Thứ Bảy, 27/10/2018 | 08:37

Con người trên khắp hành tinh đều có một hoạt động giống nhau tại mọi thời điểm dù là ngủ hay thức, hoạt động hay nghỉ ngơi, đó là thở. Mũi là một trong những cơ quan hô hấp

Con người trên khắp hành tinh đều có một hoạt động giống nhau tại mọi thời điểm dù là ngủ hay thức, hoạt động hay nghỉ ngơi, đó là thở. Thở mang lại sự sống và duy trì sự sống ở mỗi cá thể. Tuy nhiên, ở một số người đặc biệt, sự thở không được thực hiện theo cách thông thường thông qua mũi mà là qua miệng. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến các bộ phận liên quan đến thở bằng miệng?

 Các răng cửa không chạm nhau do thở miệng

Thông thường con người thở bằng mũi và một phần qua miệng trong những điều kiện sinh lý nhất định như tập thể dục, nói, đọc… Hoạt động thở là yếu tố đầu tiên quyết định vị trí của xương hàm, lưỡi và đầu. Thở qua mũi có vai trò quan trọng do hô hấp là yếu tố đầu tiên kiểm soát mức năng lượng của cơ thể. Thở qua mũi giúp tạo nên áp lực phản hồi để phổi có nhiều thời gian hấp thu ôxy và cân bằng pH máu. Thở qua mũi kích thích hướng tâm hệ thần kinh điều chỉnh sự thông khí qua mũi.  Hốc mũi và các xoang giúp lọc và làm ấm không khí trước khi đi vào phổi, ngoài ra lớp màng nhầy ở đường hô hấp trên giúp giữ lại và tiêu diệt các vi khuẩn, virut gây bệnh.

Thở miệng bỏ qua các phản xạ trên do đó có thể dẫn đến hội chứng ngừng thở khi ngủ hay các vấn đề tim mạch khác. Khi thở miệng, não cho rằng cơ thể mất carbon dioxide quá nhanh, não nhạy cảm tình trạng này và ức chế trung tâm hô hấp.

Hậu quả khi thở miệng kéo dài

Vì lý do nào đó mà sự thông khí qua mũi bị cản trở, cơ thể sẽ thích nghi bằng cách thở qua đường miệng. Thở qua đường miệng hay gọi tắt là thở miệng. Thở miệng trong thời gian dài sẽ dẫn đến những thay đổi cơ bản: môi trên kéo lên cao và hàm dưới giữ ở tư thế mở, lưỡi bình thường được đặt ở vòm miệng nay bị hạ thấp xuống sàn miệng và bị đẩy ra trước để cho phép một lượng lớn không khí có thể đi qua (đó là nguyên nhân rất nhiều người thở miệng có bất thường về nuốt).

Sự co bất thường của các cơ liên quan đến lưỡi và các xương mặt khi thở miệng dẫn đến sự tạo hình lại từ từ các xương này, gây ra các biến dạng hệ thống răng mặt. Ngoài ra, khi thở qua miệng, lượng ôxy được hấp thu kém hơn so với thở qua mũi, cơ thể luôn trong trạng thái thiếu ôxy nên thở gắng sức, đầu thường nghiêng sang bên hoặc ra sau, trẻ há to miệng như đang “đớp khí”, tư thế này làm quá tải các cơ vùng cổ và phần trên của lưng, nếu kéo dài liên tục sẽ dẫn đến biến dạng cột sống vĩnh viễn (cong bất thường cột sống cổ và ngực) và thay đổi vị trí của vai.

Cuối cùng, ta thấy hiệu ứng domino xảy ra với hông, gối và bàn chân, là hậu qua của sự biến đổi cột sống cổ và ngực. Ban đầu, thở miệng là do có cản trở ở đường hô hấp trên, nhưng ngược lại, thở miệng trong thời gian dài lại càng làm thu hẹp đường hô hấp trên và tăng kích thước của amidan hay VA, đến một mức nào đó làm cho hô hấp qua mũi không thể thực hiện được nữa.

