Kể với bố về tiết thể dục ở trường, cậu con lớp một của tôi nói: “Thầy đưa chúng con vào rừng, đưa cho bản đồ, la bàn và bảo chúng con tìm lối ra”.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của tác giả William Doyle, người Mỹ, giảng viên về truyền thông và giáo dục tại Đại học Đông Phần Lan, về những lý do ông coi trường học Phần Lan như “thiên đường” với trẻ em sau khi cho con theo học ở đây. Bài viết đăng tải trên The Sydney Morning Herald.
Giáo sư trường Harvard, Howard Gardner, từng khuyên người Mỹ “nên học tập Phần Lan – đất nước có những trường học hiệu quả nhất và đang làm nhiều điều ngược lại với những gì diễn ra ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới này”.
Theo lời khuyên của ông, tôi đăng ký cho cậu con trai 7 tuổi của mình vào một trường tiểu học ở Joensuu, Phần Lan. Tất nhiên, tôi không mù quáng chỉ nghe lời khuyên – tôi cũng tìm hiểu kỹ khi làm giảng viên tại Đại học Đông Phần Lan trong một học kỳ. Và thực sự, chỉ trong vòng 5 tháng, vợ, con và tôi trải nghiệm một hệ thống giáo dục quá tốt, không một chút căng thẳng ở đây. Phần Lan có lịch sử luôn đạt điểm thi toàn cầu cao nhất ở khu vực phía Tây cũng như toàn cầu.
Ở Phần Lan, trẻ bắt đầu vào lớp một lúc 7 tuổi. Trẻ lớp 1 và 2 sẽ ra ngoài trường vào buổi chiều và dành hầu hết thời gian này để vui chơi. Ảnh: Youthtoday. |
Ở Phần Lan, trẻ em chỉ bắt đầu đi học chính thức từ 7 tuổi. Cho đến lúc đó, nhiều bé thường đến các cơ sở chăm sóc ban ngày và được học thông qua vui đùa, các trò chơi, bài hát và trò chuyện. Hầu hết trẻ đều đi bộ hay đi xe đạp đến trường, ngay cả các bé nhỏ nhất. Các tiết học thường ngắn và bài tập về nhà nhìn chung là rất nhẹ nhàng.
Không giống như ở nhiều nước khác, mỗi tiếng trong ngày, trẻ em ở Phần Lan có một tiết nghỉ 15 phút chơi tự do. Thời gian nghỉ để tận hưởng không khí trong lành, hòa mình cùng thiên nhiên tươi đẹp và tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên được coi là động lực để trẻ học tốt hơn. Người Phần Lan có một câu châm ngôn là: “Không có thời tiết xấu, chỉ có trang phục không phù hợp”.
Một buổi tối, tôi hỏi con trai là bé đã làm gì trong tiết tập thể dục hôm đó. “Các thầy cô đưa chúng con vào rừng, phát cho bản đồ, la bàn và chúng con phải tìm đường ra”, cậu nhóc đáp.
Phần Lan không phí thời gian hay tiền bạc vào những bài kiểm tra chuẩn hóa đại trà chất lượng thấp. Thay vào đó, trẻ được đánh giá hằng ngày, qua quan sát trực tiếp, kiểm tra và làm trắc nghiệm với “công cụ học tập cá nhân hóa” tiêu chuẩn cao, do các giáo viên hằng ngày của các con tự tạo ra.
Trong lớp, trẻ được phép cười đùa và lơ đễnh, bất kể lúc nào. Có những câu nói tôi được nghe đi nghe lại ở xứ này “Hãy để trẻ con được là trẻ con”, “Việc của trẻ con là vui chơi”, “Trẻ em học tốt nhất qua vui chơi”.
Không khí trong các lớp học thường rất ấm cúng, an toàn, đầy tôn trọng và có tính hỗ trợ trẻ cao. Không có những bài học kiểu đọc – chép. Một học viên của tôi, cũng là giáo viên người Trung Quốc đã chia sẻ với tôi rằng: “Ở các trường học Trung Quốc, bạn cảm thấy như đang ở trong quân đội. Còn tại đây, bạn cảm thấy mình như một phần của một gia đình thực sự đáng yêu”. Cô ấy đang cố gắng để tìm cách có thể ở lại Phần Lan mãi mãi.
Ở Phần Lan, giáo viên là nghề được tin cậy và ngưỡng mộ nhất, tiếp đó là bác sĩ, một phần bởi vì họ được yêu cầu phải có bằng thạc sĩ về giáo dục với chuyên môn trong nghiên cứu và thực hành lớp học.
“Nhiệm vụ của chúng ta khi làm người lớn là bảo vệ cho con cái mình khỏi các nhà chính trị. Chúng ta cũng có đạo đức và trách nhiệm để nói với những người buôn bán là hãy tránh xa nơi trẻ em của chúng tôi đang ở“, một giảng viên giáo dục trẻ em nói với tôi. Thực tế, bất cứ công dân Phần Lan nào cũng được thoải mái ghé thăm các trường vào bất cứ lúc nào họ thích nhưng thông điệp của bà rõ ràng là: Các nhà giáo dục có quyền hạn về giáo dục, chứ không phải là quan chức và càng không phải nhà buôn.
Một ngày cuối tháng 11, khi trận tuyết đầu mùa đổ xuống, tôi nghe tiếng ồn ào bên ngoài cửa sổ văn phòng – nơi gần với khu vui chơi ngoài trời của một trường học. Tôi bước ra tìm hiểu xem có việc gì. Trên sân, một đám trẻ đang phấn chấn khám phá hương vị đầu tiên của mùa đông. “Các em có nghe thấy gì không”, người hướng dẫn học sinh trong giờ nghỉ giữa các tiết hỏi. Đây là một giáo viên đặc biệt, mặc một bộ đồng phục bảo hộ màu vàng. “Đó chính là âm thanh của hạnh phúc”, cô nói giọng đầy tự hào. Thực sự, tôi cũng đã nghe được âm thanh hạnh phúc khi có con học ở một trường giống như thế.
Vương Linh
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.