Chủ Nhật, 13/09/2015 | 13:16

Anh Giang Nam và con trai lúc bé 4 tuổi. Ảnh: NVCCAnh Giang Nam và con trai lúc bé 4 tuổi. Ảnh: NVCC

“Tôi vừa trải qua một kinh nghiệm kinh khủng, hoa cà hoa cải của con văng khắp người khi thay bỉm cho nó. Không hiểu sao, lúc đó không thấy bẩn gì cả mà chỉ thấy thật hạnh phúc!”

Cũng như các bà mẹ, đàn ông cũng trưởng thành lên từng ngày từ khi lên chức bố. Họ cũng xót xa khi con nôn trớ, lo lắng mỗi lần con tự dưng “hoa cà hoa cải”, cũng muốn tiết kiệm tiền mua đồ chơi cho con, hay có những lúc ngơ ngẩn nhớ con khi đang vùi đầu nơi công sở.

Có con, bố thích về nhà hơn

Từ ngày có con, tôi hay đi làm muộn, không phải do ngủ quên mà vì sáng nào cũng mải nằm trêu đùa với nhóc. Khác hẳn với thời còn lông bông lang bang, mở mắt dậy là phi vội vào nhà vệ sinh, quáng quàng một lúc rồi dắt xe lao một mạch đến công ty.

Công việc của tôi tương đối bận rộn, thỉnh thoảng tôi lại xả stress bằng cách nghĩ lại những cử chỉ của cu Tý. Lúc đó, cứ ngồi cười một mình như dở người, chắc các đồng nghiệp cũng chả hiểu tại sao.

Trước đây, hết giờ làm, tôi hay la cà quán xá, đặc biệt là nhậu nhẹt, bù khú với bạn bè nhưng giờ thích về nhà hơn, thơm lên cái má bầu bĩnh của thằng nhóc quả là một cảm giác rất tuyệt. Nguyễn Giang Nam (34 tuổi, Hải Phòng, có con trai 6 tuổi)

Vì con, bố sẵn sàng làm những việc trước đây chưa bao giờ làm

Trước đây, tôi vẫn hay trông cháu giúp các chị gái nhưng luôn có yêu cầu bọn trẻ phải được đóng bỉm cẩn thận thì mới bế hoặc chơi cùng. Chỉ vài giọt nước tè của bọn nhóc vãi ra người cũng đủ khiến tôi giãy nảy lên và “mắng” mẹ của chúng.

Vợ tôi vừa sinh con chưa được một tuần. Mọi người đã dọa là tôi sẽ phải ngủ ít, và thực sự là tôi đã thức trắng ba ngày. Công việc của tôi hàng đêm là ủn bé vào ti mẹ, đỡ vợ ngồi và nằm với tốc độ siêu chậm.

Vợ tôi ít sữa nên tôi còn phải pha thêm sữa công thức cho con. Ngoài ra là chùi đít, thay bỉm cho nhóc. Tôi vừa trải qua một kinh nghiệm kinh khủng, hoa cà hoa cải của con văng khắp người khi thay bỉm cho nó.

Không hiểu sao, lúc đó không thấy bẩn gì cả mà chỉ thấy thật hạnh phúc và cảm thấy rất hài lòng với sự hợp tác của con. Tôi muốn tự mình chăm sóc vợ con trong thời gian còn đang nghỉ phép, sau này đi làm trở lại thì sẽ nhờ đến bà nội và bà ngoại.Lê Thanh Tùng (35 tuổi, TP HCM, con trai chào đời ngày 5/7)

Có con, tôi trở nên kiên nhẫn, tiết kiệm hơn

Từ khi có con, cảm xúc của tôi đã thay đổi rất nhiều. Đầu tiên là cảm giác hạnh phúc khi vợ thông báo về chiếc que hai vạch. Lúc ấy vui lắm.

Trong đầu đã nghĩ ra bao thứ về con: Con sẽ giống ai? Con sẽ như thế nào? Sẽ làm những gì cho con! Trong suốt hành trình 9 tháng thai kỳ của vợ, đan xen những niềm vui là sự lo lắng: Con chào đời có khỏe mạnh?

Rồi từ khi con xuất hiện trong cuộc sống, ít nhiều mọi thứ trong tôi có thay đổi. Tình cảm yêu thương dành cho vợ một phần và giờ cho con cũng một phần tương ứng.

Trước kia, tan làm hay ngồi nhậu vài cốc bia với bạn bè, bây giờ nhường thời gian lại cho chăm con, chơi với con. Thói quen chi tiêu cũng thay đổi.

Khi chưa có con, tôi sẵn sàng bỏ ra tiền triệu mua đồ dùng cho cá nhân nhưng khi con xuất hiện trong cuộc sống, thói quen ấy thay đổi. Một phần muốn dành mua đồ thật đẹp cho con, một phần muốn tiết kiệm cho con ăn học sau này.

Có con đã rèn cho tôi tính kiên nhẫn. Đó là những lúc chăm con miếng ăn, giấc ngủ. Trẻ nhỏ có thói quen sinh hoạt khác người lớn. Nếu không kiên nhẫn và thay đổi sẽ rất dễ nóng tính và cáu gắt. Con xuất hiện làm tăng hương vị cho cuộc sống và giúp bố sống có trách nhiệm hơn. Chu Hồng Đông (32 tuổi, Thái Nguyên, con gái 2 tuổi)

Giận và làm lành với vợ cũng vì con

Vợ chồng tôi được thầy bói phán “khắc khẩu”. Ngày mới cưới cũng như khi con còn nhỏ, chúng tôi tranh cãi rất nhiều. Bây giờ chúng tôi nhận ra, vợ chồng phải thống nhất mọi chuyện thì con mới phát triển tốt nhất được.

Tôi kết hôn muộn, khi đã có cháu gọi bằng ông trẻ thì mới có con gái đầu lòng. Con tôi hơi còi so với bạn cùng trang lứa, lúc dưới ba tuổi, mỗi lần con nôn trớ là tôi lại đau đầu.

Con lớn hơn, tôi vẫn đau đầu khi con ăn không hết suất. Chỉ vì chuyện ăn uống của con mà đôi lúc vợ chồng tôi giận nhau. Tuy nhiên, cũng vì con mà chúng tôi nhanh chóng làm hòa.

Đôi khi gặp khó khăn trong cuộc sống hay công việc, vợ chồng tôi đều động viên hãy vì con mà cố gắng vượt qua. Phan Đình Thành (40 tuổi, Thái Bình, con gái 5 tuổi và con trai 3 tuổi)

Có con, tôi mới thực sự là đàn ông

“Lúc chưa có gia đình, mình đâu phải là đàn ông, mới chỉ là một chàng trai. Khi có con, mình mới trưởng thành, thấy mình là một con người thực sự, với tất cả trách nhiệm của một con người, kể cả trách nhiệm thiêng liêng là truyền giống. Bản năng là truyền giống, còn ý thức là trách nhiệm đối với một con người mới ra đời.

Lúc này, mình sống không chỉ cho mình mà còn cho con. Mình tự thấy có nghĩa vụ phải xây dựng một gia đình cho con, nuôi dưỡng con tới trưởng thành.

Gia đình mình coi việc nói chuyện với con quan trọng như nuôi ăn, nuôi mặc. Nói chuyện với con chính là cách để giáo dục con, bồi dưỡng trí tuệ, nhận thức cho con, dạy con cách ứng xử, thể hiện tình cảm với con.

Ngày con bé, khi ẵm con, cho con ăn, mình thường nói với con những câu chuyện rất đơn giản như: “Con nhìn kìa, con có thấy con mèo không?”.

Con lớn lên thì đề tài câu chuyện thay đổi, mở rộng hơn như ông Ba, ông Tư hàng xóm”. Khả năng tưởng tượng của con cũng giúp bố suy ngẫm thêm nhiều điều. Nhà thơ Trần Tiến Dũng (TPHCM, tác giả cuốn “Ba ơi tại sao”, con trai 25 tuổi).

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook