Kawakami Jin-ichi – người được xem là ninja cuối cùng của Nhật Bản và thế giới – đã cùng với những giáo sư từ Đại học Mie (Nhật) đến TP.HCM để công bố nghiên cứu về Ninja và thi triển một số bí thuật của mình.
Chiều 14-11, hội trường lớn của đại học Sư Phạm TP.HCM (280 An Dương Vương, Q.5) đã được lấp kín bởi các bạn trẻ đến tham dự buổi nói chuyện Sự thật về ninja. Khi vị ninja Kawakami Jin-ichi bước vào, cả khán phòng ngợp tiếp vỗ tay. Ông vận bộ đồ đen, bước chân thoăn thoắt không một tiếng động về phía chỗ ngồi của mình.
Đây là lần đầu tiên ông Kawakami đến Việt Nam theo chương trình hợp tác văn hóa giữa Đại học Sư Phạm TP.HCM và Đại học Mie.
Đã từ lâu, nhiều người trên thế giới nhìn nhận Ninja như những người mặc đồ đen bí ẩn, có khả năng thi triển những thuật độn thổ, bay lượn… và thực hiện công việc ám sát.
Thế nhưng, trái với đám đông, các giáo sư đến từ Đại học Mie lại có các phát hiện đặc biệt về ninja – những con người mà đến chính ngườidân Nhật Bản còn mơ hồ và nghĩ rằng chỉ có trong truyền thuyết.
Chân dung thật của Ninja
Phát biểu tại buổi nói chuyện, GS Yamada Yuji, người chuyên nghiên cứu về lịch sử tín ngưỡng, cho rằng tên gọi “ninja” chỉ thực sự được xuất phát từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2.
“Vào thời Edo, ninja được gọi là shinobi và có nhiệm vụ chính là thu thập thông tin tình báo. Nhiệm vụ của họ có thể thay đổi theo giai đoạn và theo lãnh chúa. Thời Edo kết thúc có nghĩa là nhiệm vụ của họ cũng đã chấm dứt.” – Ông Yamada chia sẻ.
Cũng theo GS Yamada, hình ảnh về các ninja đã bị các bộ phim hay truyện tranh làm méo mó đi phần nào. Cũng vì vậy, giới nghiên cứu thường gọi ninja là shinobi – nhân xưng chính thức của họ trong thời Edo và đã được ghi trong các tập sách truyền lại.
Bên cạnh các kỹ năng đặc biệt của mình trong việc đột nhập, ám sát…
các ninja phải có trí nhớ tốt để ghi nhớ thông tin tình báo, vì thế các nhiệm vụ của ninja không chỉ được thực hiện trong chiến tranh mà còn cả trong thời bình.
Nhận xét về Ninja trong tập báo cáo Hình tượng thực của shinobi, GS Yamada Yuji nhận định: “Ninja là người hết lòng trung thành với lãnh chúa, nhận thức được bản thân liên quan đến sự tồn vong của quốc gia. Khi hoàn thành nhiệm vụ, phải lùi mình ra sau.”
Đồng ý với nghiên cứu của GS Yamada, PGS Yoshimaru Katsuya cũng cho rằng có rất nhiều người đang hiểu sai lệch về hình ảnh ninja: “Chỉ đánh cắp một món đồ gì đó trong trang phục màu đen thì người ấy không phải là một ninja. Thực tế, họ là những nhân vật tình báo xuất chúng, có khả năng đặc biệt trong việc nhìn nhận cục diện và có ảnh hưởng nhất định đến chính trị.”
Trước đây, người dân Nhật thường xem ninja là những người đại diện cho cái ác, sự ám muội. Chỉ đến năm 1913, cuốn sách Sarutobi Sasuke của tác giả Tamada Gyokushusai được phát hành mới cho thấy cái nhìn về một Ninja chính nghĩa và hình ảnh đó được lan truyền cho đến ngày nay.
Một buổi trình diễn kỹ năng ninja tại bảo tàng Iga-ryu.
Trò chuyện với chúng tôi, GS Yoshimaru tâm sự: “Vì là một người nghiên cứu về nghệ thuật, văn hóa nên tôi rất hứng thú với hình ảnh ninja. Ninja đã góp phần tạo nên bộ mặt của rất nhiều vùng đất Nhật Bản hiện nay. Ninja là hóa thân của sự hi vọng về những con người có sức mạnh bảo vệ người dân trong hoàn cảnh khó khăn nhất”.
Võ thuật chỉ là một phần của Ninja
Có mặt tại buổi giao lưu, ông Kawakami Jin-ichi – ninja cuối cùng của Nhật Bản – cho rằng võ thuật chỉ là một phần của ninjutsu (các kỹ năng đặc biệt của ninja – PV). Một ninja chân chính phải đặt chữ “tâm” lên đầu, không chỉ trong cách chiến đấu mà còn trong cách sống của mình.
Ngay từ nhỏ, ông Kawakami đã được thụ đắc kỹ thuật ninja từ phái Iga và phái Koka. Đây là hai phái ninja nổi tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Để giúp khán giả hiểu thêm về ninja, ông Kawakami đã thi triển những kỹ thuật của mình. Khán giả có mặt tại hội trường đã rất bất ngờ khi ông tự làm mình trật khớp vai và đưa chúng về vị trí cũ. Bên cạnh đó, ông Kawakami cũng giới thiệu một số vũ khí của ninja (phi tiêu, kiếm, thuốc khói…) và biểu diễn chúng trên sân khấu.
Theo GS Yamada Yuji, bên cạnh việc tìm hiểu lại lịch sử ninja, hiện nay các chuyên gia của Đại học Mie đang tích cực nghiên cứu cách hít thở hay phương pháp dinh dưỡng… của ninja để ứng dụng vào thể thao, cải thiện sức khỏe.
TS Cao Lê Dung Chi, Trưởng khoa Nhật Bản học thuộc Đại học Sư Phạm TP.HCM, nhận định: “Chính bản thân chúng tôi khi tổ chức buổi nói chuyện này cũng chỉ mong muốn những sinh viên của mình được tiếp cận với những câu chuyện thú vị về ninja để có hứng thú học tiếng Nhật. Thế nhưng, chúng tôi không ngờ rằng những nghiên cứu về ninja thật sự có giá trị và có tính học thuật cao như vậy. Thông qua các báo cáo này, chúng tôi sẽ có thêm khả năng nghiên cứu đối chiếu về văn hóa, xã hội Nhật Bản trong quá khứ.”
Video: Cách xử lý tuyệt vời khi tức giận trong tranh chấp giao thông
Theo Tuoitre
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.