu liều)
Vắc xin có thành phần kháng nguyên ho gà toàn tế bào: phản ứng như trẻ khóc thét dai dẳng, co giật, giảm trương cơ lực, sốc, bệnh não. Các phản ứng này rất hiếm gặp.
Theo BS Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, sau khi tiêm chủng, trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử lý nếu có những bất thường xảy ra. Trong 30 phút này, nếu trẻ có phản ứng sốc sẽ bộc lộ ngay và các y, bác sĩ tại nơi tiêm chủng sẽ có biện pháp kịp thời tiêm chống sốc.
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Y tế, các điểm tiêm chủng phải có hộp thuốc chống sốc, có phác đồ chống sốc treo tại nơi thực hiện tiêm chủng vắc xin, sinh phẩm y tế. Ngoài ra, khi về nhà phụ huynh cần tiếp tục theo dõi trẻ ít nhất trong vòng 24 giờ tại nhà về các vấn đề như: toàn thể trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế, không được chủ quan.
Phản ứng thông thường thường gặp sau tiêm chủng như: sốt, đau nơi tiêm, ngứa xung quanh vết tiêm, sưng, nóng đỏ nơi tiêm… các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày. Riêng tai biến nặng trẻ có thể bị sốt cao, co giật, khó thở, tím tái, ngưng thở, sốc phản vệ, sốc nhiễm độc. Tuy nhiên, các tai biến nặng này rất hiếm gặp mà nguyên nhân có thể do bé có sẵn bệnh trong người mà khi khám sàng lọc bác sĩ không phát hiện ra, bệnh khởi phát sau tiêm chủng.
Phụ huynh nên tìm hiểu kỹ thông tin về những phản ứng phụ ngay tại điểm tiêm chủng để làm chủ được những phản ứng sau tiêm ở trẻ. Những phản ứng nguy hiểm thường chỉ xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm nên phụ huynh cần lưu lại thêm 30 phút tại điểm tiêm chủng để được theo dõi và xử lý kịp thời ngoài ra cần theo dõi trẻ ít nhất 24 tiếng tại nhà, khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời xử lý.
An Nhiên – Báo infornet
Nguồn: Báo Tầm Nhìn
Chưa có bình luận.