Ngày 10/4/1917, cô gái 18 tuổi Grace Fryer bắt đầu làm công việc sơn đồng hồ tại xưởng United States Radium Corporation ở quận Cam, New Jersey, Mỹ. Đây là xưởng sản xuất đồng hồ cung cấp cho quân đội Mỹ. Bởi vì radium có thể phát sáng trong bóng tối nên họ đã thuê công nhân sơn radium lên đồng hồ, nhờ đó người lính có thể đọc được tin nhắn trong bóng tối. Và đây là nơi Grace và không biết bao nhiêu cô gái đã làm việc.
▼ Hai anh em trai nhà Grace đã lên đường nhập ngũ, cô hy vọng có thể giúp sức cho quân đội nên đã đến làm việc tại xưởng Radium. Trên thực tế, đây là một công việc rất đáng tự hào, lương cao gấp ba lần công nhân nhà máy bình thường. Bởi vì sơn radium cần sự khóe léo, tinh tế nên hầu hết người làm công việc này đều là những cô gái trẻ linh hoạt như Grace.
▼ Grace và các đồng nghiệp được yêu cầu nhấp môi cây cọ để giúp đầu cọ nhọn ra trước khi sơn. Mỗi lần các cô đưa cọ lên miệng, họ lại nuốt một ít sơn xanh lấp lánh. Những người quản lý ở phân xưởng bảo rằng loại sơn này chẳng có gì nguy hiểm cả, nhưng điều đó không đúng. Bởi vì thời điểm đó người ta tin rằng, một lượng nhỏ radium là tốt cho sức khỏe. Người ta uống nước radium như một loại nước khoáng. Các mĩ phẩm, bơ, sữa và kem đánh răng cũng được điểm tô với radium. Truyền thông thì bảo rằng dùng radium sẽ gia tăng tuổi thọ. Nhưng đó đều được cho là những báo cáo không đúng sự thật do các công ty radium bịa đặt ra.
▼ Các nữ công nhân không nghi ngờ gì, cứ làm việc theo yêu cầu của nhà máy. Đôi khi để cho vui, họ còn sơm một chút radium lên răng và trên cơ thể. Trong bóng đêm, các cô phát ra ánh sáng màu xanh có thể khiến bạn trai giật mình. Nhưng có phải radium thực sự không có hại đối với cơ thể? Câu trả lời tất nhiên là không. Ngay cả Marie Curie cũng từng bị bỏng radium khi phát hiện ra nó. Những người đàn ông tại các công ty radium lại được khoác áo bảo hộ và gắp radium bằng kìm làm từ ngà voi. Tuy nhiên, những cô gái ở xưởng đồng hồ lại không được trang bị các thiết bị này, cũng không hề được cảnh báo về tầm nguy hiểm rợn người của radium.
▼ Ngay sau đó, một điều khủng khiếp đã xảy ra. Năm 1922, một đồng nghiệp của Grace là Mollie Maggia phải nghỉ việc vì bị ốm. Cô bị rụng hết răng và tình trạng viêm nhiễm tiếp tục bành trướng. Nguyên hàm dưới của cô, vòm miệng, và một số xương trong lỗ tai đều bị áp-xe. Khi bác sĩ nhẹ nhàng nạy xương hàm của cô, trước sự kinh hoàng đến cực độ của những người chứng kiến, nguyên bộ xương hàm của cô vỡ ra. Bác sĩ lấy xương hàm ra “không phải bằng tiểu phẫu mà chỉ đơn giản là dùng tay nâng nó ra”.
▼ Chẳng bao lâu, cô gái trẻ Mollie đã chết, ngoài cô ấy, có rất nhiều cô gái chết đau đớn theo cách tương tự. Tất cả họ đều có một điểm chung, đó là, tiếp xúc lâu dài với radium trong nhà máy. Nhưng nguyên nhân chính thức cái chết của họ đã được tuyên bố là do bệnh giang mai, nhà máy từ chối thừa nhận các căn bệnh do bức xạ radium gây ra, một số bác sĩ cũng che giấu sự thật theo yêu cầu của công ty.
▼ Grace Fryer qua đời vào năm 1927, trước đó cô đã cố gắng đưa sự kiện ra ánh sáng mặc dù việc kiện tụng vẫn chưa đi đến đâu. Tuy nhiên, điều này đã khiến cho các cô gái trên toàn nước Mỹ sợ hãi với công việc sơn đồng hồ.
Sự kiện “những cô gái radium” đã buộc chính quyền phải thành lập Cơ quan Sức khỏe & An toàn cho người lao động. Nếu trước đây khoảng 14.000 người chết mỗi năm vì lí do nghề nghiệp, thì hiện nay con số này giảm xuống khoảng 4.500. Chính sự hy sinh của các cô gái radium đã khiến cho các ông chủ lần đầu tiên phải chịu tránh nhiệm về sức khỏe và tính mạng của những công nhân mình thuê mướn. Bây giờ rất ít người nhắc đến những cô gái đáng thương này, nhưng chuyện xưa của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Video: Chấn Động Thế Giới – Một Câu Chuyện Cảm Động [Thuyết Minh]
Huy Hoàng (TH)
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.