Tốc độ tăng trưởng của khối xương mặt nhanh nhất trong những năm đầu đời: 4 tuổi xương mặt đạt 60% kích thước trưởng thành, đến 12 tuổi, 90% sự tăng trưởng xương mặt đã hoàn thành. Do đó, những thay đổi này diễn ra càng sớm thì sự biến đổi hệ thống cơ xương càng nặng nề.

Vì sao con người thở miệng?

Cản trở hô hấp qua mũi do các nguyên nhân: quá phát xoăn mũi do dị ứng, do nhiễm khuẩn mạn tính đường hô hấp hay do điều kiện khí hậu nóng và khô; amidan, VA có kích thước lớn; do khiếm khuyết giải phẫu: lệch vách ngăn mũi,… pôlýp mũi, viêm mũi dị ứng; các bệnh di truyền; nhược trương hoặc ngắn môi trên; do các thói quen khác.

Các tấm chắn miệng để ngăn chặn thói quen thở miệng

Thở miệng ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân

Thở miệng kéo dài nếu không được điều trị kịp thời có thể gây những ảnh hưởng chung toàn thân như: biến dạng ngực, ngực có kiểu “ngực bồ câu”, biến dạng cột sống cổ, cột sống ngực, tư thế đầu và vai bất thường (đầu hơi ngả ra sau hoặc nghiêng sang bên, vai đưa ra trước); thực quản hạ thấp, thay đổi mức khí máu; giọng nói khàn, nói giọng mũi; quầng thâm quanh mắt do mất ngủ; trẻ thiếu ôxy mạn tính nên da thường xanh tái, chậm phát triển thể chất, khuôn mặt đờ đẫn, nhanh đuối sức khi vận động.

Các cấu trúc tại chỗ cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là mũi và hệ thống răng – mặt. Hệ thống lông mao của mũi kém hoạt động, khả năng khứu giác kém, các xoang hàm kém phát triển, dễ nhiễm khuẩn amidan và VA, lỗ mũi ngoài thu nhỏ. Khuôn mặt dài: tăng chiều cao tầng mặt dưới, tăng góc mặt phẳng hàm dưới, mặt hẹp, cằm nhỏ. Môi dưới giảm trương lực, trề ra trước, hai môi cách xa nhau. Các răng trước thưa và chìa ra ngoài, các răng cửa không chạm nhau, xương hàm trên hẹp một hoặc hai bên, cắn chéo vùng răng hàm.

Lợi thường bị viêm do thở miệng. Thường viêm vùng lợi phía trước hàm trên, lợi khô, viêm bóng đỏ, tăng độ dính nước bọt, mất hoạt động tự làm sạch nên tăng lắng đọng vi khuẩn ở mảng bám răng, hơi thở hôi: do khô miệng và viêm lợi; cười hở lợi.

Thở miệng điều trị càng sớm càng tốt

Cần phải chú ý đến bệnh sử: các tình trạng bệnh lý dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp trên như viêm amidan, VA nhiều lần, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thường xuyên, viêm mũi dị ứng, viêm tai giữa… Khi thăm khám, quan sát trẻ thở: hai môi cách xa nhau, miệng ở tư thế mở, thở sâu không thấy di động của cánh mũi, sai khớp cắn, viêm lợi, nói giọng mũi…

Nên điều trị sớm nhất có thể, đặc biệt ở giai đoạn hàm răng hỗn hợp, cần phối hợp với chuyên khoa tai mũi họng. Phương thức điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân có thể phẫu thuật hoặc dùng thuốc tại chỗ, nong nhanh xương hàm trên… Thở miệng thường có viêm lợi kèm theo nên cần chú ý đến điều trị viêm lợi: sử dụng các loại mỡ bôi hay kem giữ ẩm vào ban đêm: bôi thuốc vào mặt trong máng nhựa mềm.

Ngoài ra cần tập cho trẻ cách thở, hướng dẫn trẻ hít thở sâu qua mũi vào sáng và tối.  Tập môi: kéo dài môi trên, chơi các nhạc cụ hơi (kèn, sáo…). Các  tấm chắn miệng hoặc hàm cũng có thể được đeo để chỉnh sửa khớp cắn và ngăn chặn thói quen thở miệng.

Yhocvn.net (Theo SKĐS)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook