Thứ Tư, 02/05/2018 | 15:28

Tiêm phòng dại được các bác sĩ chỉ định cho những người không may bị các loại gia súc như chó, mèo, chuột….cắn để tránh nguy cơ mắc bệnh dại và tử vong. Tuy nhiên, sau khi tiêm phòng dại, rất nhiều người lo lắng loại vắc xin này gây ảnh hưởng đến sức khỏe? Vậy, sau khi tiêm vắc xin phòng dại cần làm những việc gì tiếp theo?

Bệnh dại nguy hiểm như thế nào?

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại. Căn bệnh này đặc biệt nguy hiểm bởi người bị bệnh khi đã lên cơn dại thì không có loại thuốc nào điều trị, nguy cơ tử vong lên đến 100%.

Tại Việt Nam, tính từ năm 2012 đến 2017 cho thấy, mỗi năm ghi nhận 240-300 ca tử vong do bệnh truyền nhiễm thì có đến 1/3 là tử vong do bệnh dại.

Theo các bác sĩ, hầu hết những trường hợp tử vong vì bệnh dại do không tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Trong đó nhiều trường hợp nghĩ chó nhà nuôi cắn thì không sao và vật nuôi cũng không có biểu hiện gì nên chủ quan không đi tiêm phòng. Đến khi lên cơn dại mới đi tiêm vắc xin phòng bệnh thì đã quá muộn. Lúc này, virus bệnh dại đã lên não và không có cách gì cứu vãn.

Phương pháp xử lý khi bị chó, mèo…cắn

Theo các chuyên gia, ngay sau khi bị chó, mèo, chuột… cắn hoặc tiếp xúc nước dãi của các động vật (chó, mèo liếm vào vết thương hở) phải tiến hành sơ cứu ngay.

Cách làm: Rửa vết thương liên tục dưới dòng nước sạch và xà phòng trong vòng 15 phút. Ngoài ra có thể sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn như iodine có hiệu quả tiêu diệt virut tốt.

Tiếp theo cần đưa người bị gia súc cắn đến cơ sở y tế để được điều trị dự phòng bằng chích kháng huyết thanh dại và tiêm vắc xin ngừa dại. Lưu ý thực hiện tiêm vắc xin càng sớm càng tốt, tốt nhất là sau vài giờ bị chó cắn và không quá 24 giờ bởi thời gian điều trị càng muộn thì hiệu quả càng kém.

Thông thường sau 24-48 giờ, việc điều trị sẽ giảm hiệu quả do virut đã xâm nhập và ẩn nấp an toàn bên trong tế bào thần kinh.

Những lưu ý sau khi tiêm vắc xin phòng dại

Việt Nam hiện sử dụng hai loại vắc xin phòng dại gồm:

+ Fuenzalida tiêm trong da: Từ 6 – 8 mũi.

+ Văcxin Verorab của Pháp tiêm bắp: Tiêm 5 mũi.

Khi đến tiêm phòng dại người bệnh cần lưu ý khi thấy mệt mỏi, sốt, khó chịu… cần thông báo ngay tình trạng sức khỏe của mình cho bác sĩ.

Theo quy định, trước khi bác sĩ tiêm mũi thứ hai sẽ phải khám, hỏi xem bệnh nhân có sốt, nhức đầu, tê nhẹ chân tay hay không… Nếu xuất hiện các triệu chứng trên cần phải ngưng tiêm từ 1 – 2 ngày.

Ngoài ra người đang trong giai đoạn tiêm vắc xin phòng dại cần kiêng uống rượu, bia, không làm việc nặng, không tập thể dục. Đặc biệt là không sử dụng các thuốc dạng corticoid, các thuốc làm giảm miễn dịch… trong vòng 6 tháng để đảm bảo vắc xin phòng dại khi vào cơ thể đạt kết quả tốt nhất.

Những vấn đề cần lưu ý sau khi tiêm vắc xin phòng dại

Sưu tầm

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook