Đối với mỗi người, gia đình chính là nơi ấm áp nuôi dưỡng hoài bão và tiếp thêm sức mạnh mỗi khi họ chùn bước trên đường đời. Nhưng điều đó không đúng với ông Lý, ông có nhà nhưng không thể về. Con dâu ông vốn không ưa ông vì cho rằng ông chỉ ăn bám, vì vậy ông đã giận dữ bỏ nhà đi tha phương cầu thực.
Sau khi bỏ quê hương ra đi, ông đến một thành phố xa lạ. Do tuổi đã cao, không ai nhận ông vào làm, ông Lý chỉ có cách nhặt ve chai ven đường để kiếm sống. Lúc đầu, ông chỉ nhặt nhạnh ở các bãi rác và quanh dòng sông, hằng ngày cũng đủ ăn.
Sau có một người phóng viên thấy ông thường lầm lũi đi lang thang nhặt nhạnh, hoàn cảnh lại khó khăn, anh đã viết một bài báo về ông đăng trên tờ báo địa phương. Sau này hàng xóm và những nhà hảo tâm biết câu chuyện của ông Lý thường qua nhà ông tặng đồ, họ còn cho ông rất nhiều chai lọ và các loại thùng sắt, giấy vụn, nên ông cũng kiếm được thêm chút tiền. Ông làm công việc này đã được 15 năm và tiết kiệm được 6 vạn tệ (197 triệu đồng)
Trên thực tế, ông Lý không tiết kiệm tiền vì con trai mình. Nhắc đến chuyện này, ông Lý lại rơi lệ. Mười năm trước, sau một ngày bận rộn, khi đang ngủ ở túp lều nhỏ trong hẻm, đột nhiên một thanh niên đi tới đòi ông giao hết tiền mặt. Hắn nói nhiều người đến thăm hỏi ông vậy, chắc chắn ông được người ta cho nhiều tiền lắm.
Ông sống chết không chịu, trước nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc, một chú chó vàng trong ngõ đột nhiên chạy tới cắn gã thanh niên dữ dội, khiến gã đành phải bỏ đi. Từ đây về sau, ông Lý thu nhận chú chó lang thang này, ông nuôi dưỡng, chăm sóc nó từ ngày đó.
Một hôm, không hiểu sao con trai và con dâu tìm được chỗ ở của ông. Họ từ nơi xa xôi đến, cung phụng, chăm sóc ông, mỗi ngày đều cơm nước thịt cá đủ cả hầu hạ ông. Ông vui mừng vì tưởng rằng các con đã thay đổi. Nhưng một lần ông về sớm, tình cờ nghe thấy hai người họ nói chuyện, ông mới nhận ra mục đích thật sự của các con mình.
Hóa ra, con trai ông cũng chẳng khác nào tên cướp kia, biết được ông Lý có tiền tiết kiệm, họ muốn nắm bắt số tiền này, nên đến phục vụ ông rồi tìm cách khuyên giải để cha già nhượng tiền cho họ. Ông nói thẳng với họ rằng ông không có tiền, nhặt rác hàng ngày vất vả vậy lấy đâu ra tiền. Họ thấy ông cương quyết, đành kiếm cớ thoái thác rồi mấy hôm sau bắt xe trở về nhà.
Cứ như vậy một năm trôi qua, hôm rồi ông Lý cảm thấy mình không khỏe, liền đến bệnh viện kiểm tra, kết quả phát hiện mình bị ung thư. Nghĩ mình không còn sống được bao lâu, khi ra đi thì ai nuôi dưỡng chú chó đây, thế là ông gửi nó đến một tổ chức nhân đạo, còn ông âm thầm trở về quê.
Không lâu sau, ông Lý qua đời, con trai tìm thấy cuốn sổ tiết kiệm của ông để lại liền ra ngân hàng rút tiền. Nhưng nhân viên ngân hàng cho biết số tiền này không thể rút vì nó đã được chuyển cho người khác. Anh ta thắc mắc vì mình là con trai duy nhất của ông cụ, còn ai để chuyển đây? Sau khi xem xét, cô nhân viên phát hiện số tiền đó đã được chuyển để trả công cho tổ chức nuôi dưỡng chú chó hàng tháng cho đến khi nó chết.
Anh ta thấy thật tức tối, giận sôi cả người không lẽ con trai mà không bằng con chó vàng lang thang đói khát kia? Sao ông ấy không để lại tiền cho anh mà lại lo cho nó. Anh yêu cầu cô nhân viên kiểm tra lại mấy lần mà vẫn cùng một kết quả.
Anh ta thấy khó chịu trong tâm, càng nghĩ càng bực mình. Đáng lẽ anh ta nên nghĩ về những ngày tháng anh bỏ mặc bố già một mình bươn chải, tự lo miếng cơm manh áo, những ngày ốm đau chẳng ai chăm sóc, cô đơn chẳng có ai bầu bạn, chỉ trừ có con chó vàng…
Huy Hoàng biên dịch
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.